(ĐSPL) - Từ trước đến nay, giá nguyên liệu đầu vào của các hãng sữa là “thế giới mật”, chỉ có rất ít người biết được.
Người tiêu dùng (NTD) hoàn toàn không có cơ hội tiếp cận để có thể so sánh với giá sữa thực tế họ mua. Điều đáng nói, sau khi dư luận, các chuyên gia trong lĩnh vực này liên tục lên tiếng, thời gian gần đây, Tổng cục Hải quan cũng đã công bố giá nguyên liệu đầu vào của một vài hãng sữa ngoại khi cập cảng để so sánh, đối chiếu. Thế nhưng, chẳng hiểu sao, cơ quan chức năng vẫn "bất lực” nhìn giá sữa ngoại trong nước tăng chóng mặt, thách thức NTD và dư luận.
Choáng với chênh lệch giá theo... cấp số nhân
Từ những dữ liệu PV báo ĐS&PL thu thập được cùng với việc khảo sát thị trường thực tế, có thể dễ dàng thấy được mức chênh lệch “khủng” về giá khi so sánh giữa giá nguyên liệu với sữa thành phẩm.
Trước hết, qua những số liệu khảo sát cho thấy, sữa nội – ngoại được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường Việt Nam là sữa nước, bao gồm 2 loại: Sữa tiệt trùng, được lấy bằng sữa tươi từ nguồn bò sữa trong nước và loại sữa thanh trùng hay sữa hoàn nguyên được pha chế từ sữa bột nhập khẩu. Dòng sữa hoàn nguyên chiếm phần lớn sản phẩm của các hãng sữa. Bởi hiện tại, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 30\% thị phần cung ứng nguyên liệu, hơn 70\% nguyên liệu là nhập khẩu từ nước ngoài.
Ngành sản xuất sữa trong nước chọn cách “phụ thuộc” vào nguyên liệu ngoại để kiếm lời. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa). |
Theo điều tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước đi theo hướng nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài về để sản xuất các nhãn hàng sữa nước hoàn nguyên lý do chính là “siêu lợi nhuận” khi áp dụng “chiêu thức” này. Xin đưa ra một vài thông số như sau: Theo báo giá từ tổ chức thương mại sữa toàn cầu, chuyên tổ chức đấu giá sữa quốc tế- Global Dairy Trade cho thấy, từ tháng 1/2014 đến nay, giá sữa liên tục giảm, thậm chí có thời điểm giá sữa bột giảm kỷ lục.
Cụ thể giá tháng 1/2014 là 5.000 USD/tấn, trong tháng 1/2015 “rớt” xuống dưới 2.500 USD/tấn. Thời điểm này, sữa bột rớt xuống còn hơn 2.200 USD/tấn so với 4.500 USD/tấn cùng thời điểm trong năm 2014. Mới đây, theo thông tin từ cục Quản lý giá (bộ Tài chính), tính chung trong quý I/2015, giá chào bán một số loại nguyên liệu sữa tăng liên tục nhưng so với quý I/2014, giá các nguyên liệu này lại giảm.
Cụ thể: Tại thị trường châu Úc, giá sữa bột gầy là 2.200 - 3.175 USD/tấn; sữa nguyên kem ở mức từ 2.200 - 3.800 USD/tấn. Trong khi đó, tại thị trường Tây Âu, sữa bột gầy có giá bán là 2.000 - 2.675 USD/tấn và sữa nguyên kem có giá bán từ 2.600- 3.400 USD/tấn.
Từ góc nhìn khác của một chuyên gia là hội viên hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đưa ra tại hội thảo Thực trạng nguồn nguyên liệu sữa trong nước, thực tế và giải pháp được tổ chức mới đây đưa ra con số: Mỗi lít sữa nước được pha ra từ sữa bột (chưa bổ sung đường hoặc các chất dinh dưỡng khác) vào cuối năm 2014, giá 12.000 đồng/lít; hiện nay chỉ còn khoảng 6.300 đồng/lít.
Dự báo năm 2015, nhu cầu sữa giảm ở nước nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, nguồn cung sữa của châu Âu dư thừa, giá xăng dầu giảm sẽ là những yếu tố khiến giá sữa nguyên liệu tiếp tục ổn định ở mức thấp.
Như vậy, có thể thấy giá nguyên liệu đầu vào hiện nay so với những thời điểm trước đó đang ở mức thấp. Tuy nhiên, thực tế giá sữa trên thị trường trong nước vẫn “neo” ở mức rất cao.
Cụ thể, ngày 9/4, theo ghi nhận từ khảo sát giá một số sản phẩm sữa thực tế trên thị trường cho thấy: Tại siêu thị Fivi Mart (quận Hoàng Mai - Hà Nội), sữa tiệt trùng có đường của Dutch L.D. loại 220ml được bán với giá 6.200 đồng/bịch (tương đương hơn 28.000 đồng/lít); tại siêu thị Metro (Hà Nội), sữa tiệt trùng Cô gái H.L. 20+ (gồm sữa bột, nước và các dưỡng chất bổ sung) loại 1 lít có giá 28.700 đồng (khuyến mãi còn 27.500 đồng/lít); sữa tiệt trùng ADM+ (có bổ sung dưỡng chất) loại 180ml giá 25.900 đồng/4 hộp (tương đương gần 36.000 đồng/lít).
Như vậy, với chỉ số giá sữa của một số nhãn hãng sữa như trên so với giá nguyên liệu đầu vào đã cho thấy mức chênh lệch giữa sữa thành phẩm và nguyên liệu nhập lên tới gần 5 lần.
Rõ như ban ngày còn đợi thanh tra(!)
Cùng đi tìm lý giải về sự chênh lệch giá đến “khó tin” này, PV báo ĐS&PL đã cố gắng tìm cách liên hệ với cục Quản lý giá, bộ Tài chính (BTC) và cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, nhưng chưa có phản hồi về lịch hẹn phỏng vấn trực tiếp với các lãnh đạo của hai Cục này. Tuy nhiên, một chuyên viên thuộc cục Quản lý giá chia sẻ bên lề với PV rằng, liên quan đến mặt hàng sữa, Cục chỉ quản lý giá bán lưu thông.
Còn về thuế, Tổng cục Hải quan là đơn vị nắm tất cả các số liệu. Vị chuyên viên này cũng cho biết thêm rằng, mấy năm trở lại đây, khi tiến hành các công tác thanh tra về giá sữa trên thị trường, cục Quản lý giá luôn phối hợp với Tổng cục Hải quan rà soát giá sữa và một số cơ quan chức năng liên quan. Kết quả thanh tra cũng cho thấy, giá sữa khi cập cảng và được phân phối trên thị trường chỉ chênh lệch từ 2,2 đến 3 lần?!
Đại diện lãnh đạo cục Thuế xuất nhập khẩu đưa ra tại một cuộc hội thảo, giá một số sản phẩm sữa bột sau thông quan rơi vào khoảng từ 4-5 USD/hộp (tương đương với mức 80.000 - 100.000 đồng). Còn giá bán lẻ trên thị trường thực tế qua khảo sát là từ 20 - 25 USD/hộp (tương đương 400.000 - 500.000 đồng), tức là gấp 5 lần so với giá nhập khẩu.
Chẳng hạn sữa Ensure nhãn vàng hộp 900g của hãng sữa Abbot, được bán với giá 700.000 đồng. Tuy nhiên, vị này cũng đưa ra một hướng lý giải về mức chênh lệch này: Việc giá sữa bán lẻ cao gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu vì giá nhập khẩu chỉ là một yếu tố cấu thành giá sản phẩm. Bởi trên thực tế, sau khi làm thủ tục nhập khẩu và thông quan, còn rất nhiều chi phí phát sinh tiếp theo cho đến khi sữa được bán đến tay người tiêu dùng. Cơ quan hải quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ quản lý giá nhập khẩu cho đến khi hàng hóa được thông quan.
Như vậy, có thể thấy “vùng giáp ranh” của các cơ quan quản lý về nguồn nguyên liệu được ví với “vàng trắng” có “khoảng hở” khá lớn. Phải chăng các doanh nghiệp sữa nội- ngoại lợi dụng điểm nối này để “làm mưa, làm gió” về giá sữa?!
Cũng trong quá trình phân tích dữ kiện các tuyến điều tra, PV báo ĐS&PL nhận thấy, có một mối liên hệ giữa việc “tự nguyện” phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sữa bột nhập khẩu của các hãng sữa trong nước với việc người dân vùng nguyên liệu sữa nội tổ chức “đổ sữa” ra đường trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân có thể lý giải từ việc nhập nguồn nguyên liệu sữa bột ngoại về pha thành sữa hoàn nguyên sẽ có lợi nhuận cao hơn việc phải đầu tư xây dựng các trang trại trong nước để có nguồn nguyên liệu làm sữa.
Một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh sữa chỉ ra: Sữa bột sau khi pha, có giá khoảng 6.300 đồng/lít; trong khi giá sữa tươi thu mua của nông dân là 13.000 đồng/lít. Cùng với đó, việc bộ Y tế cho phép các doanh nghiệp sản xuất sữa nước từ sữa bột ghi trên bao bì là sữa tiệt trùng thay vì một khái niệm khác rõ ràng hơn đang làm NTD nhầm lẫn và cũng là “kẽ hở” để các doanh nghiệp sữa “khoái” nhập nguyên liệu hơn đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu trong nước.
PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định: Chính phủ cần vào cuộc để người dân có thể uống sữa tươi thật sự với giá hợp lý, tránh tình trạng đổ sữa tươi, gây lãng phí. Cùng với đó, việc minh bạch nguồn gốc nguyên liệu sữa sẽ giải quyết tình trạng nông dân không chủ động được việc tiêu thụ nguồn sữa như hiện nay. Cơ quan chức năng quản lý Nhà nước phải giúp người dân phân biệt rõ đâu là sữa tươi, đâu là sữa hoàn nguyên, ngay từ trên bao bì sản phẩm, nếu bao bì nào không ghi rõ được, có nghĩa là không trung thực. Nhà nước cần dựa vào luật An toàn thực phẩm, luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật để bắt buộc các doanh nghiệp phải ghi rõ nhãn mác trên bao bì.Chuyên gia kinh tế Nguyễn Kính Chuyền, từng công tác tại viện Nghiên cứu khoa học giá cả cho biết: “Trong hầu hết các cuộc thanh kiểm tra giá sữa trước, trong và sau mỗi lần thực hiện áp giá trần đối với các nhãn hãng sữa hay đối với nguyên liệu nhập khẩu, theo tôi được biết, kết quả không thu được gì. Những gì các doanh nghiệp kê khai đều hợp lý. Tuy có một điều đáng lưu ý, chi phí quảng cáo của công ty sữa là rất lớn. Song những chi phí nằm trong mục này khó quản lý hoặc chưa thực sự có chế tài quản lý hiệu quả”. |
VI HOÀNG
(Còn nữa)
Xem thêm video: Hóa chất pha nước máy thành sữa tắm cao cấp