+Aa-
    Zalo

    Lạm thu tiền trường: Bao giờ mới hết mùa nở rộ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cứ đến đầu năm học mới, hàng loạt những khoản đóng góp vô lý, ngoài quy định của Bộ GD-ĐT lại được "vẽ" ra với tinh thần "tiền bạc là phụ, tự nguyện là chính"!

    Cứ đến đầu năm học mới, hàng loạt những khoản đóng góp vô lý, ngoài quy định của Bộ GD-ĐT lại được "vẽ" ra với tinh thần "tiền bạc là phụ, tự nguyện là chính"!

    Theo báo An ninh thủ đô, “điệp khúc” lạm thu đã lặp đi, lặp lại từ nhiều năm nay, bất chấp những quy định của ngành giáo dục, bỏ ngoài tai những tiếng kêu ca, phản ứng của phụ huynh và dư luận xã hội.

    Điển hình gần đây nhất, học sinh trường THCS Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) phải thu lên tới gần 10 triệu đồng. Hay không riêng trường THCS Minh Tân, phụ huynh khắp nơi đang bức xúc, chia sẻ thông tin lên mạng xã hội danh sách khoản thu của trường Tiểu học Chu Văn An, Đồng Tháp với số tiền lên đến 16.738.000 đồng. Với số tiền thu quá lớn này, Phòng GD-ĐT TP Cao Lãnh, Đồng Tháp đã yêu cầu nhà trường kiểm tra, báo cáo vụ việc. 

    Phụ huynh “oằn lưng” với các khoản thu lên tới hàng triệu đồng. Ảnh: báo An ninh thủ đô

    Không chỉ các khoản thu tiền triệu khiến phụ huynh “oằn lưng” với tiền trường mà còn nhiều những khoản thu nhỏ cũng gây không ít thắc mắc vì sự vô lý. Một phụ huynh trường mầm non Hoa Trạng Nguyên, Chương Mỹ, Hà Nội phản ánh, trường có khoản thu: điện, nước, giấy vệ sinh, xà phòng là 600.000đồng/cháu/năm (50.000đồng/tháng). Theo phụ huynh này, mỗi 1 lớp có từ 30-35 cháu như vậy mỗi tháng các cháu phải chi 1,5 triệu đồng tiền điện nước và giấy vệ sinh là vô lý.

    Phí sinh hoạt hè từ giữa tháng 8 đến trước ngày khai giảng năm học mới cũng gây nhiều thắc mắc. Với tổng số buổi đến trường chỉ khoảng 8 đến 9 buổi nhưng mỗi trường thu một mức từ 900.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. Theo tính toán của phụ huynh, một lớp 50 cháu, nên 50 triệu đồng tiền sinh hoạt hè trong nửa tháng là quá nhiều. Mức thu này còn cao hơn nhiều các khoản thu mỗi tháng học chính khóa, bao gồm cả tiền bán trú.

    Báo Sài Gòn giải phóng cho hay, trước năm học mới, Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị các địa phương cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018. Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng công bố kế hoạch thanh tra năm học với nội dung tập trung thanh tra để kịp thời chấn chỉnh sai phạm trong việc dạy thêm học thêm, thu chi các khoản kinh phí đầu năm học và các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm.

    Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 mà Chính phủ vừa ban hành cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT không để xảy ra tình trạng lạm thu, học sinh không được đến trường vì thiếu học phí…

    Nhưng dường như, mọi động thái chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT về vấn đề lạm thu vẫn chưa “thấm” tới các địa phương, tới các cơ sở giáo dục, nội dung các văn bản trên còn có kẽ hở; việc xử lý sai phạm những năm trước thiếu kiên quyết; và văn bản ban hành là để nhà quản lý an toàn, còn cơ sở thực hiện thu thế nào mà "êm" là được.

    Thế nên người đứng đầu một số cơ sở giáo dục dễ dàng lách luật, cùng với chiêu bài phụ huynh "tự nguyện", họ tha hồ đặt ra nhiều khoản thu vô lý, rồi thu chồng thu.

    Trước thực trạng lạm thu đầu năm học diễn ra tại nhiều trường, các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh đã đưa ra những giải pháp chấn chỉnh.

    Báo Tuổi trẻ dẫn lời TS Nguyễn Hoàng Chương cho hay, để chấm dứt nạn lạm thu, ngành giáo dục nên quy định cụ thể, chi tiết những khoản nào được phép thu, mức thu bao nhiêu là phù hợp với từng vùng, miền.

    Ngoài ra, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, bảo đảm không xảy ra việc lạm thu trong trường của mình, dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện dân cư - chính quyền - đoàn thể nơi trường đóng.

    Cuối cùng, phải kiên quyết xử lý triệt để những cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu, hiệu trưởng vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất.

    Bộ GD-ĐT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trường vào đầu năm học; lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản hồi của phụ huynh, học sinh và các tầng lớp nhân dân.

    Cùng vấn đề, gửi tới tòa soạn báo VietnamNet, thầy giáo Trương Như Đệ cho rằng trước hết hãy trả lại môi trường trong sáng vốn có trong các nhà trường: Hãy giúp các nhà giáo chuyên tâm vào chuyên môn giảng dạy, để trong giấc mơ là ánh mắt trong trẻo học trò chứ không giật mình ghi sổ đòi nợ, thu tiền học sinh.

    Thu học phí là nhiệm vụ của bộ phận kế toán tài vụ. Bảo hiểm y tế đừng bắt nhà trường thu, đó là nhiệm vụ của cơ quan Bảo hiểm Xã hội. Bảo hiểm thân thể hãy để các em và gia đình tự chọn, tự mua. Đồng phục là đẹp, nhưng nên quy định đơn giản để gia đình tự sắm, không ép học sinh phải mua tại trường. Quĩ hội phụ huynh học sinh tuy đã có Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD-ĐT...

    "Tóm lại, nhà trường chỉ thu học phí, một và chỉ một khoản học phí mà thôi. Trường nào vi phạm, xem ngay và tức khắc tư cách hiệu trưởng. Địa phương nào xảy ra lạm thu nhiều hơn 1 trường thì cũng nên "trảm" trưởng phòng đối với cấp Tiểu học và THCS, "xử" giám đốc sở đối với cấp THPT", thầy Trương Như Đệ viết.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lam-thu-tien-truong-bao-gio-moi-het-mua-no-ro-a202337.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan