Nhiều băn khoăn
Học sinh lớp 12 năm nay sẽ là lứa thí sinh đầu tiên tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT áp dụng theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Theo đó, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh sẽ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 bao gồm ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Đây cũng là kỳ thi đầu tiên mà môn giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ được đưa vào hệ thống các môn thi tốt nghiệp.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật trước thêm năm học mới, em Bùi Hải Đăng, học sinh lớp 12, Trường THPT Chu Văn An (Thái Bình) cho biết, hiện tại bản thân vẫn ôn tập theo kế hoạch đã đề ra. Song, là lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình GDPT 2018, Hải Đăng không khỏi lo lắng, áp lực.
"Là những thí sinh đầu tiên tham dự kỳ thi áp dụng Chương trình GDPT 2018 nên bản thân em cũng như các bạn học khác không tránh khỏi được tâm trạng căng thẳng, lo lắng. Thế nhưng sau khi được các thấy cô giáo phổ biến, hướng dẫn về cấu trúc đề thi thì em thấy kỳ thi này cũng khá phù hợp với các bạn học sinh. Đặc biệt, khi chỉ thi 4 môn, học sinh sẽ giảm áp lực ôn tập và thi cử, dành thời gian nhiều hơn cho các môn học yêu thích cũng như những môn các em dự định sử dụng điểm để xét tuyển vào các trường đại học", em Bùi Hải Đăng chia sẻ.
Hải Đăng cho biết thêm, sau khi biết thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, gia đình cũng thường xuyên trò chuyện, động viên để nam sinh yên tâm ôn tập, tránh bị hoang mang, bối rối gây ảnh hưởng xấu tới việc kết quả học tập. Hải Đăng nói: "Bố mẹ cũng thường xuyên động viên em bình tĩnh, học tập như kế hoạch đã đề ra. Gia đình cũng không tạo áp lực cho em phải đỗ trường này trường kia nên tâm lý em cũng khá thoải mái".
Cùng chung tâm lý của thế hệ "chuột bạch", em Cấn Mạnh Quyết, Trường THPT Ngọc Tảo (Hà Nội) cho biết: "Em khá áp lực, lo lắng trước kỳ thi THPT năm 2025. Một phần là do đang học chương trình cũ lên cấp 3 thì đổi mới hoàn toàn luôn nên khá là khó. Bên cạnh đó, mặc dù bố mẹ vẫn động viên em không phải lo lắng, không đặt gánh nặng phải đỗ đại học thế nhưng bản thân em vẫn luôn tự nhủ mình phải cố gắng để đạt kết quả cao nhất, phải đỗ đại học để đáp lại kỳ vọng của gia đình. Em cũng rất lo lắng khi năm nay là năm đầu thi theo cấu trúc đề mới, mọi kiến thức đáng ra nên học ở lớp 11,12 thì lại bị đẩy xuống lớp 10, đề môn ngữ văn rất khó khi Bộ Giáo dục & Đào tạo ra đề mở.
Năm 2007 đánh dấu sự thay đổi trong chương trình học, có thể khiến các bạn học sinh gặp khó khăn trong việc làm quen với các nội dung và phương pháp học tập mới. Hơn nữa, khi chương trình học thay đổi, tài liệu và sách giáo khoa mới có thể chưa đầy đủ hoặc không đồng bộ, làm cho việc ôn tập trở nên khó khăn hơn.
Đặc biệt là khó khăn về việc thiếu thời gian để ôn tập, bởi lẽ việc cần làm quen với nội dung mới có thể chiếm nhiều thời gian hơn so với việc ôn tập theo chương trình cũ, khiến học sinh cảm thấy bị áp lực về thời gian. Sự thay đổi trong chương trình học cũng dẫn đến việc thiếu định hướng rõ ràng về những nội dung nào là quan trọng và cần ôn tập ưu tiên".
Để có thể ôn tập thật kĩ, bản thân Mạnh Quyết cho biết đã tự đặt ra những kế hoạch, lộ trình ôn tập cụ thể cho bản thân. Trước tiên là làm quen với cấu trúc và nội dung của chương trình học mới càng sớm càng tốt. Tham khảo các tài liệu hướng dẫn và đề cương để hiểu rõ những phần bạn cần tập trung ôn tập.
Đồng thời, phân chia thời gian ôn tập cho các môn học dựa trên sự ưu tiên và độ khó của chúng. Đảm bảo bạn có đủ thời gian để làm quen và nắm vững các phần nội dung mới. Tìm kiếm các tài liệu bổ sung như sách tham khảo, video hướng dẫn, hoặc khóa học trực tuyến có thể giúp bạn làm rõ các khái niệm mới và củng cố kiến thức.
"Quan trọng nhất là phải tự động viên bản thân, phải luôn nhắc nhở mình về lý do bản thân đang cố gắng và những mục tiêu bạn muốn đạt được", Mạnh Quyết chia sẻ.
Về góc độ phụ huynh, chị Hoàng Thị Thuý, phụ huynh em Cấn Mạnh Quyết cho biết: "Năm 2025, các bạn 2007 bước vào 1 kỳ thi rất quan trọng đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học. Là 1 phụ huynh mình thật sự rất lo lắng vì các bạn phải thi chương trình mới, hình thức thi mới, nội dung thi mới. Các bạn ấy phải nghiên cứu kỹ và chọn đúng tổ hợp để thi tốt nghiệp.
Để chuẩn bị tốt cho 2 kỳ thi lớn sắp tới về phía gia đình cố gắng chăm để bạn ấy có 1 sức khỏe tốt, tâm sự động viên, đồng hành, hỗ trợ bạn ấy bạn ấy yên tâm học tập. Tôi thấy côn cũng rất nỗ lực, cố gắng học nắm chắc kiến thức trên lớp, tham gia ôn lớp đánh giá năng lực để tham gia thi đánh giá năng lực.
Định hướng, do bạn nhà mình học khối A0 nên gia đình cũng tìm hiểu và dựa vào niềm đam mê của bạn ấy nên định hướng cho bạn ấy thi các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin".
Cùng chia sẻ về vấn đề này, một giáo viên dạy môn ngữ văn tại Hải Phòng chia sẻ, việc ôn thi hiện nay gây khó khăn cho cả cô và trò vì đây là năm đầu thực hiện dạy chương trình mới, sách giáo khoa mới và phương án thi tốt nghiệp THPT mới. Cô và trò đều bỡ ngỡ trong quá trình học tập. Xây dựng chương trình ôn tập, tìm kiếm tài liệu, ngân hàng đề thi,… đây đều là những khó khăn mà cô trò gặp phải và đang phải cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ để việc học đạt hiệu quả cao nhất.
Ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trong tháng 11/2024
Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện Cục đang dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, sẽ xin ý kiến rộng rãi dư luận xã hội và tiếp thu, chỉnh sửa để có thể ban hành trong tháng 11/2024.
Với tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo Thông tư rất mong muốn nhận được sự đóng góp chi tiết, đầy đủ của các tầng lớp xã hội, những nhà chuyên môn và quản lý để có thêm cơ sở hoàn thiện Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Dự kiến có thể ban hành trong tháng 11 năm 2024.
Đối với những học sinh chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước, để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, năm 2025 sẽ có 2 bộ đề thi khác nhau, 1 bộ đề thi cho thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và 1 bộ đề thi cho thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Việc tổ chức thi cho những thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 được áp dụng theo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Việc tổ chức thi cho những thí sinh học theo Chương trình GDPT 2018 được áp dụng theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT mới (đang xây dựng dự thảo). Việc đồng thời tổ chức ra đề thi, tổ chức thi cho 2 Chương trình GDPT tại cùng một thời điểm là việc rất thách thức. Tuy nhiên, với phương châm tất cả vì học sinh, toàn ngành giáo dục sẽ cố gắng nỗ lực để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các thí sinh.
Đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực và không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Điều điều này để khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc học thuộc từ tài liệu có sẵn một cách máy móc; Đề thi phải bám sát Chương trình GDPT 2018, có sự phân loại theo các cấp độ, đáp ứng yêu cầu kỳ thi. Trong đó, yêu cầu học sinh phải vận dụng được các kiến thức, kỹ năng đã được học vào trong thực tế, bối cảnh được cung cấp.
Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho khoảng 2500 giáo viên các môn học của 63 tỉnh/thành phố về xây dựng câu hỏi thi, từ đó tạo thư viện đề thi có tính mở và được thử nghiệm trên diện rộng tại các địa phương để lựa chọn các câu hỏi có chất lượng tốt đưa vào Ngân hàng câu hỏi thi (có tính chuẩn hóa). Trên cơ sở đó, Bộ sẽ sớm công bố đề thi minh họa bảo đảm hài hòa với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018 để các địa phương, giáo viên và học sinh chuẩn bị ôn tập cho Kỳ thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư mới về Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để lấy ý kiến.
Về Môn thi, Đề thi như đã công bố trong Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bổ sung thêm môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) đây là những môn thi lần đầu tiên được tổ chức thi trong Kỳ thi. Bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm (trước đây chỉ có 1 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm). Đồng thời, tăng cường tính phân hóa của đề thi tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của Kỳ thi như đã công bố trong Phương án thi.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh hơn trong công tác tổ chức thi, nổi bật như: Tất cả các đối tượng tham dự kỳ thi đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến (giai đoạn trước đây, thí sinh tự do phải nộp hồ sơ theo hình thức trực tiếp), xác thực thông tin cá nhân và các ưu tiên cộng điểm Kỳ thi qua cơ sở dữ liệu số. Truyền tải đề thi (số hoá) có thêm phương thức mới là qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm nhanh, bảo mật, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Đối với tổ chức điểm thi, phòng thi: Sắp xếp điểm thi, phòng thi theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho thí sinh không phải di chuyển phòng thi. Cụ thể, cho phép trộn học sinh ở các cơ sở giáo dục gần nhau để tổ chức các điểm thi tiện ích cho thí sinh. Các thí sinh chỉ dự thi tại 1 phòng thi duy nhất trong suốt Kỳ thi. Ưu tiên sắp xếp theo cùng bài thi của 2 môn tự chọn.
Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ theo hướng: Tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của Kỳ thi như đã công bố. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như quy định hiện nay.
Cũng theo dự thảo, bổ sung quy định để thí điểm thi trên máy tính khi có đủ điều kiện theo lộ trình như đã công bố trong Phương án thi, thí điểm dần từ năm 2027 và khi đủ điều kiện triển khai đại trà sau năm 2030.