+Aa-
    Zalo

    Lộ rõ "mối quan hệ ruột" của "bầu" Kiên với ông Trần Xuân Giá

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) -Trong đơn khiếu nại, Nguyễn Đức Kiên viết tay dài 118 trang, bị cáo Kiên đã dành nhiều lời tốt đẹp, xin gỡ tội cho ông Trần Xuân Giá- nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB.

    (ĐSPL) - Có chung niềm đam mê với bóng đá, ông Trần Đình Long - Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát và Nguyễn Đức Kiên - ông bầu của hai đội bóng CLB Hà Nội và Trẻ Hà Nội thường xuyên có mặt trên sân cỏ, cổ vũ cho các trận cầu nảy lửa tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Trên thương trường, tình bạn khăng khít của hai đại gia này được thể hiện qua nhiều năm hợp tác kinh doanh. Chẳng ai có thể ngờ được rằng, từ thương vụ mua bán 20 triệu cổ phần của công ty Thép Hòa Phát, số phận đã tạo cho họ cuộc đối đầu nghiệt ngã tại công đường.

    Tin bạn... mất nhiều thứ?

    Trong ngày xét xử thứ ba và thứ tư phiên tòa phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, HĐXX đã tập trung xét hỏi để làm rõ đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của "bầu" Kiên. Trước đó, tòa sơ thẩm cáo buộc Kiên đã chuyển nhượng 20 triệu cổ phần của công ty cổ phần Thép Hòa Phát thuộc sở hữu của công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) do Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cho công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát với giá trị 264 tỉ đồng. Tuy nhiên, số cổ phần này đang được công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội thế chấp tại ngân hàng ACB. Sau đó, "bầu" Kiên đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng số tiền này vào các mục đích khác nhau và không có tác động nào để ngân hàng giải chấp số cổ phần trên. Với hành vi này, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 20 năm tù.

    (bgiay)Ngày thứ năm xét xử “đại án bầu Kiên”: Lộ rõ tình cảm và

    Nét mặt biểu hiện rõ sự suy sụp của “bầu” Kiên tại phiên tòa phúc thẩm.

    Tại phiên tòa phúc thẩm, đứng trong vành móng ngựa, "bầu" Kiên trình bày: "Giữa tôi với anh Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát, anh Trần Tuấn Dương - Tổng Giám đốc là bạn bè nhiều năm. Chúng tôi không có ý thức việc ai lừa ai. Trong suốt quá trình điều tra và tại các bản cung, tôi không tin Hòa Phát lại tố cáo tôi và tôi cũng không bao giờ tố cáo Hòa Phát. Tôi đề nghị anh Long, anh Dương hãy bình tĩnh nghe tôi trình bày với Tòa về nội dung này".

    Bị cáo Kiên phân trần: "Tôi rất buồn. Trước khi bị khởi tố, tôi đã xin Cơ quan điều tra cho tôi được làm việc với anh Long chỉ 5 phút thôi để làm rõ việc này nhưng không được. Đây là hợp đồng dân sự, nếu cần hai bên có thể làm việc, thỏa thuận không cần thiết phải hình sự hóa". Kiên khẳng định: "Đây là do sai sót, vấn đề đơn giản là dân sự chứ không phải lừa đảo...?!".

    "Theo đó, ngày 21/5/2012, sau khi ký kết hợp đồng, Tập đoàn Hòa Phát và các công ty con của mình sở hữu thành công 20 triệu cổ phiếu của ACBI. Cổ phiếu của công ty này là bút toán ghi sổ, thuộc thẩm quyền của anh Dương. Với thẩm quyền của mình, anh Dương, anh Hà đã thực hiện việc sang tên số cổ phiếu này cho công ty cổ phần Thép Hòa Phát. Công ty cổ phần Thép Hòa Phát đã có công văn gửi sở KH&ĐT Hải Dương về việc giảm số lượng sở hữu, chuyển nhượng cổ phiếu. Trong báo cáo tài chính vào 6 tháng đầu năm của Thép Hòa Phát đã ghi nhận sự tăng vốn này, sở hữu cổ phiếu nâng từ 85\% lên 95\%. Do đó, không có chuyện Thép Hòa Phát chưa nhận được số cổ phiếu như công văn của Thép Hòa Phát gửi Cơ quan điều tra."

    Video tham khảo:

    Bầu Kiên từ biệt thự xa hoa đến trại giam

    Tuy nhiên, về vấn đề này, trả lời HĐXX, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát cho biết, thời điểm thỏa thuận mua bán cổ phần với Kiên, Hòa Phát không biết cổ phần đã bị thế chấp. Cùng quan điểm với ông Long, ông Trần Tuấn Dương nói: "Khi sự việc xảy ra, công ty con của Hòa Phát có làm đơn xin điều tra làm rõ chứ không phải đơn tố cáo ông Nguyễn Đức Kiên. Tính đến hôm nay, sau khi vụ việc xảy ra, công ty Hòa Phát đã nhận lại số tiền mua cổ phần, việc mua bán đó không thành. Năm 2013, chúng tôi đã mua lại toàn bộ cổ phiếu đó, đến hôm nay không có thiệt hại nào. Hòa Phát không có thiệt hại nên xem xét vấn đề nó nhẹ đi".

    Tóm lại, bị cáo Kiên cho rằng, việc mua 20 triệu cổ phần nói trên, thực chất là hoán đổi cổ phần của bị cáo và ông Long. Tuy nhiên, bị cáo Kiên không đưa ra được tài liệu chứng minh cho điều mình nói.

    "Bầu" Kiên đề nghị gỡ tội cho ông Trần Xuân Giá

    Bên lề phiên tòa, một luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên (xin được giấu tên) cho biết: Trong đơn khiếu nại, Nguyễn Đức Kiên viết tay dài 118 trang, được cô đọng thành 88 trang đánh máy khổ A4, gửi Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, Viện Phúc thẩm VKSND Tối cao tại Hà Nội và các cơ quan chức năng, bị cáo Kiên đã dành nhiều lời tốt đẹp, xin gỡ tội cho ông Trần Xuân Giá- nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB. Nội dung cụ thể như sau: "Ông Trần Xuân Giá làm việc tại ngân hàng ACB từ năm 2007. ông làm việc tại ngân hàng ACB hoàn toàn không vì quyền lợi hoặc thu nhập. Sau khi nghỉ hưu, ông Trần Xuân Giá muốn tận dụng kinh nghiệm, kiến thức về quản lý Nhà nước trong kinh tế nên đã lựa chọn một doanh nghiệp Việt Nam để làm việc, thay vì một tổ chức nước ngoài có mức đãi ngộ cao hơn nhiều so với ngân hàng ACB.

    Ngân hàng ACB mời ông Trần Xuân Giá và được ông đồng ý nhận lời, vì ông mong muốn xây dựng một doanh nghiệp mạnh tại Việt Nam có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, có khả năng đóng góp cho việc phát triển kinh tế Việt Nam.

    Trong suốt 5 năm làm việc tại ngân hàng ACB, tôi ("bầu" Kiên- PV) khẳng định, ông Trần Xuân Giá luôn ý thức trong việc quản trị ngân hàng ACB, tuyệt đối tuân thủ pháp luật và minh bạch, công khai trong hoạt động kinh doanh. Tôi tin là không chỉ tôi, mà không ai có thể chỉ đạo, chi phối được ông Trần Xuân Giá và nhất là yêu cầu ông làm trái pháp luật. Các ý kiến của tôi được ông Trần Xuân Giá tôn trọng trên cơ sở các ý kiến đó đúng pháp luật và có lợi cho hoạt động của ngân hàng ACB. Có ý kiến của tôi được ông đồng tình, có ý kiến ông không đồng ý là lẽ đương nhiên, nhưng ông Giá điều hành quản trị ngân hàng ACB theo nguyên tắc tập thể, các ý kiến nếu khác nhau đều được bàn thảo cẩn trọng.

    Sau đó, các thành viên HĐQT thực hiện việc biểu quyết, căn cứ vào kết quả biểu quyết, ông mới ban hành các Nghị quyết của HĐQT hoặc Thường trực HĐQT. Cá nhân tôi đánh giá rất cao vai trò, trách nhiệm của ông Trần Xuân Giá đối với hoạt động của ngân hàng ACB. Trong thời gian ông Trần Xuân Giá làm Chủ tịch HĐQT, ngân hàng ACB đã phát triển mạnh, hoạt động hiệu quả, an toàn, làm tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước". Vị luật sư bào chữa nhớ lại ý kiến của "bầu" Kiên nhận xét về ông Giá.

    Cũng theo thông tin luật sư bào chữa cung cấp cho báo chí, dù ý kiến của ông Trần Xuân Giá về "bầu" Kiên như thế nào, thì "bầu" Kiên vẫn luôn tin tưởng và tôn trọng ông như một người thầy đáng kính. ông Giá chính là người đã động viên Nguyễn Đức Kiên làm kinh doanh từ hơn 20 năm trước. "Bầu" Kiên luôn biết ơn ông vì điều này. Trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan tiến hành tố tụng, Nguyễn Đức Kiên đều đề nghị xem xét không xử lý hình sự đối với ông Trần Xuân Giá.

    Trừ "bầu" Kiên, các bị cáo khác đều cúi đầu nhận tội

    Sáng 4/12, HĐXX chuyển sang xét hỏi các bị cáo về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là tội danh mà 6 bị cáo trong vụ án đều đồng loạt làm đơn kháng cáo. Khác với bị cáo Nguyễn Đức Kiên kháng cáo toàn bộ nội dung mà tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo về tội danh này (bị cáo Kiên cho rằng mình không phạm tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng), thì nhiều bị cáo nguyên là quan chức ngân hàng ACB lại cúi đầu nhận tội và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

    Bị cáo Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB nói cay đắng: "Tôi học Toán và Lý, về công tác tại ngân hàng ACB từ năm 1997-2008, phụ trách mảng công nghệ thông tin. Do tôi có nhiều thành tích nên được HĐQT cũ đề cử vào làm Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2008-2013. Tôi chỉ có chuyên môn về công nghệ thông tin, không được đào tạo về tài chính, ngân hàng, do vậy, không am hiểu pháp luật về lĩnh vực này. Chính vì vậy, tôi tham gia HĐQT một cách thụ động, quyết định theo đa số". Bị cáo Kỳ nhận tội trước tòa phúc thẩm và mong được tòa giảm án vì gia đình có công với cách mạng và sức khỏe bị cáo rất yếu.

    Bị cáo Trần Trung Cang cũng nhận tội như bị cáo Kỳ. Riêng với bị cáo Trịnh Kim Quang, ban đầu có nói: "Tôi không cố ý làm trái", đồng thời đưa ra nước đôi: "Nếu quá trình xét xử, HĐXX thấy tôi phạm vào tội khác, tôi xin được giảm án". Vị chủ tọa lớn tiếng: "Bị cáo kêu oan, tòa xem xét về kháng cáo này. Nếu không có căn cứ, tòa không xét giảm án. Bị cáo kêu oan hay xin giảm án". Bị cáo Quang run rẩy: "Quan điểm của tòa như vậy, tôi không kêu oan, xin tòa giảm án".

    Hường Tuấn
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lo-ro-moi-quan-he-ruot-cua-bau-kien-voi-ong-tran-xuan-gia-a72679.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.