Theo Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: “Công tác giám định tâm thần có nhiều kẽ hở mà kẽ hở lớn nhất là quy trình giám định tâm thần được thực hiện khép kín, thiếu cơ chế kiểm soát do mang nặng tính chuyên môn cao và chế tài xử lý vi phạm còn yếu...”
Vụ án “thuê người truyền HIV vào con tình địch” đã được đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 11/4 thu hút sự chú ý của dư luận. Theo hồ sơ vụ án, đầu năm 2014, Đào Thị Thu Thảo (35 tuổi, giám đốc chi nhánh một công ty ở Vũng Tàu) biết bạn trai mình ở Vũng Tàu quan hệ tình cảm và có con với người phụ nữ khác. Thảo đã thuê Lê Trung Linh (32 tuổi) cùng Huỳnh Văn Thế (31 tuổi) theo dõi, lấy thông tin và có hành vi cố ý lây truyền HIV vào con của người phụ nữ đó.
Trong vụ án Thảo được xác định là chủ mưu tuy nhiên lại được VKS tỉnh này đình chỉ điều tra khi có kết luận tâm thần và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Thảo.
Tại phiên sơ thẩm, HĐXX chất vấn các bác sĩ của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa về kết luận giám định tâm thần đối với bà Thảo bởi trước, trong và sau khi gây án bà Thảo vẫn tham gia rất nhiều hoạt động của công ty, nơi bà Thảo làm việc. Có những sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế bà Thảo vẫn tham gia với vai trò người thuyết trình.
Trong phiên xử lần này, bà Thảo vắng mặt với lý do đi chữa bệnh tâm thần tại BV Tâm thần Trung Ương 1 (Hà Nội), mặc dù trước đó bà Thảo đã khỏi bệnh và tiếp tục quay lại giữ chức vụ là Giám đốc chi nhánh của công ty tại Miền Bắc.
Tại phiên sơ thẩm HĐXX cho rằng người chủ mưu vụ án thuê người tiêm máu HIV vào cháu bé được được giám định là bệnh tâm thần là không khách quan nên hoãn phiên tòa.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng |
Trước những tình tiết đáng chú ý của vụ việc, chúng tôi đã có trao đổi với luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải phóng, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) về những vấn đề pháp lý xung quanh những nghi ngại của dư luận về vấn đề giám định tâm thần trong vụ việc trên.
Phóng viên: Trong vụ việc trên Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa có kết luận bà Thảo bị bệnh trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần trước, trong và sau khi gây án. Cụ thể “Tại thời điểm gây án và hiện nay: Đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi". Thưa luật sư, đó có phải là căn cứ đúng luật để đình chỉ điều tra với bà Thảo không?
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Quyết định đình chỉ điều tra trong trường hợp này là căn cứ theo điểm a khoản 1 điều 230 Bộ luật hình sự. Theo đó, cơ quan điều tra xác định không có sự việc phạm tội, do Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình theo khoản 1 điều 13 Bộ luật hình sự. Theo Kết luận giám định thì việc đình chỉ điều tra là có căn cứ.
Hành vi của các bị cáo, đặc biệt là của bị cáo là kẻ chủ mưu bị xã hội lên án rất mạnh mẽ. Được biết bà này còn là giám đốc, thẳng tay chi nhiều tiền thuê người thực hiện hành vi phạm tội, trong nhiều lần. Trước và sau khi có hành vi phạm tội, bà này vẫn hoạt động bình thường. Nếu người bị hại muốn khiếu nại về vấn đề giám định tâm thần của bà Thảo có được không? Thủ tục là thế nào thưa luật sư?
Khi xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong giám định, thì người bị hại có quyền tố cáo, khiếu nại các vấn đề liên quan đến việc giám định. Người khiếu nại có quyền: “Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người đại diện để khiếu nại.”. Đơn khiếu nại gửi đến Chánh án tòa án trong giai đoạn xét xử và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn điều tra, truy tố, đồng thời gửi cho Thủ trưởng cơ quan điều tra cùng cấp. Liên quan đến việc kết luận giám định, người khiếu nại còn có thể nộp đơn đến lãnh đạo cơ quan giám định và Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trong vụ án này, HĐXX đã sáng suốt khi hoãn phiên tòa vì những nghi vấn liên quan đến giám định tâm thần.
Nếu có căn cứ rõ ràng về việc kết luận tâm thần bị làm không chính xác thì có thể xử lý người ra quyết định giám định hay không thưa ông?
- Tùy theo mức độ vi phạm của người giám định đối với kết quả giám định tâm thần thì có các biện pháp xử lý khác nhau. Nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội xâm phạm hoạt động tư pháp theo quy định của Bộ Luật hình sự.
Theo đó “Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối” quy định như sau:
1. Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Gần đây vấn đề bị can, bị cáo gây tội ác sau được miễn tội nhờ được cơ quan giám định kết luận là bị tâm thần rất phổ biến. Theo ông thì đâu là kẽ hở để họ có thể lợi dụng?
Kẻ hở lớn nhất chính là quy trình giám định tâm thần được thực hiện khép kín, thiếu cơ chế kiểm soát do mang nặng tính chuyên môn cao. Mặt khác, chế tài cũng chưa đủ mạnh để xử lý nghiêm những trường hợp cố ý làm sai lệch kết quả giám định.
Cảm ơn Luật sư đã chia sẻ.