(ĐSPL) - Sữa ngoại với nguồn lực tài chính mạnh dành cho quảng bá thương hiệu, cùng với tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng (NTD) đã chiếm ưu thế trên thị trường “vàng trắng”?
Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, sữa ngoại liên tiếp vấp phải những sự cố liên quan đến chất lượng sản phẩm khiến “gót chân Asin” của thị trường này bị phát lộ. Điều NTD quan tâm, sữa nội sẽ có những chiến lược gì trước những “sóng gió” từ sữa ngoại, khi vẫn phụ thuộc một phần vào nguyên liệu sữa bột ngoại nhập!?
Từ nhiễm khuẩn ngoại lai...
Theo phân tích và ghi nhận của PV, từ những tư liệu có được cho thấy, sự cố đình đám liên quan đến chất lượng ngoại chưa có tiền lệ ở Việt Nam được cho là có liên quan đến vụ nhiễm khuẩn sữa bột Nutricia Karicare ở nhà máy Fonterra, tại New Zealand.
Sữa Abbott giả bị cơ quan chức năng thu giữ tại TP.HCM. |
Sự việc bắt đầu khi các nhân viên giám sát chất lượng của hãng sữa này đã phát hiện ra 5 lô sữa bột Nutricia Karicare dành cho trẻ 6 tháng tuổi có chứa Clostridium botulinum - vốn là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong đất, có thể gây tổn hại tới hệ thống thần kinh và hô hấp, thậm chí là tử vong. Sự việc này gây rung chấn dư luận bởi 2 hãng sữa ngoại lớn tại Việt Nam là Abbott và Dumex đều nhập khẩu nguyên liệu từ Fonterra và có một số lô hàng nghi nhiễm khuẩn.
Cuối năm 2013 đến hết tháng 1/2014, NTD Việt Nam bị “sốc” khi những công ty được ủy quyền phân phối chính thức các nhãn hàng sữa của công ty này thực hiện chiến dịch” thu hồi nhiều lô sản phẩm lên tới hàng chục ngàn thùng thuộc dòng sữa Similac GainPlus EyeQ số 3 loại 400gram và 900gram.
Tiếp sau đó là 2 lô sản phẩm cũng của hãng sữa Similac GainPlus EyeQ số 3 loại 1,7kg bị thu hồi. Không dừng lại ở đó, các công ty phân phối chính thức của hãng sữa Dumex cũng đã tiến hành thu hồi một lô sản phẩm Dumex Gold bước 2 cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi loại 800gram có nguy cơ nhiễm khuẩn Clostridium botulinum, những đợt thu hồi này diễn ra từ 6/8/2013 đến hết tháng 9/2014.
Chính những đợt thu hồi sản phẩm với quy mô lớn này là “tiền lệ” đầu tiên để NTD trong nước chợt “ngẫm lại” chất lượng sữa ngoại khi các hãng sữa bột “hạng sang” đang chiếm thị phần lớn trên thị trường.
Cùng thời gian trên, tạp chí BMC Pediatrics của Anh đăng tải thông tin sữa Formula dành cho trẻ của nhiều hãng sữa như Aptamil, Cow And Gate và Hipp Organic... chứa hàm lượng nhôm cao 100-430µg/L gấp hàng trăm lần so với sữa mẹ!?
Theo phân tích từ các tuyến điều tra của PV, việc những thông số này “lọt” ra ngoài đã khiến NTD bị “tê liệt” một thời gian không hề ngắn. Lý do được vị chuyên gia marketing của một hãng sữa ngoại có thị phần lớn ở trong nước giải thích với truyền thông rằng: Thời điểm đó, trong nhiều loại sữa được nêu tên thì có sữa Ap... là sản phẩm đang được nhập khẩu chính thức vào Việt Nam và nhiều gia đình đã tin dùng Ap... Mức giá của dòng sản phẩm này khi đó không hề rẻ, dao động từ 500.000 đồng/hộp đến 1.000.000 đồng/hộp loại 900gram.
...đến nghi án mua vỏ sữa ngoại giá cao
Trong quá trình điều tra liên quan đến cuộc chiến “vàng trắng”, các tuyến điều tra đã phát hiện ra một điểm đáng nghi ngại, hiện nay tại một số đầu mối thu gom đồ phế liệu, xuất hiện tình trạng người đi thu mua trả giá khá cao cho những vỏ hộp sữa ngoại. Ghi nhận của PV khi một người phụ nữa đi thu mua phế liệu tại ngõ 627 Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) khi trả tới 35.000 đồng cho 5 vỏ hộp nguyên của một hãng sữa bột ngoại.
Luật sư Nguyễn Vũ Nghĩa, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Cần có những chế tài, quy định trong luật, xử lý nghiêm hơn để ngăn chặn nạn sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái; phải tăng mức hình phạt lên gấp ba, gấp bốn lần so với mức phạt hiện nay. Thậm chí, phải khởi tố những đối tượng này trước pháp luật, đồng thời kiên quyết cấm nhập khẩu những loại hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, có sự phối hợp với Chính phủ các nước, xác minh nguồn gốc hàng nhập khẩu để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái nhập vào thị trường trong nước... |
Cũng theo người thu mua đồng nát này, vỏ hộp sữa ngoại có giá trị cao khi còn nguyên, nếu bị đạp bẹp, hay hoen rỉ, thu mua theo cân với giá rất rẻ. Giá của mỗi nhãn mác sữa ngoại mà chị thu mua phế liệu này đưa ra khá hấp dẫn. Cụ thể: Vỏ hộp sữa ngoại nhập loại lon 900gram có giá 7.000 đồng, lon 400gram giá 5.000 đồng; Vỏ hộp sữa nội có giá thấp hơn một chút, loại 900g là 3.000 đồng/lon, loại nhỏ là 1.000 đồng/lon...
Khi chúng tôi dò hỏi, lý do tại sao lại trả giá cao như vậy cho những vỏ hộp sữa bột ngoại đã qua sử dụng, người thu mua phế liệu này cho biết, chị mua theo đơn đặt hàng của các đại lý bán sữa ngoại(?!). Cũng theo lời người thu mua phế liệu này, có thể những người của đại lý sữa ngoại trên, họ mua vỏ hộp sữa để trưng bày, đặt trước cửa hàng.
Tuy nhiên, theo tổng hợp và phân tích của PV, đây không phải là lý do chính đáng. Ghi nhận từ những chia sẻ trên diễn đàn Làm cha mẹ, nhiều thành viên đã đưa ra những nhận định rằng, việc thu mua vỏ hộp sữa ngoại nhiều khả năng để đóng sữa giả. Sau vụ triệt phá cơ sở sản xuất sữa giả mác ngoại, ruột nguyên liệu không rõ nguồn gốc ở TP.HCM vừa qua là một kiểm chứng cho giả thiết này.
Liên quan đến vấn đề thu mua vỏ hộp sữa bột đã qua sử dụng, nghi để làm giả của sữa ngoại, sữa nội, PV báo ĐS&PL đã trao đổi với người đại diện bộ phận đối ngoại của công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk.
Vị đại diện này khẳng định: Vinamilk không có chính sách thu mua vỏ hộp sữa cũ, kể cả trong các mục đích liên quan đến trưng bày, quảng bá. Vị này chia sẻ thêm, từ kinh nghiệm quản lý cho thấy những nhãn hiệu bán giá cao sẽ bị giả mạo nhiều nhất nhằm trục lợi bất chính từ các đường dây tiêu thụ và làm giả sản phẩm sữa.
Cũng theo vị đại diện này, cách tốt nhất để tránh hành vi làm sữa giả là khi sử dụng hết sản phẩm, NTD nên đập bẹp vỏ hộp sữa trước khi mang bán hoặc vứt đi để không tiếp tay cho kẻ làm sữa giả.
Xem thêm video: Cẩn trọng với thức ăn đường phố dành cho trẻ.
Thực tế, tại Vinamilk, quy trình sản xuất vỏ hộp khá nghiêm ngặt và khép kín từ việc thổi vỏ đến đóng hộp sữa thành phẩm nên hành vi mua lại vỏ hộp là khuất tất, NTD cần cảnh giác. Cũng để tăng cường đảm bảo sản phẩm của mình, Vinamilk đã đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại là ly tâm tách khuẩn, đảm bảo an toàn hơn cả công nghệ ly tâm tách cặn (mà theo doanh nghiệp này, đây là chiếc máy đầu tiên tại Đông Nam Á) để tung ra sản phẩm sữa tươi thanh trùng.
Bên cạnh đó, bao bì của sản phẩm mới cũng được cải tiến tiện dụng hơn, với hai loại hộp 200ml và 900ml. Riêng bao bì 900ml có nút vặn giúp NTD có thể bảo quản sữa tốt hơn sau khi đã mở hộp mà chưa sử dụng hết. Đồng thời, nó loại bỏ việc tái sử dụng vỏ hộp sản phẩm.
Mới đây, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM kiểm tra hành chính nơi ở của đối tượng Phan Văn Chánh (20 tuổi), trú tại đường Nhật Tảo, phường 4, Q.10, TP.HCM, phát hiện hàng trăm nhãn hãng sữa giả vỏ, lõi thu giữ 33 lon sữa thành phẩm mang thương hiệu Abbott Ensure Gold loại 400gram, 8 lon Ensure Gold loại 840gram, hơn 20 lon sữa loại 400, 850gram Glucerna cùng hơn 100 vỏ lon các loại khác. Ngoài ra, PC46 cũng thu giữ rất nhiều vỏ hộp, nắp hộp, các dụng cụ chuyên dùng để làm giả sản phẩm và một máy dập nắp giấy bạc, nắp lon sữa. |
VỊ HOÀNG