(ĐSPL) – Đây là kết quả của cuộc khảo sát được thực hiện trên 156 trường THPT (cả công lập, ngoài công lập và trung tâm GD thường xuyên) tại địa bàn thành phố Hà Nội.
Ảnh minh họa. |
Sau khi chuyển công văn của Bộ GDĐT về góp ý 3 phương án tổ chức kỳ thi chung quốc gia có 156 đơn vị bao gồm các trường THPT công lập, ngoài công lập, giáo dục thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến.
Kết quả cho thấy có 98\% cơ sở lựa chọn phương án thứ nhất, tức tổ chức thi tám môn, mỗi học sinh phải dự thi tối thiểu bốn môn trong đó có ba môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và một môn theo sự lựa chọn của cá nhân các em.
Ngoài ra, các trường này cũng đồng ý với các dự kiến của Bộ GD&ĐT về địa điểm tổ chức coi thi, địa điểm chấm thi, hội đồng coi thi chấm thi, cụ thể: Địa điểm tổ chức thi được bố trí cụm theo địa bàn tỉnh, mỗi tỉnh có thể thành lập một hoặc một số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn; Các điểm thi là các trường THTP hoặc các trường ĐH, CĐ; Thành lập các cụm chấm thi theo vùng miền; Hội đồng coi thi chấm thi thành viên là cán bộ giáo viên của Sở GD&ĐT, giảng viên của trường ĐH; Lãnh đạo hội đồng coi thi là lãnh đạo của các trường ĐH và có thể nếu có thì lấy thêm một số lãnh đạo các Sở có uy tín nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức thi.
Tại hội nghị, ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Sở GD&ĐT cho biết, theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, tới đây Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục yêu cầu các trường mở rộng đối tượng tham gia lấy ý kiến, đặc biệt với học sinh và tổng hợp số liệu cụ thể để Bộ GD&ĐT có thêm dữ liệu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Trước đó, trong hội nghị chung cho toàn ngành GD&ĐT của Thủ đô được tổ chức vào buổi sáng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết việc đổi mới thi cử đã được thực hiện từ năm nay. Trước kỳ thi tuy có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận nhưng sau khi thi học sinh, phụ huynh đều vui mừng phấn khởi. Hiện Bộ đang cho thảo luận rộng rãi chuyện đổi mới thi cử này để triệt để thêm, mạnh mẽ thêm nhưng không gây sốc, không đột ngột. Việc đổi mới sẽ rất căn bản nhưng sẽ được làm một cách rất chắc chắn.
Theo Bộ GDĐT, phương án 1 sẽ thi 8 môn gồm: Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ. Sẽ có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn.
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải dự thi 4 môn thi tối thiểu gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa.
Kết quả của 4 môn thi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp ngành đào tạo.
Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn của kỳ thi THPT quốc gia, còn lại để dùng cho đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Việc thi theo môn và cho thí sinh chọn môn thi sẽ tạo thuận lợi cho việc ra đề, đảm bảo đánh giá được mức độ học vấn phổ thông và phân hóa tốt hơn trình độ thí sinh; phân luồng mạnh đối với người học sau cấp THPT.
Ngoài ra, không tạo áp lực với giáo viên, học sinh nhất là với những học sinh đã học xong chương trình THPT từ 2014 về trước. Học sinh có thể dự thi nhiều môn nên có nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ.