(ĐSPL) – Thực trạng này đã diễn ra từ lâu nay và ngày càng có diễn biến phức tạp hơn, nhưng bởi nhiều lý do và nguyên nhân khác nhau mà chính quyền sở tại bất lực.
Theo Trưởng Công an xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, ông Phạm Hồng Thái cho biết, chỉ tính riêng từ mùng 4 Tết Ất Mùi đến nay số lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc đã lên tới gần 500 người, phần lớn lao động sang khai thác hầm mỏ, đánh bắt thủy sản, sản xuất gỗ, đồ nhựa.
Điều đáng lo ngại là trong số những lao động “chui” này có rất nhiều lao động là trẻ em chưa đến tuổi lao động.
Cá biệt có những gia đình cả vợ chồng đều bỏ lại con cái cho ông bà để ra đi xuất khẩu lao động trái phép.
Cũng có những gia đình đến 3 - 4 người là anh em dắt nhau đi. Họ bất chấp nguy hiểm, rủi ro chỉ cốt để kiếm tiền và chấp nhận liều mạng. Quảng Nham là xã bãi ngang đất chật, người đông, lao động dư thừa nhiều, việc làm không có khiến nhiều người dân phải chọn con đường đi lao động “chui” để mưu sinh.
Nhiều người dân đã được chính quyền xã Quảng Nham tuyên truyền xong họ vẫn cố tình vì cái lợi trước mắt mà bất chấp tất cả để đi xuất khẩu lao động trái phép. |
Theo Trưởng thôn Hòa Vũ Xuân Quế cho biết, cả thôn có 60 lao động sang làm việc ở Trung Quốc, trong đó có 5 gia đình quanh năm đóng cửa cả vợ lẫn chồng cùng đi. Ban đầu chỉ một số nhóm người tự phát cùng nhau vượt biên đi làm “chui” theo kiểu người đi trước giới thiệu, bảo lãnh người đi sau, về sau xuất hiện nhiều “cò” dụ dỗ, lôi kéo tổ chức thành đường dây đưa người vượt biên trái phép kiếm lời.
Đội ngũ môi giới ngày một đông, chủ yếu là các đối tượng giáp biên móc nối với chủ người Trung Quốc hoặc phụ nữ ở vùng này lấy chồng Trung Quốc về nước lùng sục dắt mối” để đưa người qua đó với các mác là đi xuất khẩu lao động.
Qua tìm hiểu được biết, theo lời kể của những người đã trở về sau một thời gian lao động ở Trung Quốc, công việc của họ không nhàn hạ như lời các "cò” lao động đánh tiếng quảng bá, mà chủ yếu phải lao động trong môi trường khắc nghiệt, nặng nhọc và độc hại cho sức khỏe của bản thân. Việc lao động “chui” luôn tiềm ẩn những rủi ro không lường không ai có thể lường trước được. Nếu bị phát hiện, bắt giữ thì toàn bộ công sức lao động bỏ ra bao nhiêu tháng trời sẽ trở thành con số không.
Bên cạnh đó cũng có một số ít những người may mắn có được một món tiền khi trở về quê hương sau khi đi lao động tại Trung Quốc. Thế nhưng để có được số tiền đó họ phải làm việc 12 tiếng/ngày, với tần suất lao động rất cao cả tháng không có ngày nghỉ, chưa kể đến vấn nạn trộm cướp, trấn lột, tai nạn lao động luôn thường trực đối với những lao động tự do này.
Đặc biệt hơn là chị em phụ nữ còn là “tâm điểm” dễ trở thành mục tiêu cho bọn buôn người dòm ngó, đưa vào các ổ chứa mại dâm. Nhiều thanh, thiếu niên sau khi lao động tại Trung Quốc vướng vào các tệ nạn xã hội là điều đã xảy ra rất nhiều.
Thời gian qua được biết đã có nhiều lao động bỏ mạng nơi đất khách quê người. Tình trạng lao động ồ ạt trốn sang Trung Quốc sau Tết Ất Mùi còn nổi lên ở các địa phương khác như xã Quảng Chính (Quảng Xương), Hải Châu (Tĩnh Gia), Ngư Lộc (Hậu Lộc)…
Tình trạng này đã diễn ra từ lâu và có chiều hướng ngày càng ra tăng, nhưng việc các lao động trốn sang Trung Quốc đang một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các cấp chính quyền sở tại trong vấn đề quản lý hộ tịch hộ khẩu ở các địa phương này.