Tổng quan dinh dưỡng của cá chạch
Theo VietNamNet, cá chạch có thể chế biến thành nhiều món ăn phổ biến của người Việt. Bên cạnh giá trị dinh dưỡng, cá chạch còn dùng chữa bệnh. Từ xa xưa, người dân đã gọi loại cá này là sâm nước. Cá chạch sống ở dưới bùn, thân nhớt.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cá chạch là thủy sản giàu chất đạm, canxi, phốt pho, ít mỡ. Trong 100g thịt cá có 16,9g đạm, 2g chất béo, 3,2g gluxit, 16,9mg canxi, 3,2mg sắt, 27mg phốt pho và các vitamin khác.
Theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam, 100g cá chạch cung cấp 109mg canxi cùng protein và các dưỡng chất khác, hàm lượng canxi cao hơn 6 lần so với cá chép và hơn khoảng 10 lần so với mực, giúp ngăn ngừa còi xương ở trẻ em và chắc khỏe xương ở người lớn tuổi. Có thể nấu cùng đậu phụ để tăng hàm lượng canxi tốt nhất cho cơ thể, báo VnExpress thông tin.
Công dụng chữa bệnh của cá chạch với sức khỏe
Ở các vùng quê, cá chạch được sử dụng phổ biến, người dân còn phơi cá để ăn dần. Cá chạch làm được nhiều món ăn khác nhau dùng trong bữa ăn hằng ngày để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
Vì vậy, cá chạch là món ăn tốt cho người suy dinh dưỡng, dùng sau ốm đau, bệnh tật, hợp nam giới.
Bác sĩ Lâm lưu ý khi chế biến cá chạch, cần làm sạch nhớt bằng giấm, muối, tro bếp, phèn chua, sau đó ướp với gừng, nghệ, hạt tiêu, muối để giảm độ tanh.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Hà Nội, cá chạch được đánh giá cao về tác dụng với sức khỏe. Cá chạch có vị ngọt, tính bình, bổ dương, viêm gan, vàng da, mụn nhọt, lở loét, suy giảm tình dục ở nam giới, rối loạn xuất tinh. Người mắc bệnh gan thận mạn tính ăn cá chạch rất tốt.
Y học hiện đại cho rằng cá chạch có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức đề kháng, lưu thông khí huyết, tăng các enzym tiêu hóa thức ăn, có ích cho chữa bệnh suy giảm sinh lực như hen suyễn, lao.
Theo một số nghiên cứu, cá chạch có tác dụng lợi mật, bảo vệ tế bào gan, hạ men gan. Người viêm gan mạn tính có thể ăn loại cá này để bảo vệ gan.
Những lưu ý khi ăn cá chạch, đảm bảo sức khỏe
Không nên ăn quá nhiều cá chạch mà quên các thực phẩm khác. Cần đa dạng thực phẩm, không nên tiêu thụ liên tục.
Lương y Sáng nhấn mạnh để đảm bảo sức khỏe cần ăn đa dạng thực phẩm. Khi mua cá nên mua loại tươi sống, chọn con to, khỏe. Không ăn chạch tái, sống vì loài cá này sống dưới bùn có thể nhiễm nhiều ký sinh trùng.
Ngoài ra, không nên ăn cá chạch với giấm, cà chua, thịt chó vì nguy cơ gây ngộ độc, rối loạn tiêu hóa. Nấu chín, tránh ăn tái sống để ngừa nhiễm ký sinh trùng.
Nguyễn Linh(T/h)