(ĐSPL) - Chỉ trong vòng 3 ngày gần đây việc thi công đường sắt trên cao ở Hà Nội liên tục xảy ra tai nạn, đặc biệt chỉ riêng ngày hôm qua có đến 2 vụ "hiểm họa từ trên trời rơi xuống", khiến người dân lo sợ, bất an.
Hết rơi thanh sắt đến sập cần cẩu
Tin tức báo Đời sống & Pháp luật vừa nhận được, vào khoảng 9h30 sáng nay (ngày 12/5), trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân – Hà Nội), một thanh sắt từ công trình đường sắt trên cao đã rơi xuống đường và trúng vào chiếc ô tô Honda Civic.
Những người chứng kiến vụ việc cho hay, vào khoảng thời gian trên, chiếc xe ô tô nhãn hiệu Honda Civic mang biển kiểm soát (BKS) 30M - **** lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi hướng Hà Đông về Ngã Tư Sở.
Khi di chuyển tới khu vực gần số nhà 341 Nguyễn Trãi, một thanh sắt (được xác định là chiếc xà beng) từ công trình đường sắt trên cao đã bất ngờ rơi thẳng xuống lòng đường và trúng phải chiếc xe Honda Civic
Cú va chạm khiến phần cửa phần cửa gần tay mở ô tô bị móp. Thời điểm xảy ra tai nạn, may mắn do đường Nguyễn Trãi không có nhiều phương tiện lưu thông nên không có thiệt hại về người.
Sự việc chưa lắng xuống thì ngay trong chiều qua,vào khoảng 16h10 ngày 12/5, tại công trường thi công tuyến Metro Nhổn - Gà Hà Nội (đoạn số nhà 359 và 361), một chiếc cần cẩu đang phục vụ thi công thuộc dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội bất ngờ đổ sụp, đè vào hai căn nhà trên đường Cầu Giấy.
Theo một số nhân chứng, vào khoảng thời gian trên, chiếc cần cầu nằm bên trong công trường thi công tuyến metro Nhổn - Gà Hà Nội bất ngờ đổ ụp xuống cửa hàng thuộc số nhà 359 và 361 đường Cầu Giấy (Hà Nội).
Chỉ trong vòng 3 ngày gần đây việc thi công đường sắt trên cao ở Hà Nội liên tục xảy ra tai nạn, đặc biệt chỉ riêng ngày hôm qua có đến 2 vụ "hiểm họa từ trên trời rơi xuống", khiến người dân lo sợ, bất an. |
Tại hiện trường, cánh tay cẩu nặng hàng tấn nằm đè lên các biển quảng cáo của hai cửa hàng vàng bạc và đại lý sơn. Mảnh nhựa, kính và sắt thép vương vãi khắp nơi. Chiếc cần cẩu đổ chắn ngang đường Cầu Giấy và làm toàn bộ giao thông trên tuyến đường này bị ùn tắc theo hướng về phía Cầu Giấy.
Một người chứng kiến tường tận vụ việc hốt hoảng nhớ lại: “Vào khảng thời gian trên, tôi bất ngờ nhìn thấy chiếc cần cẩu trong công trường từ từ đổ rạp xuống phía trước ngôi nhà số 361. May mắn tai nạn này đã không gây ra thiệt hại cho những người ở trong ngôi nhà này”.
“Chiếc cần cẩu đổ sập đã làm ngả một mảng rào chắn công trường khiến chúng va vào hai chiếc xe máy lưu thông qua đây. Trong số hai nạn nhân bị va vào mảng rào chắn, có một người phụ nữ mang bầu đã bị ngã nằm chỏng trơ ra giữa đường, mũ bảo hiểm văng ra một bên. Hai nạn nhân này đã được đưa đi cấp cứu” – Nhân chứng này cho biết thêm.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng đã phong tỏa 2 đầu đường dẫn vào hiện trường, mọi phương tiện đều không được đi qua.
Ông Lê Huy Hoàng, Phó Giám đốc BQL Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, khẳng định vụ sập cần cẩu xảy ra tại công trường dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội.
17h cùng ngày, một chiếc cần cẩu khác đã được điều đến hiện trường, lực lượng công nhân sau đó cũng được điều động tới cắt dời phần cánh tay cẩu bị đổ để cẩu vào bên trong khuôn viên của công trường.
Được biết, khu vực xảy ra sự cố sập cần cẩu thuộc gói thầu số 1 xây dựng tuyến cầu cạn từ Nhổn đến Kim Mã do tổng thầu Daelim (Hàn Quốc) thực hiện.
Video vụ sập cần cẩu:[mecloud]C5O5KYYxu5[/mecloud]
Họa từ trên trời rơi xuống
Đáng chú ý, chỉ vài giờ đồng hồ trước khi vụ sập cần cẩu tại tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội xảy ra, UBND TP. Hà Nội đã ra thông báo kiểm điểm trách nhiệm, siết chặt an toàn lao động trên toàn tuyến. Bởi trước đó, khoảng 18 giờ ngày 10/5, tại công trường thi công ga số 4 tuyến (trước cửa nhà số 256 Hồ Tùng Mậu) một thanh cừ thép thép dài 9 m, nặng hơn nửa tấn đã bất ngờ tuột khỏi cần cẩu rơi xuống đường đang có đông người lưu thông. Như vậy chỉ trong 3 ngày, tại dự án này đã xảy ra 2 sự cố mất an toàn lao động, uy hiếp tính mạng, tài sản người tham gia giao thông.
Đối với dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông, ngoài sự cố thanh sắt rơi xuống ô tô vào ngày hôm qua thì trước đó đã xảy ra 2 vụ mất an toàn nghiêm trọng khác.
Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thực tế quá trình xây dựng các công trình bắt buộc phải sử dụng các thiết bị cần cẩu. Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng cũng như các quy định về ATLĐ, các thiết bị trong quá trình vận hành phải có quản lý về thời gian vận hành, cũng như các cảnh báo an toàn, phân luồng giao thông, rào chắn… để người dân không đi vào khu vực công trường. Tiêu chuẩn bắt buộc, trong lúc vận hành dưới bán kính hoạt động của cần cẩu là không có người, hoặc nếu có người thì phải có che chắn, đảm bảo để không xảy ra tai nạn. Thế nhưng, trong thời gian vừa qua, nhiều công trình xây dựng do không đáp ứng được thời điểm thi công, có thể trong lúc thu dọn đã hoạt động quá thời gian được phép thi công, từ đó dẫn đến tai nạn lao động. “Việc các cần cẩu hoạt động trên đầu người dân đi trên phố là vi phạm quy định an toàn lao động”, ông Nguyễn Anh Thơ khẳng định.
Rõ ràng, dù những chiếc cần cẩu trục cao tại các công trình đã được cấp phép và kiểm định thiết bị kỹ thuật từ phía các đơn vị thẩm định nhưng đến khi vận hành, thi công, không ai dám bảo đảm chắc chắn an toàn tuyệt đối. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, có thể sẽ còn những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Cấm cửa nhà thầu làm rơi cừ sắt từ công trình xuống đường
Chiều 12/5, Văn phòng UBND TP.Hà Nội đã có văn bản thông báo kết luận của ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội về sự cố rơi thanh sắt hơn nửa tấn ra đường tại dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Theo đó, UBND TP.Hà Nội giao Sở Xây dựng kiểm tra, lập biên bản và có quyết định xử phạt nghiêm đối với nhà thầu Posco và nhà thầu phụ (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng Inceco) theo quy định pháp luật. Đồng thời, Sở Xây dựng ra thông báo cấm nhà thầu phụ thi công các công trình dự án có nguồn vốn của thành phố trên địa bàn trong thời hạn 1 năm.
UBND TP.Hà Nội cũng quyết định giao Công an TP. Hà Nội thành lập Tổ công tác liên ngành với các sở Xây dựng, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh - Xã hội kiểm tra các công trình thi công trên đường bộ đang khai thác (43 điểm) về công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động... xử lý nghiêm các vi phạm. Nếu cần thiết thì đình chỉ thi công.
Ngọc Anh(Tổng hợp)