+Aa-
    Zalo

    Kỳ thi chung quốc gia: Cần có giải pháp khắc phục học lệch

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Có nhiều đổi mới, ưu điểm và được đánh giá là phương án tối ưu ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, phương án kỳ thi chung quốc gia của Bộ GDĐT vẫn tồn tại nhiều khú

    (ĐSPL) – Có nhiều đổi mới, ưu điểm và được đánh giá là phương án tối ưu ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, phương án kỳ thi chung quốc gia của Bộ GDĐT vẫn tồn tại nhiều khúc mắc cần giải quyết thỏa đáng, để các thí sinh vững tin ôn luyện tham dự kỳ thi.

    Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, ông cảm thấy rất mừng vì Bộ Giáo dục đã công bố sớm phương án cho kỳ thi chung để học sinh và giáo viên đều có thời gian chuẩn bị tốt. Phương án này đã có nhiều điểm đổi mới trên cơ sở thừa hưởng những nhân tố tích cực từ kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2014, theo đó, Bộ chỉ định thí sinh phải thi tối thiểu 4 môn, trong đó 3 môn Toán, Văn, Anh là bắt buộc, cùng với 1 môn tự chọn. Cách làm này là một lựa chọn phù hợp trong thời điểm hiện tại, 3 môn bắt buộc đều là những môn chính, học sinh chỉ cần chọn thêm một môn học mà mình tự tin nữa là được.

    Kỳ thi chung quốc gia: Cần có giải pháp khắc phục học lệch

    Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm.

    “Đặc biệt, tôi đánh giá cao quy định có kết quả kỳ thi chung mới đăng ký chọn trường Đại học của Bộ Giáo dục – cách làm này sẽ khiến thí sinh dễ dàng trong việc chọn trường hơn khi các em lựa chọn phù hợp với mức điểm đã có, với kết quả mình đạt được” – TS Lâm nói.

    Cùng chung quan điểm này, TS Lê Hữu Lập – Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, phương án Bộ đưa ra là hợp lý, các môn thi không xáo trộn nhiều, đối với môn Ngoại ngữ, do hoàn cảnh đặc thù ở một số nơi mà không học môn này thì đã có quy định có thể chọn một môn khác thay thế, việc này sẽ là nhiệm vụ của Sở GD các địa phương, đánh giá, xác định xem trường nào không đủ điều kiện thi mon Ngoại ngữ để có sự điều chỉnh, thay thế hợp lý.

    Mặc dù vậy, phương án trên vẫn còn tồn tại một số điểm mà các chuyên gia cho rằng bất hợp lý, cần có sự nghiên cứu, tháo gỡ của Bộ Giáo dục trong thời gian tới.

    Kỳ thi chung quốc gia: Cần có giải pháp khắc phục học lệch
    Các giáo viên cho rằng, phương án Bộ đưa ra là hợp lý, các môn thi không xáo trộn nhiều.

    “Điều đầu tiên là địa điểm tổ chức thi, chỉ có một đề thi chung nhưng lại phân ra làm 2 loại thí sinh. Các em thi chỉ nhằm mục đích xét tuyển tốt nghiệp THPT thì thi tại địa phương còn các em thi với cả mục đích xét tuyển ĐH, CĐ thì thi theo cụm của Bộ quy định. Làm như vậy, thứ nhất là thí sinh vẫn phải đi xa, vẫn phải “cơm nắm muối vừng” đi thi, trong khi kể cả thi cùng một tỉnh thì các huyện ở xa, huyện miền núi cũng phải đi một quãng đường dài mới tới điểm thi. Quan điểm của tôi là có thể phân bố địa điểm thi về từng tỉnh thành là cách làm tốt nhất, tiết kiệm và thuận lợi hơn rất nhiều, đã vì học sinh thì vì triệt để, không thể vì một nửa được. Thứ hai, việc phân biệt hai loại thí sinh sẽ tạo nên sự bất bình đẳng xã hội, rất khó để giải thích thỏa đáng. Nếu những học sinh thi ở địa phương mà có điểm cao, muốn thi Đại học thì thế nào? Hay những em thi để xét tuyển đại học xong không muốn học đại học nữa thì phải làm sao? Đây là vấn đề cần nghiên cứu kĩ.

    Hơn nữa, công tác tổ chức coi thi chấm thi cần có sự kết hợp chặt chẽ với các giáo viên THPT, họ có chuyên môn, có nghiệp vụ rất tốt, hàng năm các trường ĐH, CĐ vẫn mời giáo viên THPT chấm thi đấy thôi. Công tác thanh tra cần làm chặt chẽ, gắt gao hơn, tuy nhiên vai trò của giáo viên THPT cũng không nên cọi nhẹ”.

    Việc Bộ Giáo dục công bố rõ ràng nội dung phương án kỳ thi quốc gia ngay từ đầu năm học là để giúp học sinh chủ động trong việc lựa chọn và có những hoạt động ôn luyện phù hợp, tuy nhiên việc này lại đặt ra một thực tế là học sinh sẽ chỉ tập trung học 3 môn Toán, Văn, Anh và 1 môn mà các em chọn để thi, tình trạng học lệch, học tủ sẽ không thể nào tránh khỏi.

    Nhằm giải quyết vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm gợi ý: “Kết thúc học kỳ I Bộ nên có một đề thi chung nhằm đánh gia lực học toàn diện tất cả 8 môn học của học sinh. Dựa vào đó, học sinh sẽ tự giác học cân bằng tất cả các môn, sau kỳ thi tự đánh giá được năng lực của mình, từ đó đưa ra lựa chọn môn thi một cách chính xác hơn. Cũng có thể khắc phục tình trạng học lệch, tạo điều kiện cho giáo viên các trường THPT có thể giảng dạy, đây là cách làm hết sức thực tế”.

    TS Lâm cho rằng, Bộ cũng nên có những tiêu chuẩn rõ ràng về việc những thí sinh nào được tham dự kỳ thi quốc gia, những em tích cực, nghiêm túc học tập, rèn luyện, có kết quả đạt đến một ngưỡng nào đó mới được tham gia, còn với những học sinh lười biếng, ham chơi, không có ý thức học tập thì nên có biện pháp.

    Theo TS, hiện tại, trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng đã phổ biến nội dung của kỳ thi chung quốc gia tới các em học sinh và thăm dò bước đầu xem các em có xu hướng chọn môn thi tự chọn như thế nào, còn vẫn đang chờ những điều chỉnh và quy định rõ ràng hơn của Bộ Giáo dục.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-thi-chung-quoc-gia-can-co-giai-phap-khac-phuc-hoc-lech-a50310.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan