Cần tây là loại thực phẩm mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, trong 100g cần tây chứa gần 95% nước cùng nhiều vitamin, protein và chất khoáng khác, vì vậy các chuyên gia dinh dưỡng đã khuyến cáo nên bổ sung cần tây một cách hợp lý cho thực đơn ăn uống mỗi ngày.
Bên cạnh đó, cần tây cũng chứa hàm lượng vitamin K rất cao, trung bình trong khoảng 250g cần tây có đến 30% lượng vitamin K mà cơ thể cần mỗi ngày, theo FDA (Mỹ).
Ngoài ra, cần tây chứa hàm lượng chất xơ phong phú, giúp ích cho quá trình đào thải độc tố, mang lại cảm giác no lâu nên rất hiệu quả cho việc kết hợp cùng chế độ giảm cân, ăn kiêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, rau cần tây cũng có thể gây hại tới sức khoẻ nếu không được sử dụng đúng cách và đúng đối tượng.
Người sỏi thận
Những người bị sỏi thận cũng nên hạn chế ăn hay uống rau cần tây vì chúng có chứa hàm lượng oxalate cao. Oxalate khi kết hợp với canxi trong cơ thể sẽ tạo thành các tinh thể canxi oxalat, khiến tình trạng sỏi thận thêm trầm trọng hơn. Chưa kể Oxalate còn hấp thu và làm loãng canxi gây ảnh hưởng đến cả sức khoẻ xương khớp của con người.
Người bị huyết áp thấp
Cần tây là một loại thực phẩm rất tốt dành cho người bị cao huyết áp, tuy nhiên ngược lại đối với những người bị huyết áp thấp thì ngược lại. Khi uống nước ép cần tây, huyết áp sẽ không thể giữ ở trạng thái ổn định mà thay vào đó có thể dẫn tới tình trạng hạ huyết áp đột ngột.
Do đó, những người bị huyết áp thấp tuyệt đối không nên uống để phòng tránh nguy cơ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Người mắc bệnh ngoài da
Cần tây có chứa hóa chất psoralen, phản ứng với ánh sáng mặt trời. Chất này có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với tia cực tím, làm tăng nguy cơ viêm da. Bởi vậy, cần tây không phải là loại thực phẩm phù hợp cho những người đang mắc phải một số những bệnh về da như ngứa da, lở loét hoặc mắc bệnh vẩy nến...
Người huyết áp cao
Ở 1 cọng hành tây 40g, sẽ có khoảng 30 miligam natri, do đó, chúng có chứa một hàm lượng muối khá cao cho 1 loại rau.
Trong khi đó, người bị huyết áp cao cần phải chú trọng đến việc cần tiêu thụ bao nhiêu lượng natri, do đó, nếu thường xuyên sử dụng cần tây sẽ làm gia tăng huyết áp, gây ứ nước trong cơ thể, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Người có thể trạng yếu
Một vài dấu hiệu thường gặp của nhóm người này là mặt vàng, uể oải, ăn uống kém ngon miệng, đau bụng trên, chướng bụng, nôn chua, phân nát, lưỡi nhạt vị... Trong khi đó, bản thân cần tây lại là loại rau có tính mát nên khi ăn vào có thể gây tổn thương không nhỏ tới hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe của bạn.
Người sau phẫu thuật
Người vừa trải qua ca phẫu thuật cũng tuyệt đối không ăn cần tây vì điều này có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Từ đó, chúng sẽ có những phản ứng phụ đối với thuốc gây mê sử dụng sau phẫu thuật.
Chính vì vậy, các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ khuyên rằng, những người vừa trải qua phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật nội soi nên tránh sử dụng rau cần tây trong vòng khoảng 2 tuần.
Người đang mang thai trong thời kỳ đầu
Đây không phải là loại rau tốt cho những người đang mang thai, vì nó có thể gây kích thích tử cung co lại, từ đó gây bất lợi cho việc sinh nở về sau. Đặc biệt, với những người khó thụ thai hoặc thai phụ xuất hiện một số triệu chứng sảy thai thì cần tránh xa loại rau này.
Nam giới trong độ tuổi sinh sản
Đối với nam giới, sau nhiều ngày liền ăn cần tây, số lượng tinh trùng của họ giảm đi rõ rệt, thậm chí xuống đến mức khó có thể thụ thai. Tuy nhiên, sau vài tuần ngừng ăn cần tây, tình trạng bình thường lại được phục hồi.
Theo giải thích của các chuyên gia, nguyên nhân là do một loại chất trong rau cần tây có khả năng ức chế sự hình thành của testosterone, hormon đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển các mô sinh sản của nam giới như tinh hoàn và tuyến tiền liệt, vì vậy nam giới dùng cần tây thường xuyên có thể khiến lượng tinh trùng giảm thiểu.