Hạt sen trong y học cổ truyền gọi là liên nhục, còn có các tên gọi khác như liên tử, liên thực, tương liên. Hạt sen hình trái xoan, mặt ngoài có màng mỏng màu nâu, nhiều đường vân dọc, ở đầu trên có núm màu nâu sẫm. Bóc màng ngoài sẽ để lộ 2 lá mầm xếp úp vào nhau, màu trắng ngà. Giữa 2 lá mầm có 2 đường rãnh dọc đối xứng nhau.
Chồi mầm hay gọi là tâm sen màu xanh lục, nằm ở giữa đường rãnh dọc của hai lá mầm thường được sử dụng làm trà sen. Hạt sen thường được sử dụng ở cả hai dạng, đó là hạt tươi và hạt khô với hàm lượng giá trị dinh dưỡng bên trong rất lớn.
Hạt sen không chỉ là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, món ăn quen thuộc trong mỗi gia đình mà còn được sử dụng trong y học cổ truyền, đem lại hiệu quả điều trị rất nhiều bệnh. Tuy nhiên có một số người dưới đây được khuyến cáo không nên ăn hạt sen.
Người bị bệnh gout, sỏi thận
Hạt sen tuy là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng với nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng lại chứa một hợp chất cần được lưu ý, đó là purine. Purine là một hợp chất tự nhiên có trong nhiều loại thực phẩm, khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành axit uric.
Hàm lượng purine trong hạt sen tuy không cao như một số loại thực phẩm khác (như nội tạng động vật, hải sản) nhưng nếu ăn quá nhiều, đặc biệt là khi cơ thể đang có vấn đề về chuyển hóa purine, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout hoặc làm bệnh gout trở nên nặng hơn.
Axit uric tích tụ quá mức cũng có thể hình thành sỏi thận, gây đau đớn, tiểu ra máu và các biến chứng nguy hiểm khác.
Người mắc bệnh tim mạch
Hạt sen, mặc dù là thực phẩm bổ dưỡng, nhưng lại chứa một thành phần gây lo ngại cho sức khỏe tim mạch, đó là alkaloid có trong tâm sen. Alkaloid là một chất có thể gây độc cho cơ tim, nếu sử dụng không đúng cách có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim, thậm chí suy tim.
Vì vậy, người bệnh tim mạch cần hết sức thận trọng khi sử dụng hạt sen. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất nên loại bỏ hoàn toàn tâm sen trước khi chế biến. Nếu muốn sử dụng tâm sen, cần phải khử độc bằng cách rang hoặc sao cho đến khi chuyển màu vàng nhạt. Tuy nhiên, phương pháp này không loại bỏ hoàn toàn độc tố, do đó cần tuân thủ liều lượng khuyến cáo và không nên sử dụng thường xuyên.
Người bị rối loạn tiêu hóa
Hạt sen có tính hàn, vị ngọt, có tác dụng cầm máu, giảm tiêu chảy. Do đó, những người bị táo bón nên hạn chế ăn hạt sen vì có thể làm tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, hạt sen chứa nhiều chất xơ, nếu ăn quá nhiều có thể gây đầy bụng, khó tiêu, đặc biệt là với những người có hệ tiêu hóa yếu.
Không dùng cho trẻ nhỏ, trẻ biếng ăn
Hạt sen nhiều dinh dưỡng nhưng trẻ nhỏ ăn sẽ khó tiêu hoá. Nguyên nhân là hệ thống tiêu hóa của trẻ rất nhạy cảm vì còn quá non nớt không thể hấp thụ được các chất, ngược lại, có thể gây dị ứng và mẩn đỏ. Do đó, không nên trộn hạt sen để nấu cháo cho bé vì sẽ gây nên chứng đầy bụng, khó tiêu và biếng ăn ở trẻ nhỏ.
Người bị rối loạn giấc ngủ
Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, đặc biệt là não bộ. Một giấc ngủ ngon và đủ giấc giúp duy trì hoạt động hiệu quả của não, tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung. Ngược lại, thiếu ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ, hay quên, kém tập trung, và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Mặc dù một số loại thực phẩm như hạt sen có chứa các chất an thần tự nhiên giúp cải thiện giấc ngủ, nhưng việc lạm dụng chúng hoặc sử dụng quá nhiều thuốc an thần có thể gây ra tác dụng ngược.
Những lưu ý khi sử dụng hạt sen
Để phát huy tối đa lợi ích mang lại và đồng lợi hạn chế mắc phải các tác hại của hạt sen, trong quá trình sử dụng hạt sen bạn cần lưu ý một số điều dưới đây:
Chữa mất ngủ nên dùng riêng tâm sen
Công dụng điều trị mất ngủ, thức giấc ban đêm phần lớn nhờ vào các hoạt chất có trong tâm sen, do vậy nên kết hợp dùng cả hạt và tâm sen hoặc tốt nhất là sử dụng riêng phần tâm sen.
Khử độc tâm sen
Tuy tâm sen là bộ phận chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhưng cũng có độc tố alkaloid. Vì thế trước khi dùng tâm sen để sắc nước uống hay hãm trà, bạn nên rửa sạch với nước muối loãng, khử độc bằng cách sao vàng hoặc phơi khô.
Hạt sen không nên ăn với gì?
Mặc dù hạt sen tốt cho sức khỏe nhưng không phải thực phẩm nào cũng có thể kết hợp được với loại thực phẩm này. Các thực phẩm như cua, thịt rùa không được ăn cùng với hạt sen vì sẽ gây ngộ độc.
Vỏ lụa hạt sen có tốt không?
Vỏ lụa bên ngoài hạt sen là một lớp mỏng, khá cứng bề ngoài, nhiều người thường vỏ mà không biết công dụng của nó mang lại. Vỏ hạt sen có thể đem đi phơi khô dùng để pha trà và còn là nguyên liệu để bốc thuốc.
Cũng giống như bổ sung bất cứ loại thực phẩm nào, bạn cần cân đối liều lượng hạt sen khi thêm vào các món ăn và bài thuốc bồi bổ cơ thể, để tránh các tác hại của hạt sen thì không nên lạm dụng quá nhiều gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhé.