+Aa-
    Zalo

    Làm lễ cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp có được không?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày 23 tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Hai đầu tuần. Chính vì vậy nhiều người thắc mắc lễ cúng ông Công ông Táo có thể làm trước ngày 23 tháng Chạp có được không?

    Ngày 23 tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Hai đầu tuần. Chính vì vậy nhiều người thắc mắc lễ cúng ông Công ông Táo có thể làm trước ngày 23 tháng Chạp có được không?

    Cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp có được không?

    Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là Tết ông Công ông Táo hay Tết Táo quân. Không chỉ là ngày lễ rất quan trọng, Tết Táo quân còn là dịp để người dân bày tỏ lòng thành với tổ tiên và các vị thần linh thông qua các nghi lễ cúng bái và sắm sửa lễ vật.

    Theo tục lệ của người Việt, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công ông Táo lên chầu trời, báo cáo với Ngọc Hoàng về những sự việc xảy ra trong năm vừa qua. Vì thế việc cúng ông Công ông Táo được tiến hành trọng thể ở các gia đình.

    Sau lễ cúng, người dân thường có tục thả cá chép để tiễn ông Táo về trời - Ảnh: Minh họa

    Thông thường lễ cúng ông Công ông Táo được tiến hành đúng vào ngày 23 tháng Chạp, tuy nhiên vẫn có những gia đình cúng trước đó một vài ngày. Năm nay, ngày 23 tháng Chạp vào đúng thứ Hai, nhiều gia đình thắc mắc không biết có thể cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 có được không?

    Về vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau. Trong cuốn "Phong Tục Ngày Tết" (NXB Hồng Đức), ghi rõ các gia đình tùy từng điều kiện có thể cúng ông Công ông Táo trước hai ngày cũng được. Miễn là hoàn thành lễ cúng trước 12h00 ngày 23 tháng Chạp vì đây là thời điểm Táo quân đã phải có mặt trên Thiên đình. Nếu cúng sau giờ Ngọ, Táo quân không thể chầu trời, đồng nghĩa với việc cả năm tới của gia đình đó sẽ gặp nhiều vất vả, sóng gió.

    Tuy nhiên, một số ý kiến của các chuyên gia phong thủy khác lại cho rằng nên cúng đúng ngày 23, vừa tốt cho gia chủ lại vừa đúng với tục lệ truyền thống. Trừ trường hợp bất khả kháng, không thể khắc phục được thì mới làm lễ cúng ông Táo trước.

    Lễ cúng ông Công ông Táo có thể cúng trước nhưng điều quan trọng hơn cả là nghi lễ phải được tiến hành với sự kính cẩn và thành tâm của gia chủ. Nếu cúng đúng ngày nhưng tiến hành qua loa, đại khái, khấn vái không lòng thành, thì cũng không được.

    Lễ vật cúng ông Công ông Táo

    Mâm lễ cúng ông Công ông Táo có thể là cỗ mặn hoặc chay.

    Mâm cỗ chay gồm:

    - Ba bộ mũ áo gồm hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Mỗi Táo quân cần thêm hia, hài.

    - Một hoặc ba cá chép sống để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời.

    - Bánh kẹo, trầu, cau, rượu, hương, đèn (nến), lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng. Các món chay.

    Mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo - Ảnh: Minh họa

    Mâm cỗ mặn gồm:

    - Ba bộ mũ áo gồm hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Mỗi Táo quân cần thêm hia, hài.

    - Một hoặc ba cá chép sống để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời.

    - 1 đĩa gạo; 1 đĩa muối; 5 lạng thịt vai luộc; 1 đĩa xào thập cẩm; 1 đĩa giò; 1 bát canh mọc; 1 đĩa chè kho; 1 đĩa xôi gấc; 1 đĩa hoa quả; 1 ấm trà sen; 5 chén rượu; 1 quả cau, lá trầu; 1 lọ hoa tươi; tiền, vàng mã, hương, đèn (nến), hương.

    Cúng ông Công ông Táo ở bếp hay ban thờ gia tiên?

    Nhiều người thường thắc mắc việc cúng ông Công ông Táo ở bếp hay ban thờ gia tiên là đúng cách. Cũng có người thắc mắc rằng có nhất thiết phải cúng ở bếp hay chỉ cúng ở ban thờ gia tiên vì không phải nhà nào cũng có ban thờ ông Táo riêng ở bếp.

    Theo nhà nghiên cứu lý học Đông phương Nguyễn Vũ Tuấn Anh, lễ cúng ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường cúng trên ban thờ gia tiên với cách gọi nôm na là cúng ông Công ông Táo. Tuy nhiên, đây là hai vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà. Còn ông Táo là 3 vị đầu rau (2 nam, 1 nữ) trông coi việc bếp núc trong gia đình. Lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, người dân thường gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng. Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên ban thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.

    Như vậy, trong ngày này phải làm 2 mâm lễ cúng: một là mâm lễ cúng ông Công trên ban thờ gia tiên, hai là mâm lễ cúng ông Táo ở dưới bếp, bất kể các gia đình có ban thờ ông Táo riêng hay không.

    Quỳnh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lam-le-cung-ong-cong-ong-tao-truoc-ngay-23-thang-chap-co-duoc-khong-a260942.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan