(ĐSPL) - Khi nhu cầu cuộc sống càng cao thì các nhà sản xuất mì gói cũng liên tục thay đổi chiến lược sản xuất cũng như kinh doanh của mình để thu được lợi nhuận tối ưu.
>> “Ma trận” mỳ tôm và cuộc chiến giành thị phần
Nếu để ý và quan sát, người tiêu dùng dễ dàng nhận ra mì gói đắt hay rẻ, phụ thuộc phần lớn vào “phụ kiện” (với các gói gia vị, nước sốt, mỡ...). Tuy nhiên, ngoài việc phải trả thêm một khoản tiền không nhỏ để mua “sự đẳng cấp”, người tiêu dùng không thể nhận biết được chất lượng của sự khác biệt này?
Bóc mẽ “ma trận” thành phần mì gói
Trong gói mì tôm có những gì, câu hỏi đó có lẽ hơi thừa, bởi mỗi người chúng ta ít nhất trong đời đã một lần ăn mì gói. Nhưng để có được câu trả lời đúng và đủ cho câu hỏi đơn giản này thì tin rằng, sẽ không nhiều người làm được. Trước khi thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã từng băn khoăn, ngoài vắt mì là nguyên liệu chính trong mỗi gói mì mà chúng ta vẫn gọi đơn giản là mì tôm thì còn khá nhiều “phụ kiện” đi kèm để cho món mì tôm ngon hơn. Nhưng ai sẽ dám chắc, nó đang đúng như những gì mà nhà sản xuất... tung hê, quảng cáo về lượng dinh dưỡng?
Chúng tôi đã mua rất nhiều gói mì thuộc các hãng sản xuất khác nhau ở tất cả các dòng cấp thấp, cấp trung và cấp cao. Ngoài bao bì mỗi gói mì in rõ thành phần thường có hai phần chính là vắt mì và gói gia vị (ở một số sản phẩm ghi là gói súp – PV). Vắt mì, bao giờ cũng là phần chủ yếu, chiếm số lượng lớn nhất trong mỗi gói mì. Gói mì càng rẻ tiền thì thành phần phụ gia càng đơn giản. Tuy nhiên, rất ít loại mì ghi thông số phần trăm của hai thành phần cơ bản là vắt mì và súp.
Trên vỏ gói mì khoai tây Omachi của Masan có giá 6.800 đồng mà phóng viên mua tại siêu thị ghi thành phần bao gồm: Vắt mì có: Bột mì, dầu shortening, tinh bột khoai mì, tinh chất từ bột khoai tây (20g/1kg), muối, một số chất điều vị: monosodium glutamate (621), disodium guanylate (627), disodium inosinate (631), chiết xuất nấm men, chất tạo xốp pentasodium triphosphate (451i), hexametaphosphate (452i), sodium carbonate (500i), chất làm dày guargum (412), bột trứng sấy, nước mắm, hỗn hợp gia vị, màu tự nhiên chiết xuất trái dành dành, chất chống oxi hóa BHA 320, BHT 321, chất điều chỉnh độ axit citric acid (330).
Gói súp có: Nước, dầu thực vật, chất điều vị, monosodium glutamate (621), disodium guanylate (627), disodium inosinate (631), đường, muối, các loại rau sấy (cà rốt, hành lá, ngò gai), mỡ bò, gluten từ lúa mì, ớt tươi, hành tây tươi, cà cô đặc, tỏi tươi, hương tổng hợp dùng trong thực phẩm, nước tương, sả tươi, gừng tươi, chiết xuất nấm men, hỗn hợp gia vị, tinh bột biến tính, nước cốt từ thịt và xương, màu tự nhiên, chất làm dày xanthan gum (415), chất chống oxi hóa BHA (320), BHT (321).
Trong khi đó, gói mì Kokomi đồng hãng Masan có giá 2.800 đồng cũng có những thành phần chính bao gồm. Vắt mì gồm: Bột mì, dầu shortening, tinh bột khoai mì, muối, đường, chất điều vị monosodium glutamate (621), tinh bột biến tính (1422), hỗn hợp gia vị, màu tự nhiên, chiết xuất trái dành dành, chất chống oxi hóa BHA 320, BHT 321, chất điều chỉnh độ axit citric acid (330).
Gói súp gồm dầu thực vật, muối, đường, chất điều vị, monosodium glutamate (621), disodium guanylate (627), disodium inosinate (631), hành tím, tỏi tươi, mỡ heo, hỗn hợp gia vị, rau sấy (hành lá, ớt), nước tương, nước mắm, màu tự nhiên, hương tổng hợp dùng trong thực phẩm: hương gà, hương thịt..., chất chống oxi hóa: Hỗn hợp tocopherol (306), BHA (320), BHT (321).
Với liệt kê trên, dễ dàng nhận thấy có những thành phần không thể thiếu và thường xuyên xuất hiện ở các sản phẩm mì gói đều xuất hiện ở cả hai gói mì khoai tây Omachi và mì Kokomi. Nhưng với mức chênh nhau nhiều nghìn đồng, dư luận dễ đặt câu hỏi, nó có xứng để tạo ra sự phân biệt “đẳng cấp” hay không? Người tiêu dùng vì thế có quyền đặt câu hỏi, còn câu trả lời thỏa đáng, xin dành cho nhà sản xuất.
Sự khác biệt ở đây phải chăng chỉ thể hiện trên giá tiền chênh nhau đến 4.000 đồng/gói, khiến người tiêu dùng rất khó phân định “ma trận” thành phần của các thương hiệu mì khác nhau.
Người tiêu dùng đang bị nhà sản xuất “qua mặt” về thành phần các gói gia vị?! |
Dấu hỏi lớn về sự chênh lệch giá
Thực tế trong gói mì, thứ mà người tiêu dùng có thể định lượng bằng mắt thường là vắt mì, còn trong gói súp, mắt thường chỉ có thể xác nhận được những sợi hành lá thái nhỏ, cùng cà rốt và những viên thịt nhỏ (tùy nhãn mác của gói mì, viên nhỏ này có thể là bò, lợn, hay tôm, cua...), nhưng chất lượng và giá trị dinh dưỡng của nó đến đâu thì tất cả đều mù mờ. Ngoài ra, với chiêu thức tung những thành phần nổi trội lên bao bì một cách bắt mắt nhất, các nhà sản xuất đang làm cho người tiêu dùng ngộ nhận sản phẩm mà mình thưởng thức có chất lượng tuyệt hảo.
Chưa thỏa mãn, PV tiếp tục tiếp cận với dòng sản phẩm khác, bóc gói mì Kokomi để thử nghiệm. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, trong mỗi gói mì đều có vắt mì, gói súp và gói mỡ. Trong khi mì Kokomi có giá là 2.800 đồng thì loại mì kia được bán với giá 3.600 đồng (tại thời điểm PV mua ở một siêu thị). Có thể, những hương liệu khác nhau làm nên sự khác biệt và mức giá chênh lệch giữa các gói mì này là 800 đồng. Thế nhưng, người tiêu dùng vẫn có quyền đặt câu hỏi: Liệu họ bỏ thêm 800 đồng thực sự có được sự khác biệt về dinh dưỡng hay không?
Lúc này, nhiều người tiêu dùng có thể nghi ngại: Vì sao, họ phải trả cho sự chênh lệch giữa những gói mì có chất lượng gần tương đương với nhau nhiều thế? Chất lượng thực tế của mức chênh lệch đó có thực sự xứng đáng? Sự chênh lệch này có thể chỉ là một vài trăm đồng. Nhưng nếu dùng một phép cộng đơn giản từ hàng triệu gói mì thì số tiền này sẽ không hề nhỏ.
Liệu các nhà sản xuất có vô tư thu nguồn lợi khủng, trong khi chất lượng thực sự mà họ mang đến cho khách hàng lại chưa được kiểm chứng. Điều này chỉ nhà sản xuất và các cơ quan chức năng mới có được câu trả lời giúp người tiêu dùng thỏa đáng.
Kiểm soát kiểu... “cha chung không ai khóc”
Đã có rất nhiều sự vụ liên quan đến chất lượng thật sự của những gói mì ăn liền. Tuy nhiên, thông thường, chỉ sau khi sự việc bất thường nào đó bị phát hiện thì cơ quan chức năng mới vào cuộc phanh phui làm rõ. Trong khi đó, theo những gì mà PV báo ĐS&PL kiểm chứng, cho đến nay, vẫn chưa có một đợt thanh, kiểm tra toàn diện thị trường mì ăn liền từ các cơ quan hữu quan.
Ai thẩm định chất lượng gia vị trong gói súp đi kèm gói mì tôm?
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về dinh dưỡng đã từng rất quan ngại về chất lượng thực sự bên trong những gói súp. Thành phần trong mỗi gói súp thường ghi trên vỏ khá bắt mắt, chủ yếu là thịt băm, hải sản băm,... tùy vào thương hiệu gói mì. Nếu thành phần thịt băm này đảm bảo là thịt tươi, ngon thì không sao.
Nhưng liệu với một gói mì chỉ đáng giá vài ba nghìn đồng có thể đáp ứng chuẩn chỉnh về chất lượng và an toàn vệ sinh hay không? Rõ ràng, người tiêu dùng có quyền nghi ngại về việc, các nhà sản xuất sẽ dùng những loại thực phẩm thứ cấp, kém chất lượng rồi dùng công nghệ chế biến, pha chế bột ngọt, phù phép, biến chúng thành thượng hạng rồi đem đóng gói?!