Ngày 8/6, giới chức Philippines nâng mức báo động đối với núi lửa Mayon sau khi các dòng khí, mảnh vụn và đá cực nóng đổ xuống sườn phía trên. Các nhà chức trách lo ngại tình trạng này có thể dẫn đến một vụ phun trào nguy hiểm trong vài ngày hoặc vài tuần tới.
Người dân sống trong bán kính 6km từ miệng núi lửa Mayon được yêu cầu rời khỏi khu vực nguy hiểm và di chuyển đến nơi an toàn hơn do nguy cơ phát thải từ núi lửa, dòng dung nham, đá lở và các mối nguy hiểm khác.
Ông Cedric Daep, một quan chức về an toàn công cộng của tỉnh Abay, cho biết người dân đang chuẩn bị sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm, nơi được cho là cấm cư dân sinh sống cố định nhưng nhiều gia đình, chủ yếu là người nghèo, đã xây nhà ở phía dưới núi lửa Mayon trong những năm qua.
“Các cơ quan hàng không dân dụng phải khuyến nghị phi công tránh bay gần đỉnh núi lửa vì tro bụi từ bất cứ vụ phun trào đột ngột nào cũng có thể gây nguy hiểm cho máy bay”, Viện Núi lửa và Địa chấn học (IVS) của Philippines cho hay.
Mayon là địa điểm thu hút du khách ở tỉnh Albay nhờ có hình nón đẹp như tranh vẽ, cũng là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trong số 20 núi lửa đang hoạt động trên khắp Philippines. Lần cuối cùng Mayon phun trào dữ dội là vào năm 2018, khiến hàng chục nghìn cư dân phải di dời.
Các chuyên gia về núi lửa của Philippines cho biết, họ đã nâng mức cảnh báo xung quanh núi lửa Mayon lên mức thứ 2 trong hệ thống cảnh báo 5 mức, sau khi phát hiện số lượng đá lở ngày càng tăng và xảy ra ít nhất 2 trận động đất do núi lửa trong những ngày gần đây.
Theo các chuyên gia, ba đợi phát thải khí núi lửa và tro bụi xảy ra trong thời gian ngắn hôm 8/6 đã chảy xuống rãnh phía Đông Nam của Mayon, cách miệng núi lửa khoảng 1km. Điều này cho thấy sự phun trào của mái vòm dung nham trên đỉnh Mayon với khả năng dòng dung nham tăng lên, có thể hoạt động bùng nổ trong vài tuần, thậm chí vài ngày.
Bên cạnh Mayon, các quan chức đang theo dõi chặt chẽ núi lửa Taal ở phía Nam Manila và núi lửa Kanlaon trên đảo Negros do nhận thấy những dấu hiệu hoạt động mới.
Một số ngôi làng thuộc 3 thị trấn gần Taal đã tạm dừng các lớp học vào ngày 7/6 do sương khói dày đặc phát ra từ ngọn núi lửa nhỏ nhất thế giới. Người dân được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời và đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe.
Philippines nằm dọc theo Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào. Một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất thế kỷ 20 là vụ phun trào của núi lửa Pinatubo hồi năm 1991, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Đinh Kim