Loài chuột này vừa phải chịu cái lạnh tới -65 độ C, vừa phải sống với lượng oxy ít hơn 45% so với ở độ cao tương đương mực nước biển.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Nebraska-Lincoln hôm 24/3 vừa xác nhận, chuột Phyllotis xanthopygus là động vật có vú sống ở nơi cao nhất thế giới.
Theo đó, năm 2013, sinh vật này được trông thấy lần đầu tại Llullaillaco, núi lửa không hoạt động ở rìa phía tây dãy Andes, khu vực biên giới giữa Argentina và Chile.
Tháng 2 năm nay, nhóm nghiên cứu trở lại Llullaillaco và bắt một số mẫu vật sống. Trong đó, độ cao lớn nhất mà họ bắt được chuột là 6.739 m.
Chuột Phyllotis xanthopygus bám trên găng tay của nhà khoa học. Ảnh: Marcial Quiroga-Carmona |
Môi trường trên đỉnh Llullaillaco vô cùng khắc nghiệt. Chuột Phyllotis xanthopygus vừa phải chịu cái lạnh tới -65 độ C, vừa phải sống với lượng oxy ít hơn 45% so với ở độ cao tương đương mực nước biển. Thức ăn cũng đặc biệt khan hiếm vì độ cao này vượt quá "đường giới hạn cây", nghĩa là cây không thể tồn tại.
Nhóm nghiên cứu cho rằng loài chuột này ăn côn trùng và địa y, nhưng chưa tìm được bằng chứng rõ ràng. Họ hy vọng có thể nghiên cứu sâu hơn để xem chúng sinh tồn và phát triển như thế nào trong môi trường khắc nghiệt như vậy.
Bà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho một số loài động vật những khả năng tuyệt vời để chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trong đó có khả năng chống lại thời tiết băng giá. Cơ thể của những loài này có thể sản sinh ra các chất chống đông tự nhiên, giúp chúng duy trì tình trạng không đóng băng cơ thể dù ở nhiệt độ dưới 0°C.
Trước đó, Gấu nước (Tardigrade) là loài sinh vật nhỏ bé, sống trong nước, thuộc nhóm các động vật có kích thước hiển vi, được mệnh danh là loài sinh vật bất tử nhờ khả năng tồn tại hoàn hảo ở mọi điều kiện đông lạnh, đun sôi, tiếp xúc với lượng bức xạ lớn, áp lực gấp sáu lần tại điểm sâu nhất của đáy biển, phóng xạ ion hóa gấp nhiều trăm lần mức chết người hay thậm chí là môi trường chân không.
Thông thường gấu nước dài trung bình khoảng 0,5 mm. Nó có bốn cặp chân, mỗi chân có từ bốn đến tám vuốt chân. Chúng thường được tìm thấy trên rêu hay địa y và ăn tế bào thực vật, tảo hay các động vật không xương sống nhỏ.
Nhiều kết quả cho thấy chúng có thể chống chịu được nhiệt độ -273°C trong phòng thí nghiệm, sống sót qua nhiệt độ cao tới 150° C- trên cả điểm sôi của nước. Do những khả năng không tưởng trên nên gấu nước được tìm thấy trên toàn thế giới, từ dãy Himalaya (trên 6.000 m), tới đáy biển sâu (dưới 4.000 m), từ vùng cực tới xích đạo.
Riêng về động vật có vú, mặc dù nhiều loài có lớp lông rậm rạp hoặc ngủ đông để đối phó với cái lạnh, nhưng không có loài nào trong số này sánh được với khả năng của sóc đất Bắc cực. Chúng là động vật có vú duy nhất trong danh sách các loài có thể chống lại việc đóng băng dưới 0°C, bằng cách làm lạnh cơ thể của mình xuống dưới ngưỡng -2,9° C, một kỷ lục trong thế giới động vật có vú.
Vũ Đậu(T/h)