+Aa-
    Zalo

    Lợi ích nào sau trào lưu nở rộ các kỷ lục gia “trời ơi”?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng hay sau các cuộc thi, hội chợ, xuất hiện rất nhiều những kỷ lục kỳ quái.

    (ĐSPL) - Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng hay sau các cuộc thi, hội chợ, xuất hiện rất nhiều những kỷ lục kỳ quái. Chưa kịp tạo nên sự đột phá, những kỷ lục ấy đã tạo ra tình trạng bát nháo trong danh hiệu.

    Một số kỷ lục đạt được khá dễ dàng, khiến một số người đặt câu hỏi, còn lợi ích nào khác đằng sau danh hiệu kỷ lục gia?

    Bộ trang phục làm từ bao cao su lớn nhất Việt Nam.

    Nở rộ chiêu trò kỷ lục

    Tại TP.HCM vào những ngày cuối năm, nhiều nhà hàng, cơ sở sản xuất đua nhau có tấm vé kỷ lục. L.T.M., nhân viên của một công ty trong lĩnh vực ẩm thực cho biết, thời gian qua, các khách hàng đến với công ty cô không nhiều. Thế nên, họ phải tìm cách gây sự chú ý của công chúng bằng một chiến dịch quảng cáo đặc biệt. Được sự phân công của sếp, M. liên hệ để xin đăng ký cho thương hiệu của công ty mình có một kỷ lục. Theo tính toán của M., nếu được những danh hiệu này, công ty của cô sẽ thuận lợi hơn trong việc kinh doanh.

    Tại một địa điểm trình diễn trên địa bàn quận 10 (TP.HCM), chúng tôi vô cùng bất ngờ khi thấy anh N.M.H. đang cố gắng luyện nuốt cùng lúc 13 cây kiếm. Trao đổi với PV, anh H. cho biết, buổi tối, anh đi trình diễn cho khán giả xem để có tiền mưu sinh, đồng thời nâng khả năng rèn luyện của mình lên một mức mới để tìm kiếm một giải kỷ lục trong nước. Anh H. chia sẻ, hiện nay bạn bè anh cũng đang gấp rút chuẩn bị đi xin giải thưởng kỷ lục. Bởi giải thưởng này không chỉ giúp anh thuận lợi trong công việc, mà còn có thêm danh tiếng trong quá trình đi trình diễn tại các tụ điểm vui chơi, giải trí.

    Cũng vào dịp cuối năm, việc gấp rút chuẩn bị cho những kỷ lục mới được nhiều đơn vị ráo riết lên kế hoạch. Tại công ty S. trên địa quận 11, vào những năm trước luôn có các kỷ lục chiếc bánh to nhất, năm nay cũng rục rịch chuẩn bị phá kỷ lục của chính mình. Cơ sở này quyết định đặt thêm số nguyên liệu để làm bánh, đồng thời huy động thêm nhân lực để tạo ra chiếc bánh to hơn. Theo một đại diện của công ty S., việc tạo ra những chiếc bánh khủng thu hút rất đông người đến thưởng thức và chiêm ngưỡng, nâng cao uy tín của công ty.

    Dạo quanh một số địa bàn tại TP.HCM, PV chứng kiến một nhóm sinh viên trường T.T. háo hức chuẩn bị lập kỷ lục bộ trang phục tạo ra từ giấy. Trong khi đó, các công ty lớn tại TP.HCM lại hướng đến việc lập kỷ lục bằng việc tạo ra những chiếc bánh lớn nhất, bàn ăn dài nhất, tô phở khổng lồ nhất... Sự sôi động này tạo ra một không khí đặc biệt cho các kỷ lục Việt Nam.

    Đằng sau các kỷ lục được trao tặng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có những kỷ lục đạt dễ dàng, chỉ mất chừng vài ngày, hay dụng công một ít sức lực để lập kỷ lục như chiếc bánh mì dài nhất, chiếc bánh tét lớn nhất, hay bàn hải sản to nhất. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những kỷ lục mà các kỷ lục gia phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí là mang một vài vết thương tích trên người để rèn luyện các kỹ năng đặc biệt mà không ai có được. Rõ ràng, chất lượng các kỷ lục hiện nay đang có sự chênh lệch nhau.

    Kỷ lục nhưng... không thuyết phục!

    Đáng nói, kỷ lục đang rơi vào tình trạng thiếu tài năng đặc biệt. Một kỷ lục gia (xin được phép giấu tên) chia sẻ: "Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp, kỷ lục gia được trao tặng danh hiệu. Tuy nhiên, khi đi trình diễn trước công chúng, những người này lại sử dụng chiêu "qua mặt" khán giả. Chẳng hạn như với những màn trình diễn đánh gãy sắt, họ nối các mối hàn lại với nhau, đến khi lên sân khấu những người này không dùng đạo cụ là cây sắt thật 100\%. Khi lên sân khấu, họ dụ khán giả bằng những chiêu trò, tung ra những đòn lạ mắt khiến khán giả không biết đâu là thật, đâu là giả".

    Hậu quả của vấn nạn này khiến nhiều kỷ lục gia chân chính bị thiệt thòi. Kỷ lục gia Đình Giang chia sẻ thêm: "Nhiều khán giả khi xem những trò biểu diễn sử dụng "chiêu", họ không có sự phân biệt rõ ràng. Đến khi xem những màn biểu diễn trình diễn thật họ lại thấy không hay bằng. Điều đáng buồn là một số kỷ lục thiếu tài năng nhưng lại nghiễm nhiên được chọn lập kỷ lục".

    Nói về vấn đề tài năng, kỷ lục gia Nguyễn Kim Tuấn, võ đường Thất Bảo Sơn chia sẻ: "Hiện nay, các kỷ lục đang rơi vào tình trạng thiếu sự độc đáo. Nhiều kỷ lục xuất hiện mà ai cũng có thể làm được. Đây là điều đáng buồn bởi kỷ lục là một danh hiệu được trao tặng trên ý nghĩa là có rất ít người làm được. Đó là tài năng riêng của mỗi người và hiếm gặp. Song, hiện nay vẫn còn có một số kỷ lục chưa thật sự hoàn hảo. Theo ý kiến của tôi, kỷ lục cần phải được rèn luyện qua thời gian và phải có thêm yếu tố năng khiếu".

    Hiện nay, một số kỷ lục được công bố nhưng chưa thuyết phục, bởi lẽ, ở đó yếu tố tài năng vẫn còn khá ít, thiếu tính đột phá. Điều quan trọng là trao danh hiệu kỷ lục để khuyến khích tính sáng tạo, tài năng của con người. Do vậy, nếu có danh hiệu mà không thực tài, sẽ không tạo nên sự đột phá, trừ việc đánh bóng tên tuổi thương hiệu nào đó. PGS-TS Phan An, viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ chia sẻ: "Các kỷ lục nhằm đưa con người lên một tầm cao hơn, thúc đẩy sự tiến bộ và khả năng chinh phục chính mình của con người. Tôi nghĩ, ta nên xem vinh danh kỷ lục là một thủ tục, chứ không phải là tất cả. Điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Họ đã đạt được điều gì trong cuộc sống này".

    Nói về việc xác lập kỷ lục cho các nhãn hàng, ông Dương Duy Lâm Viên, Giám đốc điều hành tổ chức kỷ lục Việt Nam chia sẻ: "Việc xác lập xuất phát từ nhu cầu quảng bá các thương hiệu, việc các đơn vị thực hiện các kỷ lục để ghi lại dấu ấn trong quá trình hình thành, phát triển của mình cũng là điều hiển nhiên. Dù trong bất kỳ lĩnh vực gì, các thành quả có được từ các ý tưởng sáng tạo, từ những nỗ lực không ngừng... đối với chúng tôi đều xứng đáng được tôn vinh".

    "Một chiếc bánh được làm ra là thành quả của nghệ nhân đầu bếp, sự nỗ lực của cả một tập thể, bằng kinh nghiệm, bằng trình độ, để cho ra lò những sản phẩm đẹp mắt, ngon miệng. Những chiếc bánh hay món ăn lớn nhất được xác lập đều được chia sẻ cho những người tham quan thưởng thức mà không hề phung phí. Đây cũng là cơ hội để công chúng đến gần hơn với các món ăn và xa hơn là quảng bá cho ẩm thực, quảng bá cho các đơn vị thực hiện", vị này cho biết thêm.

    Làm theo đúng tiêu chí của sách Kỷ lục Guinness thế giới

    Nói về việc có khá nhiều kỷ lục nhàm chán, ông Dương Duy Lâm Viên chia sẻ: "Theo đúng tiêu chí của sách Kỷ lục Guinness thế giới, kỷ lục là những sự vật, hiện tượng... có kích thước, số lượng, trọng lượng lớn nhất, dài nhất, nhanh nhất... Việc xác lập theo hình thức này đối với một số người có thể không phù hợp. Tuy nhiên, đây là concept (quan niệm - PV) chung, và bản thân từ "kỷ lục" cũng hẳn nhiên thừa nhận những cái khác thường, phi thường lớn nhất hay nhỏ nhất...".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loi-ich-nao-sau-trao-luu-no-ro-cac-ky-luc-gia-troi-oi-a75280.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Hai danh thắng của Sa Pa được công nhận kỷ lục Việt Nam

    Hai danh thắng của Sa Pa được công nhận kỷ lục Việt Nam

    Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã có thông báo xác lập kỷ lục đối với hai danh thắng của huyện Sa Pa (Lào Cai), đó là: Đèo Ô Quy Hồ - Đèo dài nhất Việt Nam và Thửa ruộng bậc thang có nhiều bậc nhất- 121 bậc, ở thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, huyện Sa Pa.