(ĐSPL) - Trong lộ trình áp trần giá sữa, mới đây bộ Tài chính công bố giá bán buôn tối đa và giá kê khai mới đối với một sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của hai công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sữa trong nước nhằm quản lý giá mặt hàng này.
Tuy nhiên, cũng giống như việc áp mức giá trần đối với hàng loạt nhãn hàng sữa trước đây (21/6/2014), hầu hết các hãng sữa nội, sữa ngoại dùng lại chiêu nhằm “lách” quy định giá trần, như thay đổi trọng lượng sữa, biến tướng mẫu mã, tên gọi, tăng độ tuổi của trẻ..., để đẩy NTD lạc vào mê hồn trận của các loại giá với đủ các chủng loại nhãn sữa khác nhau. Trên thực tế thì vẫn là chiêu trò “bình mới rượu cũ”.
Hoa mắt vì đọc nhãn sữa
Ngay khi có danh sách các nhãn hàng sữa phải thực hiện áp trần giá theo quy định (1/4), các tuyến điều tra thực hiện khảo sát tại một số cửa hàng sữa trên địa bàn TP. Hà Nội và một số siêu thị lớn, nhằm tìm hiểu các hãng sữa thực hiện việc áp trần giá theo quy định như thế nào?
Trước hết, theo phân tích từ bảng giá áp trần vừa được bộ Tài chính công bố đối với 10 sản phẩm sữa kê khai đăng ký giá mới của những công ty có tên trong danh sách, tất cả các nhãn hàng này đều là sản phẩm mới, có mẫu mã mới, bổ sung vi chất dinh dưỡng... và đã được thẩm định, cấp phép. Cụ thể: Sản phẩm sữa S26 của Nestle ra mẫu mới 400gr, khác biệt so với mẫu cũ 900gr.
Ảnh minh họa. |
Còn 9 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của hãng sữa X.X. là sản phẩm mới, nên phải đăng ký và kê khai giá bán theo quy định. Như Dutch Baby Tập đi Gold 900gr (6-12 tháng) giá 330.833 đồng/hộp; Dutch Baby Mau lớn Gold (dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi) 900gr giá bán lẻ khuyến nghị tối đa 339.000đồng/hộp; Dutch Lady Tò mò Gold (1-2 tuổi) giá 290.917đồng/hộp; Dutch Lady Khám phá Gold 900gr (2-4 tuổi) giá 287.667 đồng/hộp...
Tuy nhiên, ghi nhận của PV tại một đại lý sữa trên đường Giải Phóng (Hà Nội), một khách hàng phản ánh: “Nếu đối chiếu vào bảng giá này, con gái chị (8 tháng tuổi-PV) đang uống sữa Dutch Baby Gold Step 2, dành cho trẻ 6-12 tháng, hộp 900gr có giá 275.000 đồng và sữa Dutch Lady Tập đi giá 240.000 đồng/hộp 900gr.
Với mẫu nhãn hàng mới, chưa biết có thêm vi chất gì, nếu hãng bán với đúng giá được áp trần, giá tối đa cho phép là 339.000 đồng/hộp thì sẽ cao hơn giá sữa cùng hãng con tôi đang uống từ vài chục đến gần trăm nghìn đồng/hộp”.
Tại một đại lý sữa trên đường Lê Đại Hành (Hà Nội), PV cũng ghi nhận thắc mắc tương tự từ khách hàng là chị Nguyễn Thị Nguyệt (Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, trước sữa Enfagrow A+4 360 Plus 900gr giá 380.000 đồng/hộp; nay mẫu mới có giá 400.000 đồng/hộp.
Xem thêm video: Hóa chất pha nước máy thành sữa tắm cao cấp.
Nhân viên tư vấn bán hàng chỉ giải thích, sữa Enfagrow số 4 trước đây dành cho trẻ từ 36 tháng tuổi, nay rút xuống dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, nên đắt hơn. Việc nhãn sữa này có được bổ sung thêm vi chất, vi lượng gì không, chị Nguyệt không nhận được thông tin từ tư vấn viên.
Có một điểm đáng chú ý nữa khi tuyến điều tra thứ hai (khảo sát nhãn hàng sữa áp mức giá trần bán tại siêu thị-PV) phát hiện, hầu như các nhãn hàng sữa có trong danh sách phải thực hiện áp trần giá không còn thấy xuất hiện trong siêu thị.
Thắc mắc này được nhân viên tại một siêu thị trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) lý giải: Vì một số sản phẩm sữa (mẫu nhãn mác cũ-PV) có giá thấp hơn mức giá phải thực hiện áp trần giá theo quy định, nên cách một tuần trước khi quy định áp trần giá có hiệu lực, lượng khách hàng đến mua nhiều hơn, vì vậy có hiện tượng “cháy” hàng như đề cập.
Vạch mặt các chiêu “lách” trần giá
Có thể dễ dàng nhận thấy, để đối phó với việc giảm giá sữa từ việc áp trần giá, đa phần các hãng sữa đều “biến tấu” nhanh nhãn mác của mình để “lách luật”, “neo” giá của sản phẩm sữa ở mức cao. Theo ghi nhận từ phản ánh của NTD, để đối phó với việc phải giảm giá sữa theo quy định, nhiều hãng sữa đã dùng chiêu tăng độ tuổi sử dụng trên sản phẩm của mình để lách trần giá phải áp dụng.
Cùng với việc liên tục thay đổi nhãn hàng sản phẩm, các cửa hàng vẫn bày bán khá nhiều loại sữa ngoại nhập dưới dạng “hàng xách tay”. Các mặt hàng này, giá bán hầu như không được quản lý dù vẫn là sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đây cũng là kẽ hở lớn mà các doanh nghiệp sữa lợi dụng nhằm trà trộn sản phẩm, “thoát” khỏi quy định về kiểm soát giá.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trên một diễn đàn về triển khai thực hiện việc áp trần giá sữa đối với một sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của công ty TNHH Nestle Việt Nam áp dụng từ ngày 20/3 và 9 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/4 cho hay: Giá bán buôn sữa, bộ Tài chính đã công bố, cách tính giá bán lẻ tối đa chỉ cộng thêm 15\% nữa. Do đó, NTD phải giám sát, nếu phát hiện sữa bán lẻ cao hơn giá quy định, phải lên tiếng và phản ánh. |
Thay đổi nhãn, thay đổi độ tuổi sử dụng, thay đổi trọng lượng sản phẩm cũng là một trong những chiêu trò mà các hãng sữa ưa sử dụng để “chống” và “giảm” tác động của việc áp trần giá gây ra cho doanh nghiệp.
Ghi nhận phản ánh từ chị Ngô Thị Mười (CT2a khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội): “Hiện nay sữa Pediasure của Abbott loại hộp 900gr được thay bằng loại hộp mới có trọng lượng 850gr. Giá bán lẻ trên thị trường của loại hộp 850gr này là 565.000 đồng/hộp. Giá bán này có đúng với giá bán lẻ tối đa công bố không, tôi là NTD, tôi không được nắm rõ. Tuy nhiên, khi hộp sữa giảm đi 50gr nhưng giá bán chỉ thấp hơn loại hộp 900gr trước đây 5.000 đồng. Như vậy mức giảm này liệu có tương xứng so với trọng lượng sữa giảm đi hay không?”.
Tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, các doanh nghiệp có sản phẩm sữa đang lưu thông trên thị trường không thuộc danh mục 25 sản phẩm sữa áp giá trần (theo Quyết định số 1079/QĐ-BTC của bộ Tài chính) cũng sẽ phải xác định giá bán tối đa căn cứ vào tương quan về trọng lượng, quy cách đóng gói, thông tin chất lượng với 25 sản phẩm thuộc danh mục, từ đó đưa ra giá bán lẻ hợp lý trên thị trường.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra ngược lại, gần như chỉ có các sản phẩm sữa nằm trong danh mục giảm giá bán lẻ, còn lại, hàng trăm mặt hàng sữa nhập dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn được doanh nghiệp "làm ngơ" và neo giá bán ở mức cao như theo khảo sát: Sản phẩm Goatamil, Goatlac của nhãn sữa Dairygoat có giá khoảng 585.900 – 597.900 đồng; nhãn sữa Humana Expert 800gr có giá dao động từ 483.800 - 493.800 đồng/hộp. Sản phẩm sữa Organic của Bellamy’s loại 900gr có giá khoảng 720.500 đồng/hộp.
Chính việc các sản phẩm sữa nhập ngoại và không ít sản phẩm nhãn hàng sữa nội vẫn neo ở mức giá khá cao, khiến NTD tự đặt ra câu hỏi: Việc quy định áp trần giá sữa bán lẻ thật sự đã có tác dụng? Và làm thế nào để các cơ quan chức năng quản lý áp chế được giá sữa cũng như kiểm soát được chất lượng của hàng trăm nhãn hàng sữa đang có mặt trên thị trường?
Theo lời một lãnh đạo cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT), hiện nay NTD muốn nhận biết được dòng sữa là sữa tiệt trùng làm bằng sữa tươi hay sữa bột phải đọc mục “thành phần” ghi trên bao bì. Ngoài ra, hiện thị trường có những sản phẩm như sữa tiệt trùng có đường của Dutch Lady pha giữa sữa bột và sữa tươi nhưng không ghi tỷ lệ của hai loại nguyên liệu. Theo vị này, cách ghi như vậy không đủ để người tiêu dùng nhận biết; không ghi rõ tỷ lệ sữa tươi, sữa bột là thiếu rõ ràng, có yếu tố cạnh tranh thiếu lành mạnh, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát. |
VI HOÀNG