Rau muống là món ăn đã quá đỗi quen thuộc với bữa ăn của nhiều người Việt. Từ các món đơn giản và thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày như luộc, rau muống, nấu canh, rau muống còn được chế biến thành nhiều món khác như nộm, gỏi rau muống, rau muống xào ốc móng tay, xào thịt bò, ngâm chua...
Rau muống ở Việt Nam có giá rất phải chăng. Người Việt đã quá quen thuộc với mức giá 3.000, 5.000, lúc đắt lắm cũng chỉ lên tới 10.000 đồng cho một mớ rau muống. Loại rau này trở thành món ăn rẻ tới mức những ngày cuối tháng hết tiền cũng có thể ăn được.
Thế nhưng, ở một số nước, rau muống lại trở thành món ăn vô cùng xa xỉ với mức giá đắt đỏ.
Trong những ngày qua, hình ảnh một vị khách nước ngoài ngồi nhặt rau giống rau muống ở sân bay Nội Bài gây sốt trên mạng xã hội. Nhiều người nói đùa rằng, có lẽ rau ở Mỹ đắt đỏ nên vị khách đi du lịch mới tranh thủ cầm ít rau mang về nước.
Cũng từ hình ảnh này, câu chuyện liên quan tới giá rau muống ở Mỹ thu hút cộng đồng mạng.
Tại bang Georgia thuộc vùng Đông Nam nước Mỹ, suốt nhiều thập kỷ, thứ rau này bị coi là bất hợp pháp.
Dân Trí dẫn nguồn tin trên tạp chí Atlanta, rau muống đã bị cấm ở bang này từ những năm 1970 do tính chất xâm lấn. Loài thực vật này cần đất ẩm để phát triển. Chúng được mô tả mọc như cỏ dại, tiêu thụ nguồn nước gần đó và gây hại cho thực vật bản địa.
Ngoài ra, rau muống còn được xem là tạo ra môi trường sinh sản cho muỗi, phá hoại ao hồ, đặc biệt ở những vùng có khí hậu cận nhiệt đới ẩm ướt như Georgia và Florida.
Suốt thời gian dài, những người gốc Á sống ở bang Georgia phải mua rau muống từ hai bang Florida và Texas. Thậm chí, họ lén bán rau trên ô tô ở các bãi đậu xe siêu thị hoặc chuyển tới nhà cho khách.
Jenny Vo, giám đốc điều hành hai siêu thị địa phương là City Farmers Market và Hong Kong Supermarket, tiết lộ, có thời điểm giá rau muống bán ngoài chợ đen lên tới 22 USD/kg (hơn 515.000 đồng). Mức giá này cao gấp 3 lần so với các bang khác.
"Đi tới nhà hàng muốn ăn rau muống, khách cũng phải hỏi thật khéo và bí mật kiểu như chỗ anh có bán món rau đó không", chị Jenny Vo nhớ lại.
Năm 2021 trong cuộc bầu cử tại bang Georgia, rau muống tiếp tục trở thành chủ đề nóng được nhắc tới. Nghị sĩ bang Marvin Lim nhận ra loại rau này khi ông tới thăm ngôi làng nơi mẹ ông lớn lên tại Philippines.
Từ đó, ông nghiên cứu và trò chuyện với các chuyên gia từ Florida, Texas, tìm hiểu cách các bang này canh tác rau muống mà không gây hại cho môi trường. Bản thu thập ý kiến về việc yêu cầu cho rau muống được chấp thuận ở bang Georgia nhận được 100.000 chữ ký với sự đồng thuận cao.
Năm 2022, Cục Nông nghiệp Georgia (GDA) chính thức cho phép các nhà hàng ở bang được nhập và đưa rau muống vào thực đơn, phục vụ khách hàng.
Tuy nhiên đến nay, việc trồng rau muống vẫn chưa được phép ở bang Georgia. Các siêu thị, cửa tiệm tạp hóa chỉ được phép bán rau muống trong trường hợp "cắt gốc rất sâu không để sót phần rễ" để khách hàng mang rau về không thể trồng lại.
Đến nay, loại rau này hiện xuất hiện tại các cửa hàng tạp hóa thông thường, bán giá hợp lý hơn, khoảng 6 USD/kg (hơn 140.000 đồng).
Trong khi đó, chị Lê Thùy Dương, 34 tuổi, quê Nam Định, hiện sinh sống tại Mỹ, cho biết, giá rau muống tại bang chị thường rơi vào khoảng 70.000 đồng/0,454kg (tính theo đơn vị pound). Như vậy, một kg rau muống sẽ có giá khoảng 175.000 đồng. Nhưng nếu trái vụ, loại rau này có thể lên tới 143.000 đồng/0,454kg tương ứng với 360.000 đồng/kg.
Không chỉ ở Mỹ, rau muống ở Hàn có giá 8.300 - 8.500 won, tương đương khoảng 170.000 đồng.
Tại Nhật Bản, anh Lâm Võ cho biết, rau muống tại nơi anh sống thỉnh thoảng có bán và giá là 50.000 đồng được… 6 cọng rau.
Cũng sống tại Nhật, bạn Hương Đỗ chia sẻ trên báo VietNamNet: "Rau muống ở Việt Nam 5.000 đồng/bó 7 người ăn không hết mà ở Nhật 2 năm chưa dám ăn rau muống vì tầm 100.000 đồng được khoảng 10 cọng, chắc mua về mỗi ngày ăn một cọng quá".
"Ở nơi mình sống tại Anh, rau muống có giá 2,5 bảng Anh/bó (khoảng 75.000 đồng). Một bó như vậy đem về xào thì teo lại, gắp 1 - 2 đũa là hết luôn nên mỗi lần mình phải mua 3-4 bó (khoảng 300.000 đồng). Đem về xào thì phải xào thật mặn để ăn cho lâu", Brian Hiep Le, một sinh viên du học Anh cho biết.
Cũng theo Brian, 3 bó rau đấy được cậu mang về luộc sơ trước vì nước rau muống quý lắm. "Mình sẽ để dành nồi nước rau luộc đó trong tủ lạnh để ăn dần. Mỗi lần ăn chỉ dám lấy vừa đủ chứ không dám lấy dư để húp", Brian nói.
"Bên này mỗi tháng chỉ dám ăn rau muống 1 lần vì đắt. Mấy anh chị cùng nhà mỗi lần thấy mình mua rau muống lại kêu mình là đại gia vì họ ở đây mấy năm rồi mà mới dám ăn rau muống có đôi ba lần. Ở Việt Nam thì chê rau muống lên xuống, sang đây thì quý như vàng. Sinh nhật lễ tết chả cần tặng gì quý giá mà chỉ cần tặng mình vài bó rau muống là nhớ ơn cả đời", Brian chia sẻ.
Qua những câu chuyện bi hài về rau muống có th ể thấy, những món ăn dân dã ở nước mình cho là bình thường thì lại trở nên quý hiếm vô cùng ở một không gian địa lý khác.
Thùy Dung (T/h)