+Aa-
    Zalo

    Ký ức tự hào của người lính từng được bảo vệ Bác

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dòng máu cách mạng sớm chảy trong huyết quản, khi mới 14 tuổi, ông Hoàng Văn Hiển đã trở thành giao liên cho Ty quân giới liên khu 4.

    (ĐSPL) - Dòng máu cách mạng sớm chảy trong huyết quản, khi mới 14 tuổi, ông Hoàng Văn Hiển đã trở thành giao liên cho Ty quân giới liên khu 4. Lớn hơn một chút, ông trở thành chiến sỹ Điện Biên anh dũng. Sau rất nhiều lần vượt đạn pháo quân thù, ông vinh dự được tuyển chọn vào đội cảnh vệ của Bác Hồ.

    Từ đây, người chiến sỹ Điện Biên vinh dự được quây quần, chia sẻ, lắng nghe những chân lý cuộc sống bên vị lãnh tụ vĩ đại.

    Vinh dự trong đời

    Tuổi xế chiều, những ký ức từ ngày đầu tham gia Ty quân giới liên khu 4 vẫn luôn cháy trong tâm trí của người cựu binh Hoàng Văn Hiển (80 tuổi, ngụ TP.Tân An, Long An). Khi được hỏi, ký ức đầy tự hào về cuộc đời anh lính Điện Biên trong ông ngày nào hiện về nguyên vẹn như những thước phim chiếu chậm. Ông kể vắn tắt về cuộc đời của mình bằng hình ảnh anh lính kiêu hùng bồng súng, ôm pháo lao lên đồi A2, C2,... nơi cứ điểm Điện Biên Phủ. Thế nhưng, kỷ niệm về những tháng ngày bên Bác Hồ như một tài sản tinh thần lớn được ông khắc ghi trong suốt cuộc đời.

    Ông bộc bạch: “14 tuổi, tôi xin vào làm giao liên cho Ty quân giới liên khu 4 của ông Trần Đại Nghĩa. Lớn hơn một chút, tôi tham gia thanh niên xung phong. Cuối năm 1953, tôi tham gia Đại đoàn 36, tập luyện tại Phú Thọ. Sau đó, tôi cùng đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là chiến dịch lớn nhất, khốc liệt nhất mà tôi từng tham gia. Ngày 6/5/1954, toàn chiến dịch đánh dữ dội vào Điện Biên Phủ, rạng sáng ngày 7/5, chúng tôi giải phóng được đồi A2. Sau đó, chúng tôi được cắt cử ở lại 3, 4 ngày để chôn cất tử sỹ, thu chiến lợi phẩm. Chiến dịch thắng lợi, chúng tôi được Bác Hồ thăm hỏi, chia vui. Cũng thời điểm ấy, tôi đón nhận một vinh dự mới, vinh dự mà cả cuộc đời chỉ có được một lần. Tôi nằm trong danh sách những người được tuyển chọn vào đội cảnh vệ của Người”.

    Ông Hiển trân trọng cất giữ những hình ảnh, ký ức về thời gian bên Bác như bảo vật của cuộc đời.

    Tham gia Trung đoàn Cảnh vệ, ông Hiển được chuyển đơn vị về Phủ Chủ tịch đảm nhận nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho Bác. Ban đầu ông đinh ninh rằng khó khăn, áp lực sẽ đè nặng lên đôi vai. Thế nhưng, ngay những ngày đầu tiên đứng gác, ông lại cảm nhận được sự thân tình, nhẹ nhàng đến bất ngờ.

    “Trong lần đầu nhận nhiệm vụ, ai cũng lo lắng, căng thẳng. Thế nhưng, khi Bác xuất hiện, cảm giác căng thẳng, lo lắng nhanh chóng tan biến hết. Thay vào đó là sự ấm cúng như được sống trong một gia đình. Bác thăm hỏi và chia sẻ, quan tâm đến chúng tôi như cách quan tâm của một người cha, người ông với con, cháu của mình. Từ đây, chúng tôi cảm nhận được rằng, chúng tôi như đang được sống trong một gia đình chứ không phải chỉ là những anh lính canh khô cứng, nghiêm trang”, ông nhớ lại.

    Sau những phiên gác đầu, đơn vị cảnh vệ liên tiếp đón nhận nhiều bất ngờ từ Bác. Theo ông Hiển, trong thời gian làm việc tại Phủ Chủ tịch, ông cùng đồng đội luôn cảm nhận được mình “đang được đi học cách sống...” chứ không phải đang làm nhiệm vụ.

    Ông nhớ lại: “Với đơn vị cảnh vệ chúng tôi, Bác là người cha vô vàn kính yêu, luôn quan tâm dạy bảo chúng tôi như những đứa con ruột thịt. Bác thường xuyên nhắc nhở, uốn nắn chúng tôi những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống thường ngày cũng như khi làm nhiệm vụ. Một trong những kỷ niệm mà tôi tin là cả đơn vị không một ai có thể quên đó là những lời dặn của Bác trong lần Người thăm đơn vị nhân dịp chúng tôi mừng công”. Ông nhớ lại, trong lần thăm ấy, Bác vẫn giản dị, ân cần như thường ngày. “Bác đến đơn vị, sau khi hỏi thăm sức khỏe từng người, Bác căn dặn: “Các chú phải học tập cho tốt, giữ kỷ luật cho nghiêm. Lúc có địch coi như không có địch, lúc không có địch coi như có địch. Bác nói như thế là để các chú phải dũng cảm, bình tĩnh, không lúng túng, vội vàng khi sự việc xảy ra. Đơn vị các chú ở gần Trung ương Đảng, Chính phủ, vì vậy, các chú phải khiêm tốn, phải gương mẫu hơn các đơn vị khác...”. Sau những lời thăm hỏi, dặn dò, Bác lại cùng chúng tôi ngồi quây quần, trò chuyện một cách thân tình”, ông Hiển cho biết.

    Cảm phục chữ Tâm của bậc vĩ nhân

    Hình ảnh về Bác trong ký ức của ông Hiển luôn bình dị, gần gũi như chính cách sống của Người. Ông trầm ngâm: “Kỷ niệm về Bác đến một cách nhẹ nhàng từ cuộc sống bình dị, thân thương, gần gũi, không có khoảng cách trên - dưới. Tôi cảm tưởng như với chúng tôi, Bác là người ông, người bác. Với Bác, chúng tôi là cháu, là con vậy”.

    “Mỗi khi Bác có thời gian rảnh rỗi, chúng tôi thường quây quần bên Người, nghe Người kể những câu chuyện chưa được nghe về thế giới. Cũng như tôi, nhiều anh trong đơn vị sau này đều phải cảm phục trước chữ Tâm của bậc vĩ nhân là Bác. Bác luôn luôn quan tâm, cố gắng chu toàn cho chúng tôi về vật chất lẫn tinh thần, dù là nhỏ nhất. Đặc biệt, trong những dịp lễ, tết,... chúng tôi càng cảm nhận được tình cảm, sự chu toàn của Người đối với cấp dưới”, ông Hiển nói.

    Ông kể, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác luôn dành thời gian trò chuyện cùng đơn vị cảnh vệ. Trong những dịp đặc biệt như lễ tết, Bác luôn dành thời gian cùng đơn vị cảnh vệ của mình tranh luận sôi nổi rồi cười nói vui vẻ trong không khí thân tình. Dịp tết, khi có chiếu phim, diễn văn nghệ tại hội trường Chính phủ, Bác cũng cho đội cảnh vệ cùng ngồi xem. Trong khi chờ đợi chương trình, Bác thường khuyến khích mọi người hát hoặc kể những câu chuyện vui mang ý nghĩa, chân lý sâu sắc.

    Mặc dù quỹ thời gian vô cùng eo hẹp, Bác cũng cố gắng quan tâm đến cuộc sống của những cảnh vệ ngày đêm gánh vác nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Theo ông Hiển, Bác Hồ luôn chú trọng lao động và tập thể dục. Do đó, Bác vẫn dành thời gian để chỉ dạy cảnh vệ cách trồng khoai lang ụ, trồng rau,... trên những khoảng đất trống trong Phủ Chủ tịch để có “chiến lợi phẩm” cho ngày tết.

    Trong tâm trí ông Hiển: “Những dịp này, Bác còn tận tâm ra vườn nhặt lá, xới đất với chúng tôi và chỉ dạy cách đặt dây khoai lang, trồng cải, cách bón phân... Cảm động hơn, biết chúng tôi khổ, có một chút nhỏ tiền nhuận bút viết báo, trước tết Nguyên đán hoặc Quốc khánh, Bác mời đồng chí chỉ huy lên gặp, dặn: “Tiền Bác tặng các chú không nhiều, các chú mua con gà giống về tăng gia để đến ngày lễ, ngày tết, các chú có thêm thịt cá cho bữa liên hoan thêm tươm tất”. Không chỉ vậy, những ngày tết, lễ lớn của dân tộc, dù bận chiêu đãi khách trong và ngoài nước nhưng Bác vẫn không khỏi lo lắng cho đơn vị chúng tôi. Người luôn nhắc bộ phận giao tế chăm lo chu đáo cho anh em. Quà tặng của Bác đôi khi chỉ là điếu thuốc, viên kẹo, trái táo... nhưng khiến anh em chúng tôi rưng rưng nước mắt”.

    Cựu binh đa tài

    Ông Võ Ngọc Tươi, Chủ tịch hội Cựu chiến binh TP.Tân An, tỉnh Long An xác thực: “Ông Hoàng Văn Hiển được nhiều người biết đến không chỉ là một người lính từng tham gia đánh trận Điện Biên Phủ. Ông Hiển còn là người có thời gian vinh dự được gần gũi, tiếp xúc với Bác Hồ kính yêu. Khi về hưu, ông còn được người dân gọi vui là cựu binh đa tài vì ngoài việc sử dụng thành thạo các loại vũ khí trong quân đội, ông Hiển còn có thể viết báo, sáng tác thơ. Nhiều bài báo, bài thơ của ông đã được đăng tải, giành giải thưởng trong và ngoài tỉnh”.

    HÀ NGUYỄN

    [mecloud]PF5umYpEYx[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-tu-hao-cua-nguoi-linh-tung-duoc-bao-ve-bac-a145896.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan