Cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai) không chỉ nổi tiếng với những cung đường uốn lượn trên mây, mà còn nổi tiếng bởi khu rừng Cấm đầy bí ẩn. Những chuyện lạ nơi đây đã phần nào lý giải câu hỏi tại sao khu rừng không bao giờ bị phá.
Lời nguyền đáng sợ
Rừng Cấm thuộc xã Na Hối, cách thị trấn Bắc Hà chưa đầy 5 cây số. Khu rừng nằm trên một gò cao sát khu dân cư. Tuy chỉ cách nhau một con đường nhỏ nhưng từ ngoài nhìn vào khu rừng, có cảm giác rờn rợn có lẽ cũng bởi màn sương phủ giăng kín những cành cây ngọn cỏ. Ở khu rừng ấy, từ lâu đã tồn tại những câu chuyện ma quái đáng sợ.
Lễ cúng rừng vào ban đêm. |
Các cao niên ở bản Na Áng B cho biết, rừng Cấm là khu rừng chết. Từ xa xưa, người dân tộc Nùng bản địa đã coi đây là nơi ở của các vị thần với những quyền năng vô hạn. Họ ngự trị nơi đó và không ai được phép xâm phạm hay lấy đi một thứ gì của rừng.
Những câu chuyện mang tính liêu trai mà người Nùng ở bản Na Áng B kể lại rất kỳ lạ. Nếu chưa làm lễ và chưa hiến tế những món ăn truyền thống theo một nghi lễ cổ truyền mà vào rừng thì chuyện không hay sẽ xảy ra. Đã có nhiều trường hợp bị chết hoặc bị điên loạn khi nạn nhân từ trong rừng bước ra. Cụ Vàng Văn Can cho hay: “Từ xưa đến nay, đã có nhiều người chết và bị điên do tự tiện vào rừng chặt gỗ, bắt thú. Thậm chí, có cả nhóm người dưới xuôi lên đào vàng rồi không thấy ra nữa. Gia đình họ hàng lên tìm rồi cũng mất tích”.
Cụ Can dẫn chúng tôi sang nhà anh Vàng Văn Tỵ và Vàng Văn Thanh, cụ chỉ tay lên di ảnh bảo: “Hai thằng cháu tôi năm kia cũng theo nhóm người dưới xuôi vào rừng săn chim. Khi chúng ra được đến ngoài thì cứ phát điên phát dại. Đưa đi viện thì tỉnh, về đến nhà lại tái phát, được thời gian ngắn thì chết”. Cụ Can cho biết, khu rừng Cấm từ xưa đã yểm một lời nguyền mà không thầy trừ ma, trừ tà nào có thể phá được. Nó là nỗi ám ảnh bao nhiêu đời nay đối với người dân tộc Nùng (Bắc Hà).
Theo một số cụ cao niên ở địa phương, vào rừng mà nói tục hay phóng uế bừa bãi là nguy hiểm nhất. Nhiều người xâm phạm và bị trừng phạt, nhẹ thì bị điên, nặng thì tử vong không rõ nguyên nhân.
Lời nguyền và những cái chết xảy ra ở khu rừng Cấm qua mỗi ngọn núi lại thêm những lời đồn thổi. Khu rừng ngày càng trở nên huyền bí với người bản địa và khách thập phương. Người ta chỉ dám ngắm nhìn khu rừng từ bên ngoài hoặc từ trên cao. Tịnh không ai dám vào sâu bên trong, và càng không dám làm những điều thất thố với rừng xanh. Vì thế, rừng không cần phải bảo vệ mà lâm tặc luôn khiếp vía.
Đồng bào Tây Bắc đi lễ cúng rừng. |
Lễ cúng Thần rừng
Theo anh Sền Văn Dũng, trưởng bản Na Áng B, hàng năm vào ngày mùng 2/2 âm lịch, đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở địa phương đều tổ chức Lễ hội cúng rừng. Đây là nghi lễ truyền thống có ý nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất trong năm đối với người dân nên được gọi là “Tết rừng”. Những nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ được diễn ra ở cửa rừng, nơi có nhiều cây cổ thụ lớn. Trên bàn thờ bằng đá, là lễ vật gồm một con gà trống, một miếng thịt lợn đen, rượu, hương, giấy bản… để dâng cúng thần rừng.
Chủ lễ là người có uy tín trong làng sẽ dâng hương cúng thổ công rừng mời các vị thần linh về dự. Trước đó, dân làng đã tổ chức quyên góp tiền mua lợn, gà, rượu, hương thơm, vàng mã… và bầu người quản lý rừng Cấm - rừng thiêng của thôn để tiến hành nghi thức cúng theo luật tục. Tại lễ cúng các già làng trong thôn cho con cháu mình đi cùng để giới thiệu cũng như kể về việc trồng, bảo vệ các cây cổ thụ trong khu rừng cấm của làng.
Những năm gần đây, tục cúng rừng còn được xem như một cuộc họp tổng kết năm của thôn, bản trong công tác bảo vệ rừng. Sau lễ cúng cả thôn sẽ quây quần ngay dưới tán rừng thiêng tổ chức ăn mừng và cầu chúc cho thôn bản được bình yên no ấm. Ngoài ý nghĩa mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, tục cúng rừng còn mang ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, đó là ý nghĩa giáo dục người dân tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống xung quanh.
Anh Sền Văn Dũng, Trưởng bản Na Áng B chỉ nơi cúng rừng. |
Theo tìm hiểu, Tây Bắc có hàng chục khu rừng cấm. Trong đó, nổi tiếng là rừng cấm Mường Khương hoặc rừng cấm của người Hà Nhì. Những bí ẩn trong các khu rừng này cũng khác nhau rất nhiều. Đặc biệt các nghi lễ độc đáo của các đồng bào dân tộc khi dâng cúng Thần rừng. Tuy nhiên, mâm cúng Thần rừng của người Hà Nhì lại khác, đơn giản và tiết kiệm hơn. Với một luật tục từ lâu đời ở Y Tý, nếu người nào đi rừng thấy cháy mà không dập lửa là mắc tội lớn. Thậm chí thời xưa, người trong bản có thể quy vào tội chết vì để Thần lửa tàn phá rừng.
Đến nay, những tập tục lạc hậu dần đổi thay. Nhưng người dân vẫn ý thức bảo vệ rừng, như lời của trưởng bản Na Áng B - Sền Văn Dũng: “Rừng là sự sống, nếu rừng chết thì con người cũng khó tồn tại. Vì vậy, bảo vệ rừng cũng là bảo vệ sự sống của chính chúng ta”.
“Cúng rừng là nghi lễ cổ thường có ở một số dân tộc. Chính quan niệm rừng có thần cai quản, nếu xâm phạm sẽ bị trừng phạt đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ rừng. Một năm sẽ có 2 lần tổ chức lễ cúng rừng Cấm vào tháng 1 và tháng 6 âm lịch. Nghi lễ kéo dài 3 ngày và toàn bộ đồ cúng phải ăn hết tại chỗ”, anh Ngô Văn Huân, cán bộ Văn hóa huyện Bắc Hà cho biết. |