(ĐSPL) - Ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), có một ngôi làng được gọi là Làng Vọng Phu, bởi trong làng chỉ có phụ nữ và trẻ em đang ngày đêm trông ngóng người đàn ông của gia đình biền biệt đi biển và có những người mãi không quay về.
Cũng như các làng biển khác, nguồn sống của mỗi gia đình ở làng Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đều phụ thuộc vào người đàn ông ngày đêm bám biển. Vì vậy, người phụ nữ gần như trở thành trụ cột của gia đình, lo toan cuộc sống cho con cái và chờ chồng từ ngoài khơi xa trở về để sum vầy. Thế nhưng, có những người đàn ông của xóm Minh Thành sống vì biển và không bao giờ trở về cũng vì biển.
Chúng tôi ghé thăm nhà anh Bùi Thanh Hoài (SN 1977). Đã gần một năm trôi qua nhưng căn nhà nhỏ tại xóm Minh Thành vẫn chìm trong nước mắt. Những giọt nước mắt của người mẹ già đau yếu xót lòng vì hoàn cành “lá vàng đậu lại lá xanh ra đi”. Những tiếng gào thét đến xé lòng của những đứa trẻ mất cha khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Trong chuyến tàu định mệnh vào 12/2013, anh Bùi Thanh Hoài đã đi mãi chẳng về để cho mẹ già đau yếu, 3 đứa con thơ cho người vợ trẻ không nghề nghiệp số nợ hơn 200 triệu đồng.
|
Bà nội là người trông nom các con anh Hoài kể từ khi anh gặp nạn |
Chung cảnh ngộ với gia đình anh Hoài, có hoàn cảnh của 7 người đi cùng chuyến tàu đó. Họ cùng đi và cùng nhau gửi mình nơi biển cả bao la. Những người mẹ, người vợ và cả những đứa con thơ đang trên bờ vực của sự nghèo khổ khi người đàn ông của gia đình đã ra đi một cách đột ngột.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Bùi Thị Cựu, mẹ anh Bùi Thanh Hoài kể: “Gia đình tôi mấy đời nay bám biển, nhưng biển chẳng thương chúng tôi. Chồng tôi cũng đi biển và rồi ốm đau trong một lần theo tàu đánh bắt ở vùng xa bờ, đưa vào bờ không kịp đã qua đời trên biển khi mới 26 tuổi. Một mình tôi vò vò nuôi con, đến khi con trưởng thành, vay mượn hơn 200 triệu đồng để cho con “ăn thuyền” với bạn, mong cuộc sống ổn định hơn. Chưa kịp trả hết vốn thì Hoài cũng theo cha theo biển mà đi mãi không về. Giờ thì mẹ góa con côi. Tôi ốm đau quanh năm, một tháng phải nằm viện mất 15 ngày, vợ Hoài thì phải đi làm thuê kiếm tiền trả nợ, chỉ mấy đứa trẻ nheo nhóc bám vào nhau. Tiền nợ có đến đời con nó cũng không trả hết được".
Khi được hỏi về người bố, cháu Bùi Quang Đạt, con trai nạn nhân Bùi Thanh Hoài ngây ngô nói rằng: “Bố đi biển một trăm năm nữa mới về cô ạ”.
Nỗi đau mà gia đình bà Bùi Thị Cựu gánh chịu bắt đầu từ ngày 9/12/2013 khi tàu cá mang số hiệu NA 93240 TS do thuyền trưởng Bùi Hoàng Hiệp điều khiển gặp nạn khiến cả 8 ngư dân trên tàu phải bỏ mạng nơi biển khơi.
Những ngày sau đó, làng Minh Thành nhuốm màu tang tóc. 8 nạn nhân là trụ cột của 8 gia đình với hàng chục miệng ăn chỉ chờ ngày tàu vào bờ. Con mong cha, vợ mong chồng, thùng gạo mong tiền về... giờ đã không còn nữa.
|
Cháu Bùi Bảo Nam con trai út nạn nhân Bùi Thanh Hoài |
Ông Trần Trung Chính, Trưởng làng Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Chuyến tàu định mệnh, mang 8 người con của làng chúng tôi ra đi, đến tận bây giờ đã gần một năm trôi qua nhưng nó vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với cả làng, đặc biệt là những hộ gia đình đang có người thân tham gia đi biển. Ngoài những tai nạn kinh hoàng như thế còn có cả những người cũng nằm lại với biển do mưa bão, sự cố tàu bè, hầu như năm nào cũng có vài người dân nơi đây chấp nhận neo thân nơi chốn trời nước đó. Để rồi sau cái chết của họ là một khối nợ khổng lồ và những gánh nặng cuộc sống đè lên vai những người phụ nữ đáng thương”.
Những sự cố trên biển xảy ra với những ngư dân trong làng đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhiều gia đình vẫn có người thân đi biển.
Chị Bùi Thị Nụ, vợ của ngư dân Bùi Công Vinh tâm sự: “Mỗi lần chồng ra khơi là một lần chúng tôi lo sợ, chồng đi chưa về thì chúng tôi chưa thể ngủ yên giấc. Nay mùa mưa bão đang đến gần, nếu neo thuyền vào bến thì gia đình không có cái ăn cái mặc, mà tiếp tục ra khơi thì rất nguy hiểm. Thật lòng, gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến chồng tôi cũng như đàn ông trai tráng trong làng phải chấp nhận liều mình”.
Những con thuyền lại nối đuôi nhau ra khơi như bao lần khác, như bao nhiều năm và bao nhiêu đời người nơi đây vẫn chỉ dựa vào biển mà kiếm sống mà nuôi lớn những đứa con. Dù đã có không ít tai nạn thương tâm xảy ra nhưng mấy ai dám rời biển mà đi bởi biển là cơm, là sách vở của các con, là cuộc sống của ngư dân.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-vong-phu-voi-noi-lo-khi-mua-mua-bao-ve-a51782.html