(ĐSPL) - Thực tiễn giải quyết án dân sự có yếu tố nước ngoài cho thấy, việc xác định thế nào là “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” rất khó.
Đối với trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với công dân Việt Nam đã ra nước ngoài (bị đơn), tòa án phân biệt như sau:
+ Nếu có thể liên lạc được với bị đơn ở nước ngoài thông qua thân nhân của họ thì tòa án thông qua thân nhân đó gửi cho bị đơn ở nước ngoài lời khai của nguyên đơn, và yêu cầu họ phúc đáp về tòa án những lời khai hoặc tài liệu cần thiết cho việc giải quyết ly hôn. Căn cứ vào lời khai và tài liệu nhận được, tòa xét xử theo thủ tục chung.
+ Nếu thực sự không liên hệ được với bị đơn ở nước ngoài thì tòa ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, giải thích cho nguyên đơn biết họ có quyền khởi kiện yêu cầu TAND cấp huyện nơi họ thường trú tuyên bố bị đơn mất tích hoặc đã chết. Đây là cơ sở để chấm dứt hôn nhân
+ Nếu có căn cứ cho thấy thân nhân của bị đơn biết nhưng không cung cấp địa chỉ, tin tức bị đơn cho tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của tòa (ở phần thứ nhất) thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo. Đã yêu cầu đến lần thứ 2 mà thân nhân của họ vẫn không chịu hợp tác thì tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử, tòa án gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định, đồng thời niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của bị đơn, để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.
Người Việt Nam ở nước ngoài kết hôn với người nước ngoài và việc kết hôn đó đã được công nhận tại Việt Nam. Nay người Việt Nam về nước và người nước ngoài xin ly hôn
+ Nếu người nước ngoài đang ở nước ngoài (nguyên đơn) xin ly hôn với người Việt Nam mà người Việt Nam còn quốc tịch và đang cư trú tại Việt Nam, thì tòa án thụ lý giải quyết như sau: Trường hợp nguyên đơn là công dân của nước mà Việt Nam đã ký điệp định tương trợ tư pháp thì áp dụng hiệp định để giải quyết (nếu hiệp định quy định khác với luật trong nước), hoặc áp dụng Luật Hôn nhân & gia đình năm 2014 để giải quyết (nếu không có quy định khác). Trường hợp nguyên đơn là công dân của nước mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp thì áp dụng Luật Hôn nhân & gia đình năm 2014 để giải quyết. Trong cả hai trường hợp trên, việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước đó. Trong trường hợp người Việt Nam không còn quốc tịch Việt Nam thì dù họ đang cư trú tại Việt Nam, tòa án cũng không thụ lý giải quyết. Vì việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án Việt Nam.
Công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài
+ Hiện có nhiều trường hợp người nước ngoài sau khi kết hôn với người Việt Nam tại Việt Nam đã trở về nước và không quay trở lại, không liên lạc. Nếu người trong nước xin ly hôn thì tòa án xác minh địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài để liên hệ lấy lời khai. Nếu không liên lạc được và người nước ngoài không liên hệ với vợ hoặc chồng trong nước từ 1 năm trở lên thì tòa coi đó là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ. Vụ kiện xin ly hôn được xét xử vắng mặt bị đơn.
Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam |
Trình tự xin ly hôn:
- Làm đơn xin ly hôn (nếu một bên yêu cầu ly hôn) hoặc Làm đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn ( nếu hai bên yêu cầu ly hôn) gửi Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
Lưu ý : Nếu hai bên đồng ý ly hôn phải thống nhất được toàn bộ ba vấn đề : ly hôn, việc nuôi con, chia tài sản chung (nếu có) thì mới yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Nếu không thống nhất được cả ba vấn đề trên thì sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết xin ly hôn.
- Sau khi Tòa án nhận đơn nếu hồ sơ khởi kiện hợp lệ và đúng thẩm quyền thì sẽ yêu cầu đương sự nộp tạm ứng án phí hoặc tạm ứng lệ phí
-Sau khi Đương sự nộp tạm ứng án phí hoặc tạm ứng lệ phí thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án. Thời gian chuẩn bị xét xử vụ án tính từ ngày thụ lý vụ án.
Hồ sơ xin ly hôn:
- Đơn xin ly hôn hoặc Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (theo mẫu của Tòa án). Nếu người ký là người đang ở nước ngoài thì phải có xác nhận của sứ quán Việt Nam tại nước ngoài (đối với người VN) hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (đối với người nước ngoài)
-Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn kiện.
- Giấy CMND (Hộ chiếu); Hộ khẩu (bản sao chứng thực) của hai bên.
- Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có con).
- Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).
- Giấy tờ xác nhận về tình trạng hôn nhân của vợ chồng.
- Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có)
Lưu ý : Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn.
Thời gian giải quyết:
Thời hạn chuẩn bị xét xử: Từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Thời hạn mở phiên tòa: Từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Tuy nhiên việc giải quyết cũng có phần phụ thuộc vào sự hợp tác của các bên và nội dung giải quyết tranh chấp của hai bên.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]dCtk9O0RiT[/mecloud]