Liên quan đến thông tin xuất hiện ổ dịch bệnh bạch hầu, không ít bậc cha mẹ bày tỏ sự lo lắng, thậm chí lùng mua kháng sinh để tự phòng ngừa. Thế nhưng, theo chuyên gia y tế, không cần lo lắng thái quá.
Cần cho trẻ tiêm vắc - xin phòng bệnh đủ và đúng bệnh. |
Lùng sục tìm kháng sinh ngừa bệnh
Trong tháng Sáu, Việt Nam ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Đăk Sor (huyện Krông Nô) và 8 trường hợp mắc tại 2 xã Quảng Hòa, Đắk R’măng (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông); trong đó, có một trẻ tử vong, do phát hiện muộn. Thông tin này khiến nhiều phụ huynh có con nhỏ không khỏi lo lắng.
Dạo quanh các diễn đàn làm cha mẹ, nuôi con nhỏ, nuôi con bằng sữa mẹ những ngày này, PV tạp chí Đời sống & Pháp luật không khó bắt gặp những dòng trạng thái bày tỏ sự hoang mang, lo lắng.
Theo đó, nickname Nguyễn Anh chia sẻ: “Các mẹ ơi, thời gian gần đây thấy có trường hợp trẻ tử vong vì bệnh bạch hầu mà em lo lắng quá, mặc dù bé lớn nhà em đã 8 tuổi rồi, tiêm phòng nhưng em vẫn sợ. Có mẹ nào có kháng sinh tốt mà ngừa được chỉ giùm em với”.
Không chỉ có nickname Nguyễn Anh, mà nhiều mẹ khác cũng nghiễm nhiên để những người trong cùng một nhóm kín trở thành “bác sĩ biết tuốt”. Cùng chung câu hỏi như mẹ Nguyễn Anh, chị Ánh Dương (Hà Nội) cũng đang lùng sục tìm mua kháng sinh ngừa bệnh bạch hầu cho cả nhà: “Từ khi nghe tin có ca tử vong do bệnh bạch hầu, tôi lo lắng quá nên cũng vào các hội nhóm để xem mọi người tìm mua kháng sinh loại gì để ngừa bệnh. Nói thật, ai có con nhỏ mà nhỡ may quên chưa tiêm phòng từ nhỏ là cũng lo, thấp thỏm không yên”.
Theo quan sát của PV, trong các hội nhóm, các phụ huynh chia sẻ cho nhau những loại thuốc kháng sinh uống vào để phòng bệnh bạch hầu, đa phần đều không có chỉ định của bác sĩ. Thế nhưng, vì tâm lý lo sợ nên không ít mẹ đã tin theo “google” mua về tự uống, tự phòng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh |
Không ở chung nhà không cần tìm kháng sinh
Trao đổi với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho biết: “Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bạch hầu gây ra các mảng trắng nổi ở vùng hầu họng. Bệnh bạch hầu hiện không còn xuất hiện nhiều, không thể lây tràn lan như tay chân miệng hay cúm vì đã có vắc-xin phòng ngừa”.
Bác sĩ Khanh cho biết, vài năm gần đây, bệnh bạch hầu chỉ gặp ở một vùng khu trú (Đắk Nông, Quảng Nam, Bình Phước) gần đây là ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, bệnh lây qua đường hô hấp nhưng không lây mạnh như sởi hay cúm nên dễ dàng xử lý.
Nói về biểu hiện bệnh, bác sĩ Khanh thông tin: “Như các bệnh viêm họng khác, bệnh bạch hầu có biểu hiện: sốt, đau họng, lừ đừ, li bì… nhưng quan trọng nhất là xuất hiện các mảng trắng trong họng, nổi hạch làm cổ to ra”.
Liên quan đến thông tin không ít phụ huynh lo lắng, tìm mua kháng sinh về uống tự phòng, bác sĩ Khanh nhấn mạnh: “Uống kháng sinh không thể tự ý dùng mà cần phải có chỉ định của bác sĩ. Chỉ có người tiếp xúc gần, trực tiếp ở trong nhà với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu thì mới cần dùng kháng sinh, còn ở xa thì chỉ nên tiêm phòng theo lịch. Tự ý dùng kháng sinh gây ra việc kháng thuốc, liều dùng kháng sinh rất dài sẽ dẫn đến sức khoẻ ảnh hưởng mệt mỏi. Nên người không tiếp xúc gần, không ở chung nhà thì không cần loạn lên đi tìm kháng sinh làm gì, cẩn thận lại mang thêm bệnh vào người”.
Theo bác sĩ Khanh, những trường hợp bị bệnh bạch hầu là do từ nhỏ không tiêm phòng đầy đủ. Vì vậy, phải tuyên truyền để người dân có ý thức đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đồng thời phải rửa tay, đeo khẩu trang là biện pháp cần làm để phòng ngừa bệnh lây qua đường hô hấp.
Đưa trẻ đi tiêm đủ mũi và đúng lịch Cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) khuyến cáo, bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc-xin đủ liều và đúng lịch. Khi phát hiện sớm, bệnh điều trị khỏi bằng kháng sinh. Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Kể từ khi vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không được tiêm đầy đủ các mũi vắc- xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc- xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, người dân cần: - Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch. - Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. - Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. - Khi có dấu hiệu mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. - Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế. |
Thanh Lam
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Chủ Nhật (Số 26)