Là một loại củ rất quen thuộc đối với người Việt, su hào có thể chế biến được nhiều món như luộc cả củ và lá, xào mỡ, xào thịt, hầm xương hoặc làm canh. Củ su hào non thái nhỏ ra làm nộm hoặc phơi tái làm dưa món, muối dưa…
Theo như sách Trung dược đại từ điển, su hào (phiết lam) có vị cam tân (cay ngọt), tính lương (mát). Loại củ này giúp chữa tiểu tiện lâm trọc (tiểu nhỏ giọt, nước tiểu đục), đại tiện xuất huyết, thũng độc, não lậu (viêm xoang mũi)...
Đáng chú ý, lá su hào có tác dụng trị thực tích, đàm tích, ác sang. Việc dùng lá của củ su hào nấu với dầu vừng, ăn và uống cả nước có thể giúp chữa đờm tích.
Khi chế biến su hào, không nên chỉ lấy phần củ và bỏ toàn bộ phần lá, mà nên ăn cả những lá su hào non. Lá su hào có thể chế biến thành một số món ăn rất ngon. Dưới đây là gợi ý cách làm canh lá su hào thịt băm viên.
Nguyên liệu
- 1 nắm lá su hào
- 300g thịt nạc dăm
- 2-3 củ hành tím
- 1-2 tép tỏi
- Nước mắm, bột ngọt, muối, tiêu xay
Cách làm:
- Cắt nhỏ thị nạc rồi cho vào máy xay cùng các nguyên liệu rồi xay nhuyễn
- Rửa sạch lá su hào, sau đó cắt khúc dài khoảng 1cm.
- Đun sôi nước, cho thịt băm vào trước, vợt bọt rồi nấu 3 phút.
- Cho lá su hào vào nồi và nấu thêm 2 phút, đậy nắp cho nhanh chín.
- Sử dụng lúc nóng như một món canh cho bữa cơm gia đình. Lá su hào có hương vị tương tự như cải xoăn Kale.