+Aa-
    Zalo

    Lạnh gáy nghề chăn bắt rắn tại làng Lệ Mật: Suýt mù mắt vì rắn phóng độc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một trong những nghề được coi là nguy hiểm, rùng rợn bậc nhất không thể không nhắc tới là nghề chăn bắt rắn tại làng Lệ Mật, quận Long Biên, TP. HN

    Một trong những nghề được coi là nguy hiểm, rùng rợn bậc nhất không thể không nhắc tới là nghề chăn bắt rắn. Hiện nay, nghề vẫn được lưu truyền và phát triển tại làng Lệ Mật, quận Long Biên, TP. HN.

    Đôi bàn tay điêu luyện của người thợ rắn

    Nghề chăn nuôi rắn là nghề cổ truyền tại làng Lệ Mật, cha truyền con nối qua nhiều đời, lưu giữ nét giá trị văn hóa. Trước kia, đây là vùng hoang sơ, rậm rạp, nhiều rắn rết trú ngụ, cha ông thường bắt đem đi bán. Sau này, nghề phát triển, đến thời con cháu chế biến rắn thành những món ăn thơm ngon. Da rắn cũng được chế biến thành các sản phẩm mỹ nghệ, tạo nguồn thu nhập lớn.

    Cổng làng Lệ Mật, nơi nổi tiếng với nghề chăn bắt rắn.

    Hơn 10 năm trở lại, làng Lệ Mật trở thành điểm đến tham quan của du khách trong và ngoài nước. Tới đây, du khách không những được thưởng thức các món ăn thơm ngon chế biến từ rắn mà còn được “mãn nhãn” với nghề dị độc, có 1-0- 2.

    Thức ăn của rắn ráo gồm: Cóc, gà con, vịt...

    Bước vào phía trong một nhà hàng lớn, tôi ấn tượng với phong cách bài trí độc đáo. Dọc hai bên lối đi để các chuồng gỗ nuôi rắn. Với rắn ráo, chỉ cần một lớp lưới bảo vệ, du khách có thể đứng gần quan sát. Nhưng với rắn hổ mang chúa, cần hai lớp lưới che chắn cẩn thận. Để đảm bảo an toàn, tránh bị trúng nọc độc, khách cần đứng ra xa quan sát, tuyệt đối không lại gần. Một chuồng rắn lớn được đặt giữa sảnh, xung quanh là các bàn ăn. Đây chắc chắn là một trải nghiệm lạnh gáy.

    Chuồng rắn hổ mang được thiết kế gồm hai lớp lưới sắt, tránh gây nguy hiểm cho du khách.

    Sinh nghề tử nghiệp

    Nghề chăn nuôi rắn là nghề cha truyền con nối. Vì vậy, những người thợ ở đây có ít nhất 20 năm thâm niên trong nghề. Nghề rất khó truyền cho người ngoài, không phải họ giữ nghề mà do không ai đủ can đảm, say mê để học và gắn bó với nghề. Những người thợ chăn nuôi kiêm luôn vị trí bắt thịt, đứng bếp nấu ăn.

    Qúa trình sinh trưởng của rắn: Đẻ trứng, trứng rắn nở, rắn con, rắn sinh trưởng, rắn trưởng thành, rắn lột xác.

    Mặc dù đây là công việc có nguồn thu nhập cao nhưng sự rủi ro, nguy hiểm cũng vô cùng lớn. Người thợ chỉ sơ sẩy, chủ quan một chút sẽ gây nên hậu quả khủng khiếp, mất mạng như chơi. Tại làng nghề truyền thống, xảy ra nhiều chuyện thương tâm do bất cẩn. Người bị rắn cắn phải nạo xung quanh vết thương mới giữ được mạng sống. Nhiều người thì bị co gân, tay co quắp lại, không làm được việc gì nữa, thương tật suốt cuộc đời. Thậm chí, nhiều người đã tử vong khi bị nọc rắn chạy thẳng vào tim.

    Bình rượu ngâm rắn tại nhà truyền thống của làng Lệ Mật.

    Chị Nguyễn Hường, một người thợ nuôi rắn với 25 năm kinh nghiệm chia sẻ: “Với nghề này giống như việc chạy xe ngoài đường, không ai dám khẳng định mình làm tốt, vững tay nghề. Tôi từng bị mù tạm thời do nọc độc rắn bắn vào mắt. Hôm ấy, khách du lịch tới nhà hàng, tôi mới thức dậy nên “mắt nhắm mắt mở” vào chuồng bắt rắn. Do chủ quan không đeo kính bảo hộ, tôi bị rắn phun tia nọc độc vào mắt. Suốt 3 tháng, hai bên mắt đỏ ngầu, bỏng rát, tối phải ngâm mặt vào nước cho dịu mát. Sau đó, chạy chữa nhiều nơi mới khỏi. Đó là kỷ niệm hãi hùng nhất trong cuộc đời”.

    Anh Nguyễn Chiến, chủ nhà hàng rắn có tiếng tại làng Lệ Mật cho biết: “Đây là nghề cha truyền con nối. Tuy nhiên, ngày nay ít người thưởng thức thịt rắn nên tôi tập trung phát triển hàng thủ công mĩ nghệ. Các sản phẩm được tạo ra từ da rắn được khách du lịch thích thú, tìm mua nhiều như: thắt lưng, ví, giầy dép, túi xách.Từ đó, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương, thu hút khách tham quan”.

    Hàng thủ công mĩ nghệ từ da rắn được khách nước ngoài yêu thích chọn mua.

    “Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, lượng khách tới tham quan và thưởng thức giảm nhiều. Theo văn hóa phương Đông, rắn là một trong tứ linh, vì vậy họ kiêng ăn thịt rắn, cho rằng đây món ăn đem đến sự đen đủi. Lượng khách chủ yếu thưởng thức này là khách quốc tế. Nhưng do dịch Covid-19, lệnh cấm biên áp dụng nên lượng khách giảm nhiều. Cuộc sống nhiều hộ dân lao đao, khốn đốn. Những nhà hàng nhỏ đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh thực phẩm khác như: Gà, cá, ba ba, thịt trâu… Chỉ còn những nhà hàng lớn là bám trụ được”, anh Chiến cho biết thêm.

    Chiếc túi rắn được làm thủ công có giá 12.000.000 đồng.

    Hiện nay, rắn ráo có giá 600.000 – 700.000 đồng/kg, rắn hổ mang có giá 1.000.000 – 1.200.000 đồng/kg. Có chín món ăn được làm từ thịt rắn như: Súp rắn, canh gừng rắn, rắn xào, nem rắn, chả lá lốt cuốn thịt rắn… Những món ăn chế biến từ rắn rất nóng. Vì thế, vào mùa hè càng ít người ăn.

    Làng Lệ Mật được coi là “thủ phủ” của nghề chăn bắt rắn. Những người thợ rắn ở đây có đôi bàn tay rất khéo léo, uyển chuyển và một tinh thần “thép” mới có thể gắn bó, phát triển nghề.

    Ứng Hà Chi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lanh-gay-nghe-chan-bat-ran-tai-lang-le-mat-suyt-mu-mat-vi-ran-phong-doc-a347145.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan