+Aa-
    Zalo

    Loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa: Liệu giá sữa có giảm?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Quy định loại chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá của sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi của Cục Quản lý giá liệu có đủ mạnh để giá sữa giảm?

    (ĐSPL) - Quy định loại chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá của sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi của Cục Quản lý giá liệu có đủ mạnh để các doanh nghiệp không tìm cách "lách" luật và không giảm giá sữa theo kiểu "giảm cũng như không"?
    Loại chi phí quảng cáo ra khỏi chi phí giá sữa
    Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) vừa có công văn số 89 gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn nhằm thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi trên địa bàn.
    Theo đó, Cục Quản lý giá đề nghị Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan có văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc đối tượng kê khai giá tại địa phương rà soát, tiết giảm các khoản chi phí hình thành giá thành, giá bán sản phẩm và kịp thời giảm giá bán khi các khoản chi phí trong cơ cấu giá giảm.
    Riêng đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi (các sản phẩm không được quảng cáo được quy định tại Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ), yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa thực hiện loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá và giảm giá tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ.
    Đồng thời thực hiện kê khai giá lại theo quy định trước ngày 15/4 và tổng hợp tình hình triển khai, kết quả thực hiện và báo cáo định kỳ gửi về Bộ Tài chính.

    Đối với các sản phẩm sữa dánh cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, cơ quan quản lý yêu cầu tách chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá sữa và giảm giá tương ứng với chi phí quảng cáo đã loại trừ. (Ảnh minh họa)

    Video: Loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa- Liệu giá sữa có giảm?

    Ngoài ra, Cục Quản lý Giá cũng đề nghị Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện biện pháp giá tối đa đối với sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi theo quy định; Tăng cường kiểm tra, thanh tra về việc thực hiện kê khai giá, phân bổ các khoản chi phí đặc biệt là chi phí quảng cáo đối với các sản phẩm sữa dưới 24 tháng tuổi của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
    Trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện vi phạm cần xử lý kiên quyết, triệt để các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
    Còn tại công văn số 90/QLG-NLTS, Cục Quản lý Giá cũng đã đề nghị Các công ty sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi rà soát, tiết giảm các khoản chi phí hình thành giá thành, giá bán sản phẩm và kịp thời giảm giá bán khi các khoản chi phí trong cơ cấu giá giảm.
    Riêng đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi (các sản phẩm không được quảng cáo theo quy định tại Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ), đề nghị công ty thực hiện loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá và giảm giá tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ. Đồng thời thực hiện kê khai giá lại theo quy định trước ngày 15/4/2015.
    Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trên thị trường thế giới, giá sữa nguyên liệu những tháng đầu năm 2015 giảm trên 50\% so với cùng kỳ năm 2014. Cùng với đó, chi phí quảng cáo, khuyến mãi của sữa dành cho trẻ từ 24 tháng trở xuống được cắt giảm. Tuy nhiên, giá sữa vẫn chưa giảm. Thậm chí, công bố giá trần sản phẩm sữa mới của Bộ Tài chính với nhiều mặt hàng sữa mới đây, giá còn tiếp tục tăng.
    Trên thị trường hiện nay, giá nhiều loại sữa đang cao chót vót dù chi phí nguyên liệu giảm và chi phí quảng cáo đã được tiết giảm.
    Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, nếu đến tháng 5/2015, giá sữa nguyên liệu vẫn ở mức thấp mà giá sữa bán lẻ trong nước vẫn không giảm, thì khả năng sẽ áp dụng các giải pháp nhằm siết chặt quản lý để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, như tiếp tục áp trần giá sữa, kiểm tra giá nhập khẩu sữa nguyên liệu, tiến hành tham vấn giá nhập khẩu sữa cùng loại tại nước ngoài...
    Trước đó, trong một chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời năm 2014, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong quá trình thanh tra giá sữa, cơ quan này đã phát hiện nhiều yếu tố bất hợp lý về giá cả và chi phí sản phẩm.
    Bộ trưởng cho hay, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra giá sữa trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014 thấy, 5 công ty đều tăng giá bán, không có điều chỉnh giảm. Do đó, sau thanh tra chúng tôi đã tiến hành xử phạt hành chính với một công ty kê khai thiếu mặt hàng tăng giá, truy thu 4 trong số 5 công ty số thuế kê khai thiếu phải nộp với số tiền 10,2 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp rà soát tiết giảm chi phí để đảm bảo giá bán hạ xuống, đặc biệt là các khoản bất hợp lý về quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị với số tiền trên 386 tỷ đồng.
    Trao đổi với báo giới, một số chuyên gia cho hay, hiện nay giá sữa ngoại tại nước ta đang tồn tại không ít bất cập. Trong đó, chi phí dành cho quảng cáo, tiếp thị chiếm khoảng 20\% giá thành sữa, có khi lên tới 30\%, làm đội giá thành sản phẩm lên.
    Ngoài ra, tỷ lệ hoa hồng các hãng sữa chi cho các đại lý lớn; trên thị trường sữa bột ngoại chiếm gần 80\%, mỗi hãng đều do một đơn vị độc quyền nhập khẩu và phân phối, dẫn đến các đơn vị tự khai giá thành nhập cao để đẩy giá bán cao…

    Quy định tách chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá liệu có giúp giá sữa giảm mạnh, hay lại theo kiểu "giảm cũng như không"?

    Liệu giá sữa có giảm?
    Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, các chi phí quảng cáo, tiếp thị… được xem là cái “phao” để các DN vin vào đó mà tăng giá, neo giá cao và không giảm giá. Theo ông Long, thực tế này đã lý giải vì sao giá sữa tại Việt Nam luôn cao ngất và chỉ có tăng không có giảm. Tất cả là do các DN và đại lý sữa đã chi quá nhiều cho quảng cáo, tiếp thị... và chi phí này luôn vượt khung quy định. Thông thường, các hãng sữa nước ngoài chi phí cho quảng cáo, bán hàng tới trên 30\% chi phí kinh doanh; thậm chí có DN lên tới 60-70\%. Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính năm qua cũng cho thấy, giá sữa thường được đẩy lên gấp 2-3 lần giá vốn. Nhiều sản phẩm sữa ngoại, nhất là những loại sữa dùng riêng cho trẻ nhỏ, người bệnh còn được đẩy giá cao tới gần 4 lần giá vốn.
    Thông tin trên báo Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Trường-đại diện Cục Quản lý giá cho biết, với việc đăng ký giá sữa cho trẻ từ 1-3 tuổi (hiện phần lớn các hãng sữa đang có sản phẩm cho khung độ tuổi này), chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp không được tính chi phí quảng cáo vào giá bán sữa. Doanh nghiệp nào kê khai như vậy sẽ phải tính toán kê khai lại.
    Đại diện Bộ tài chính cũng khẳng định: Sẽ kiên quyết xử phạt nếu các hãng sữa, đại lý kinh doanh sữa vi phạm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi theo Nghị định 100.
    Nghị định 100 của Chính phủ về cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 2 tuổi ra đời, người tiêu dùng cũng được một phen "mừng thầm" vì nghĩ chắc chắn giá sữa sẽ giảm đáng kể. Nhưng rồi, các hãng sữa lại tìm cách lách luật để không giảm giá sữa.
    Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng thừa nhận, hiện nay vẫn có tình trạng “lách” luật khiến cho công tác quản lý giá sữa khó khăn. Ví dụ các hãng sữa chi hoa hồng cho bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để quảng bá sản phẩm… thì cơ quan chức năng đều biết nhưng rất khó xử phạt. Hầu hết các sản phẩm sữa hiện nay đều chia độ tuổi 1-3 và 3-6, chưa phân độ tuổi 1-2, do vậy tương lai các hãng sữa có thể có những thay đổi, cân đối lại để tính lại chi phí quảng cáo. Ông Trường khẳng định: Dù tính toán thế nào thì một sản phẩm sữa mới đưa ra thị trường đều phải được kê khai, đăng ký với cơ quản quản lý Nhà nước và phải tuân thủ quy định về quảng cáo sữa. “Việc thay đổi sản phẩm là chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước không thể can thiệp. Chúng tôi sẽ chỉ xử phạt khi họ vi phạm về quảng cáo sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi”- ông Trường nhấn mạnh.
    Nhiều bà mẹ thắc mắc, liệu việc loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa (loại sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi) thì giá sữa có giảm? sẽ giảm được bao nhiêu hay lại chỉ giảm theo kiểu đối phó? Và liệu rằng, có tình trạng các hãng sữa lại "trăm phương nghìn kế" để kiên quyết không giảm giá sữa?
    AN NHIÊN(Tổng hợp)


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loai-chi-phi-quang-cao-ra-khoi-gia-sua-lieu-gia-sua-co-giam-a88786.html
    Sự kiện: Giá Sữa
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Áp trần giá sữa bột: Vì sao giá không giảm mà còn tăng?

    Áp trần giá sữa bột: Vì sao giá không giảm mà còn tăng?

    (ĐSPL) - Nhiều chủ đại lý sữa giải thích sở dĩ có sự thay đổi về bảng giá hoặc mẫu mã sữa là do chủ doanh nghiệp muốn lách luật. Họ liên tục thay nhãn mác các loại sữa bột, thậm chí thay đổi trọng lượng hộp sữa của loại sữa bị áp giá trần.