+Aa-
    Zalo

    Lật tẩy thủ đoạn lừa đảo đưa người vượt biên đi lao động "chui"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bằng miếng mồi “chi phí thấp, lương cao, công việc nhẹ nhàng…”, hàng chục người dân ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã dính quả lừa vượt biên trái phép sang Trung Quốc...

    (ĐSPL) - Bằng miếng mồi “chi phí thấp, lương cao, công việc nhẹ nhàng…”, hàng chục người dân ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã dính quả lừa vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động “chui” để rồi sau thời gian bán sức lại ngậm ngùi vì “tiền mất, tật mang”…
    Khoảng 40 trường hợp ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) và huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) được Lê Văn Giang (24 tuổi, ở xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, Phú Thọ) và Phạm Bá Thi (24 tuổi, ở huyện Hạ Hòa) và một số đối tượng liên quan tổ chức đưa đi xuất khẩu lao động “chui”. Bước đầu, cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai đối tượng liên quan đến các đường dây đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.
    Video: Báo động làn sóng vượt biên sang Trung Quốc làm thuê.

    Giăng bẫy bằng… mật ngọt
    Qua tìm hiểu của PV, những đối tượng trong đường dây lừa đảo này đều là lao động “chui”, từng làm việc tại Trung Quốc nhiều năm, có mối quan hệ quen biết, nắm bắt được đường đi nước bước; sau đó, từng người đứng ra môi giới, tổ chức đưa người cho các cơ sở sản xuất, cá nhân ở bên kia biên giới.
    Chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về luật pháp, cộng với sự quen biết, họ hàng anh em tuyên truyền, thêm nữa đời sống của người dân tại đây trong mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn, không có công ăn việc làm.

     

    Nhiều gia đình dính quả lừa lao động “chui” ở Trung Quốc (ảnh minh họa).

    Anh N.C.S. – một nạn nhân của đường dây đưa người đi lao động “chui” ở Trung Quốc cho biết: "Ở quê, đầu năm, chúng tôi không có công ăn việc làm. Năm ngoái, có mấy anh em đi lao động ở Trung Quốc về nói chuyện, bảo rằng chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng là họ lo hết từ đi lại, ăn uống cho mình sang đến nơi làm việc. Ai không có tiền thì họ cho nợ, làm có lương thì trừ bù vào là xong. Thủ tục đơn giản lắm, chẳng cần làm hộ chiếu, giấy khám sức khỏe, không cần học tiếng mà vẫn đi được nước ngoài làm việc. Vậy tội gì mà không đi, trong khi ở nhà không có việc mà làm?".
    Cứ như thế, một đồn mười, mười đồn trăm, phong trào đi lao động “chui” ở Trung Quốc ở đây càng ngày càng rầm rộ, ai cũng đi được miễn là còn sức lao động. Trong khi đó, các chủ dắt mối cam đoan lương bên đó trả cả chục triệu đồng/tháng, công việc lại nhẹ nhàng, làm trong xưởng sản xuất an toàn, đi bao lâu, về lúc nào thì tùy ý của mỗi người.
    Để đối phó lực lượng chức năng, hoạt động của các đối tượng này ngày càng tinh vi: Không còn tuyển rầm rộ thuê cả xe chở từng đoàn người đi biên giới nữa; chúng chia nhỏ lao động thành từng nhóm 3 - 5 người, bắt xe khách đi lên gần biên giới, tập hợp lại một điểm, rồi mới được đưa qua biên giới. Sau đó, những lao động này sẽ được những người khác đưa đến tận nơi làm việc, vì tất cả công việc, nơi ăn, chốn ngủ đã được thỏa thuận với chủ các cơ sở  từ trước…

    Vỡ mộng “đổi đời”…

    Hầu hết những người vượt biên trái phép đi lao động đều thuộc diện nghèo khó, không có công ăn việc làm ổn định. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ thường trắng tay trở về, thậm chí thêm nợ nần do mất trắng tiền môi giới, trong khi lương chưa kịp lĩnh đã bị trục xuất về nước.
    Anh N.C.S. nhờ sự môi giới của Phạm Bá Thi, trốn sang Trung Quốc lao động với hy vọng có thể đổi đời. “Chúng tôi mỗi người đi phải trả từ 2 - 5 triệu đồng cho Thi. Thi nói, sang đó làm ăn mỗi tháng cũng để ra được 10 triệu đồng. Ai ngờ, sang tới nơi mới vỡ mộng…”.
    Cũng theo anh N.C.S., hầu hết mọi người sang Trung Quốc phải làm việc trong môi trường vô cùng độc hại, đó là các xưởng sản xuất nhựa, lắp ghép đồ chơi, mà không được chủ trang bị cho bất cứ đồ bảo hộ nào. Mỗi ngày làm việc từ 14 -16 tiếng, ăn ngủ tập trung tại một chỗ do chủ bố trí, sống chui lủi trong những căn lều xung quanh xưởng sản xuất, không được đi bất cứ nơi đâu, để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng Trung Quốc. Cũng bởi làm việc trong các xưởng nhựa độc hại, ăn uống kham khổ, lại bị đánh đập nên nhiều người ngã bệnh, thậm chí bỏ xác nơi xứ người(?).
    Trao đổi với PV, Thiếu tá Lã Ngọc Đức (Phó trưởng phòng An ninh điều tra – Công an tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Những người nông dân đi lao động chui tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Bản thân họ là lao động trái phép, có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào. Trong thời gian lao động ở bên đó, họ cũng không thể lường hết được số phận. Nhưng vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, cũng không phải những người sang Trung Quốc làm thuê “chui” không biết những rủi ro trên, nhưng họ vẫn liều vì cuộc sống mưu sinh...”.
    Thiếu tá Đức cho biết, qua nắm bắt thông tin, nhiều lao động sang Trung Quốc làm việc “chui”, chủ thường xuyên đánh đập, lương có khi đến nửa năm trời vẫn chưa được nhận. Nhiều chủ xưởng sản xuất, nắm bắt được tâm lý người lao động “chui” đến thời điểm trả lương, họ tố với cơ quan chức năng đến bắt để không phải trả nữa. Chưa lĩnh được đồng nào, lại bị bắt giam cả tháng trời mới được trả về nước, tay trắng về nhà. Những lúc lâm vào hoàn cảnh bi đát đó, những lao động này lại không thể liên lạc được với các đối tượng môi giới…
    Bên cạnh đó, những người đi lao động “chui” như vậy chưa biết mình còn bị những đối tượng “cò” kia bóc lột như thế nào. Ngoài khoản “lộ phí” thì mỗi tháng, phần trăm lương của họ cũng bị trừ theo cấp số. Do không biết tiếng, chỉ biết khoản lương của mình có giới hạn, nhưng họ không biết rằng những “cò” còn trích một khoản thù lao gọi là công dẫn người vào làm – khoản này cũng được tính vào lương cho người lao động, có nghĩa là càng giới thiệu nhiều lao động thì mỗi tháng tiền thu nhập của họ càng lớn.
    Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Lê Minh Quang (Trưởng phòng An ninh điều tra – Công an tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Những đối tượng ở địa phương có nhiệm vụ lôi kéo những lao động thiếu hiểu biết và không có công ăn việc làm. Chúng vẽ ra một môi trường làm việc hấp dẫn, rồi tổ chức cho người lao động đi dưới dạng nhỏ lẻ theo từng chuyến từ 3-5 người. Sau khi tập hợp gần biên giới, chúng đưa người lao động qua bên nước bạn bằng đường mòn Chi Ma (Lạng Sơn), đường sông Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh). Thời điểm đưa sang cũng là buổi đêm, thường là sau 19h nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện”.
    Cũng theo Đại tá Quang, những người bị lừa, đa phần là anh em họ hàng, cộng với văn hóa làng xã ăn sâu trong tiềm thức của người dân, nên việc củng cố bằng chứng cũng gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng biện pháp nghiệp vụ, trong vòng mấy tháng qua, phòng An ninh điều tra – Công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá được 11 vụ đưa người đi lao động chui ở nước ngoài, khởi tố 12 bị can.     
    Theo Đại tá Lê Minh Quang (Trưởng phòng An ninh điều tra – Công an tỉnh Phú Thọ), ở các vùng nông thôn, miền núi còn khá khó khăn nên dễ dàng thấy nhu cầu tìm việc làm để có thu nhập cao là hết sức chính đáng với người dân. Tuy nhiên, đi lao động bằng cách vượt biên trái phép là hành vi vi phạm pháp luật mà sau nó là hàng loạt các nguy cơ, hệ lụy. Chính vì thế, cần tăng cường quản lý lao động tại địa phương, sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của người lao động.

     

    Đại tá Lê Minh Quang (Trưởng phòng An ninh điều tra – Công an tỉnh Phú Thọ).

    Ngoài ra, tại các vùng biên, vùng giáp ranh, cần tăng cường quản lý chặt chẽ về an ninh hơn nữa để hạn chế tình trạng lao động vượt biên trái phép bằng con đường tiểu ngạch. Và vấn đề cốt lõi là chúng ta phải tích cực tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, để người lao động hiểu rằng, bản thân họ có thể “đổi đời” ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

    ĐỨC ANH

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lat-tay-thu-doan-lua-dao-dua-nguoi-vuot-bien-di-lao-dong-chui-a91389.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan