Jim Harrison được cho là người sở hữu trại rắn lớn nhất nước Mỹ và thậm chí trên toàn thế giới. Ông rất đam mê công việc vắt "sữa" rắn dù bản thân từng nhập viện và mất đầu ngón tay vì rắn cắn.
Tất nhiên rắn không hề có sữa, "sữa" ở đây chính là nọc độc của rắn. Hàng năm, nọc rắn đã cướp đi tính mạng của rất nhiều người song nếu được sử dụng đúng cách, đúng liều lượng thì nó lại trở thành phương thuốc chữa bệnh hiệu quả.
Được biết, ông Harrison nuôi khoảng 2.000 con rắn độc, trong đó có một số con thuộc loại nguy hiểm nhất thế giới tại một vườn thú bò sát ở bang Kentucky. Mỗi tuần, ông chích nọc độc của khoảng 1.000 con rắn.
Công việc lấy nọc rắn vô cùng nguy hiểm và ẩn chứa nhiều rủi ro. Người vắt "sữa" rắn phải dùng tay mở miệng, cắm răng chúng vào chiếc lọ có màng bọc và lấy nọc. Dù vậy Harrison chỉ dùng đôi tay trần và không đeo găng khi thực hiện công việc này.
Với đôi tay lão luyện của người thợ săn rắn kỳ cựu, Harrison nhẹ nhàng khống chế con vật hung dữ, né tránh những đòn tấn công hiểm ác, đồng thời thuần thục hứng lấy dòng nọc độc chết người từ hàm răng sắc nhọn của nó.
Dù là một chuyên gia giàu kinh nghiệm, Harrison vẫn không tránh khỏi những tai nạn nghề nghiệp. Trong suốt sự nghiệp hàng chục năm của mình, ông đã bị rắn cắn vào tay tới 8 lần. Thậm chí, có lần ông phải nằm viện điều trị tới 4 tuần do vết thương nhiễm trùng nặng, buộc các bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ một phần ngón tay.
Bắt đầu sự nghiệp chiết nọc rắn từ năm 17 tuổi, trải qua nhiều năm, hai bàn tay của Harrison giờ đây đầy những vết sẹo chằng chịt do rắn cắn. Tuy nhiên, những hiểm nguy này không hề khiến ông chùn bước.
"Nhiều người e ngại việc tiếp xúc với rắn là vô cùng nguy hiểm. Nhưng thực tế, công việc này không đáng sợ nếu chúng ta có phương pháp tiếp cận hợp lý và kỹ năng phòng vệ tốt", Harrison chia sẻ.
Vợ của ông Harrison, bà Kristen, cũng là một người am hiểu về loài rắn nhờ những kiến thức được học tại trường đại học. Bà luôn sát cánh bên chồng và là trợ thủ đắc lực trong công việc đầy rủi ro này. Cả hai vợ chồng đều không quá lo lắng về nguy cơ tử vong do rắn cắn bởi họ luôn dự trữ sẵn thuốc giải độc tại cơ sở của mình.
Harrison tâm niệm rằng công việc mình đang làm mang ý nghĩa to lớn, bởi nọc rắn có thể được sử dụng để bào chế các loại thuốc cứu người. Y học hiện đại đã chứng minh rằng, nọc độc của rắn càng cao thì dược tính càng lớn. Điển hình như nọc độc của rắn mamba đen đang được nghiên cứu để điều trị bệnh Alzheimer, hay nọc độc rắn hổ mang châu Á được ứng dụng trong các loại thuốc kháng virus.
Được biết, nọc độc rắn có giá trị thương mại rất cao, có thể lên tới 1.000 USD mỗi gram. Nó được bán chủ yếu cho các đơn vị nghiên cứu khoa học, trường đại học và các công ty dược phẩm. Những người làm nghề "vắt sữa" rắn như Harrison có thể kiếm được hơn 30.000 USD mỗi năm.