Liên quan đến việc anh Nguyễn Văn Thức đi XKLĐ ở Ả Rập đã hết hạn hợp đồng nhưng không thể làm thủ tục về nước, chúng tôi đã gặp người môi giới nhằm làm rõ thông tin.
Cụ thể, anh Nguyễn Văn Thức đi lao động ở Ả Rập từ năm 2015 đến nay thông qua chị Nguyễn Thị Mai (thời điểm đó là nhân viên của công ty Nhật Minh, giờ là Phụ trách trung tâm đào tạo giáo dục định hướng trung đông của công ty Colecto). Theo lời anh Thức, công ty CPĐT Vĩnh Cát đã làm visa cho anh XKLĐ sang nước ngoài theo đơn hàng ALKORALI.
Tuy nhiên, đại diện công ty Vĩnh Cát - ông Nguyễn Thanh Sơn đã thông tin với PV, anh Thức không hề có bất cứ thỏa thuận hợp đồng lao động nào với công ty. Qua đó, ông Sơn khẳng định anh Thức được chị Mai làm môi giới thì chỉ có chị Mai biết lao động đi theo đơn vị nào.
TGĐ công ty Vĩnh Cát khẳng định không có hợp đồng với anh Thức. |
Ngày 29/4, trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Mai (người môi giới tuyển dụng) cho biết công ty ký hợp đồng lao động với anh Nguyễn Văn Thức là công ty CPĐT Vĩnh Cát. Anh Thức sau khi ký hợp đồng sẽ chuyển lại cho công ty đóng dấu và trả về cho gia đình.
Đối với một đơn hàng khi đưa từ nước ngoài về thì công ty đó sẽ thẩm định đơn hàng đó, sau khi thẩm định xong sẽ tiến hành làm thủ tục visa xuất cảnh cho người lao động. Nếu công ty không đủ khả năng làm hết đơn hàng đó thì sẽ hợp tác với các công ty khác để cùng thực hiện đơn hàng.
Chị Mai này cho biết thêm: “Công ty là đơn vị thẩm định, thực hiện đơn hàng phải chịu trách nhiệm, nếu trả lời tôi chia sẻ cho bên nọ, chia sẻ cho bên kia nên không có hợp đồng thì vô hình chung là phủi tay. Không có trách nhiệm với công việc của mình.”
“Không thể bắt người lao động chịu đông chịu tây được, mình là doanh nghiệp thì phải kết hợp trực tiếp với đại sứ quán để giải quyết vấn đề đấy. Không thể phủi tay thế được, xét về tất cả mọi phương diện ông là người ký kết hợp đồng với đối tác vậy sẽ phải chịu trách nhiệm về trường hợp khi lao động phạm lỗi thì có thể xử phạt theo hợp đồng. Nhưng anh Thức đã thực hiện hết hợp đồng thì công ty phải thực hiện nghĩa vụ của mình.” - Chị Mai bức xúc nói.
Trước đó, chúng tôi đã đưa tin, anh Nguyễn Văn Thức (quê ở Nghệ An) trong thời gian làm việc ở Ả Rập Xê Út đã bị bắt vì không có thẻ Iqama (giấy phép cư trú). Sau khi hết hợp đồng anh Thức không được làm Exit Visa vì có án tích. Cho đến nay đã hơn 1 tháng hết hạn hợp đồng lao động anh Thức đã kết thúc công việc và không có thu nhập, tuy nhiên không có đơn vị nào đứng ra nhận làm thủ tục về nước cho anh Thức.
Theo văn bản trả lời của công ty CPĐT Vĩnh Cát gửi Cục QL Lao động ngoài nước về vụ việc anh Nguyễn Văn Thức có nêu rõ chỉ có chị Mai mới nắm được anh Thức đi theo công ty nào.
Tuy nhiên với sự khẳng định của chị Nguyễn Thị Mai thì liệu công ty CPĐT Vĩnh Cát có “đem con bỏ chợ” không? Và đơn vị nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm giúp đỡ anh Nguyễn Văn Thức thoát khỏi cuộc sống không công việc, thu nhập ở nơi xứ người để trở về đoàn tụ cùng gia đình?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.