+Aa-
    Zalo

    Kỹ thuật này giúp bệnh nhân K thoát "cửa tử"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lần đầu tiên các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện K đã thực hiện thành công kỹ thuật thay huyết tương điều trị cho nam bệnh nhân bị nhược cơ nặng.

    Cuối tháng 9/2018, lần đầu tiên các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện K đã thực hiện thành công kỹ thuật thay huyết tương điều trị cho nam bệnh nhân bị nhược cơ nặng do u tuyến ức di căn màng phổi - căn bệnh dễ gây tử vong do cơ hô hấp bị yếu, khiến bệnh nhân không thở được.

    Nam bệnh nhân nguy kịch do u tuyến ức đã di căn

    Bệnh nhân Ng. Đ. H, sinh năm 1987 nhập viện cấp cứu tại bệnh viện K trong tình trạng hôn mê, thở yếu, suy hô hấp nguy kịch do liệt cơ hô hấp. Khai thác nhanh bệnh sử của nam bệnh nhân, người nhà cho biết bệnh nhân đang điều trị u tuyến ức.

    Ngay lập tức bệnh nhân được thông khí nhân tạo - thở máy qua ống nội khí quản, điều chỉnh các rối loạn về hô hấp và huyết động, đồng thời khẩn trương làm các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị tích cực cho bệnh nhân. Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu chẩn đoán bệnh nhân bị nhược cơ nặng do u tuyến ức di căn màng phổi. Tiên lượng đây là trường hợp nặng và khó điều trị bởi trước đó bệnh nhân đã được truyền hóa chất 4 chu kì để điều trị u tuyến ức.

    Bệnh nhân đang thay huyết tương

    Bệnh nhược cơ là một bệnh lý thần kinh cơ tự miễn (autoimmune neuromuscular disease) dẫn đến yếu cơ hoặc suy nhược cơ từng đợt gây ra do xung động thần kinh từ dây thần kinh đến cơ vân không dẫn truyền được làm cho cơ không vận động được, biểu hiện yếu các hệ cơ xương nhiều mức độ khác nhau.

    Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhược cơ, song u tuyến ức gây nhược cơ là bệnh lý rất thường gặp. Khi mắc bệnh cơ thể sẽ tự sản sinh ra các chất làm giảm khả năng vận động của cơ. Khi đó bệnh nhân có một số biểu hiện như: đau tức ngực, khó nuốt, dễ sặc, khó thở, sụp mi, nét mặt đờ đẫn…, tuy nhiên bệnh khó phát hiện sớm do dấu hiệu không rõ ràng. Bệnh nhân có thể bị đe dọa tính mạng do bệnh tiến triển sang các giai đoạn nặng hơn, gây ra nhược cơ hô hấp dẫn suy hô hấp và tử vong.

    Có nhiều phương pháp điều trị nhược cơ như: Điều trị nội khoa, phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức, thay huyết tương. Thay huyết tương được áp dụng cho các trường hợp nhược cơ nặng, có nhược cơ hô hấp.

    Bệnh nhân hồi phục sau thay huyết tương

    Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu đã đưa ra quyết định kịp thời và chuẩn xác, lập tức áp dụng kĩ thuật thay huyết tương cho bệnh nhân với hy vọng cải thiện tình trạng nhược cơ để anh H. sống không phải phụ thuộc máy thở. Thay huyết tương (Plasma exchange - PEX) trong bệnh lý cơn nhược cơ nặng là phương pháp loại bỏ các kháng thể tự miễn có trong bệnh lý nhược cơ ra khỏi cơ thể cùng với huyết tương và được thay thế bằng huyết tương mới. Do đó làm cải thiện tình trạng yếu cơ và giúp cho người bệnh được hồi phục nhanh cơ lực.

    Sau hai lần thay huyết tương, tình trạng liệt cơ cải thiện rõ. Đến lần thay thứ 3 bệnh nhân không phải thở máy, đã rút được ống nội khí quản và tự thở. Sau 6 lần thay huyết tương kết hợp điều trị nội khoa (Mestinon, corticoid) bệnh nhân đã thở tốt, ăn uống không sặc và sinh hoạt đi lại bình thường.

    Nam Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-thuat-nay-giup-benh-nhan-k-thoat-cua-tu-a247902.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan