(ĐSPL) - Đã đến lúc tất cả phòng thi phải có cài đặt hệ thống camera để giám sát, theo dõi mọi hoạt động, diễn biến của thí sinh và giám thị trong và ngoài phòng thi.
Ảnh minh họa. |
Là một thầy giáo đang trực tiếp quản lý và dạy học tại trường THPT, tôi hoàn toàn đồng tình, ủng hộ với chủ trương tổ chức một kỳ thi quốc gia với hai mục tiêu, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vì kỳ thi quốc gia, nếu tổ chức thành công sẽ đem lại lợi ích to lớn cho nhà nước và nhân dân về nhiều phương diện từ tiền bạc đến áp lực thi cử….Công tác chuẩn bị được tốt thì có thể triển khai, thực hiện ngay trong năm 2015, không cần phải chờ đợi lâu hơn nữa. Bằng kiến thức và sự trải nghiệm thực tế giáo dục gần 20 năm trong nghề của bản thân, tôi xin đưa ra một số đề xuất, giải pháp về cách thức tổ chức thi để đóng góp cho kỳ thi quốc gia, hai trong một này.
Thứ nhất, về các môn thi, vừa rồi, Bộ GD & ĐT đưa ra 3 phương án để lựa chọn. Ở góc độ nhà chuyên môn, tôi đánh giá cao tính khả thi của phương án 2, với 5 bài thi, toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Hai môn toán, khoa học xã hội nên thêm kiến thức môn tin học và giáo dục công dân dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm để các bài thi bao quát, đầy đủ kiến thức các môn học hơn.
Phương án này khắc phục được tình trạng học tủ, học lệch, thiếu toàn diện, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào môn tự chọn, đợi đến ngày công bố môn thi…. đang tồn tại trong nhiều học sinh. Khi các môn học đều có tham gia thi, ý thức, trách nhiệm, tâm lý của những thầy cô giáo lâu nay là “ môn phụ”, môn không thi tốt nghiệp sẽ tốt lên. Tất nhiên, ở mỗi đề thi có sự phân hóa, ngưỡng điểm rõ rệt; mức độ, ngưỡng điểm đại trà cho kết quả tốt nghiệp; mức độ, ngưỡng điểm khá, giỏi cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Dạng đề thi kiểu này, tôi tin tưởng rằng Bộ GD & ĐT đang có thừa kinh nghiệm và chuyên gia, thầy cô giáo giỏi để thực thi, hoàn thành tốt.
Thứ hai, về cộng điểm kết quả học tập, Bộ GD & ĐT nên tiếp tục lấy kết quả học tập các môn văn hóa cuối năm lớp 12, có thể lấy cả lớp 10 và 11 tham gia vào việc công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH,CĐ như nhiều nước đã làm. Cách này tạo cho học sinh chúng ta thấy được giá trị của quá trình học, những điểm số, bài kiểm tra, có thái độ, ý thức học tập căn cơ, toàn diện ngay từ đầu. Kết quả điểm học tập có chính xác, đáng tin cậy hay không phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm của nhà trường, thầy cô giáo. Các Sở GD &ĐT cần tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra ngăn chặn, xử lý tốt những biểu hiện tiêu cực, nâng điểm khống cho học sinh phát sinh để có lợi cho học sinh của mình, lưu ý nhất các trường tư thục, ngoài công lập.
Thứ ba, về thời gian làm bài các môn thi nên theo hướng thi tốt nghiệp THPT năm 2014, vừa gọn nhẹ vừa đỡ áp lực, mệt mỏi cho thí sinh và hội đồng coi thi; toán, văn 120 phút, môn tự luận 90 phút và môn trắc nghiệm 60 phút. Các môn thi 90 phút và 60 phút có thể 1 buổi thi 2 môn.
Thứ tư, về địa điểm đặt các hội đồng coi thi, do tính chất quan trọng của kỳ thi, Bộ GD &ĐT nên chỉ đạo các địa phương chuyển, đặt các hội đồng thi về trung tâm tỉnh lỵ, nơi có cơ sở vật chất tốt nhất, vừa đảm bảo, thuận tiện việc đi lại, an ninh vừa giải quyết, xử lý kịp thời những tình huống nảy sinh. Nếu để các hội đồng coi thi ở các huyện miền núi, hải đảo thì những biểu hiện coi thi dễ dãi, tiêu cực…do thương cảm, đặc thù địa phương dễ nảy nở, khó kiểm soát, chấn chỉnh. Nói thật, tôi đi coi thi, thanh tra thi ở miền núi, hải đảo nhiều năm chẳng lạ gì cảnh đó.
Thứ năm, về tổ chức coi thi. Đây là một khâu quan trọng, then chốt bậc nhất để kỳ thi đảm bảo tính nghiêm túc, cho ra kết quả thi thực chất, chính xác. Lâu nay, chúng ta vận dụng khá nhiều biện pháp, cách thức trong công tác coi thi: chuyển đổi giám thị các nhà trường, địa phương; tăng cường lực lượng thanh tra coi thi; tổ chức học tập, quán triệt quy chế thi; trách nhiệm của giám thị và thí sinh trong phòng thi….Song kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua, về khâu coi thi được đánh giá là vẫn còn nhiều vấn đề yếu kém, nảy sinh không ít tiêu cực, kết quả đỗ tốt nghiệp cao ngất ngưỡng, phản ánh chưa đúng chất lượng học tập của học sinh, khiến dư luận thiếu tin tưởng vào độ tin cậy của kỳ thi này. Nay tổ chức kỳ thi quốc gia, hai trong một, Bộ GD & ĐT cần có thêm những biện pháp khác để củng cố, xiết chặt, giảm thiểu điểm yếu trong khâu coi thi.
Tôi thiết nghĩ, đã đến lúc tất cả phòng thi phải có cài đặt hệ thống ca-mê-ra để giám sát, theo dõi mọi hoạt động, diễn biến của thí sinh và giám thị trong và ngoài phòng thi. Có công nghệ này tức khắc giám thị và thí sinh sẽ nghiêm túc, những biểu hiện tiêu cực, gà bài, quay cóp sẽ khó có cơ hội nảy sinh. Tính đồng bộ, nghiêm túc, thực hiện đúng quy chế ở các hội đồng thi sẽ hiện lên thấy rõ.
Tôi cho rằng, khâu coi thi được xử lý, giải quyết triệt để bằng biện pháp sử dụng ca-me-ra thì sự thành công của kỳ thi quốc gia đạt trên 90\%. Còn không dùng nó, cứ tin vào con người của ngành giáo dục và các biện pháp hiện có thì mọi cố gắng, nỗ lực đến mấy cũng khó cho ra kết quả đồng bộ, chính xác. Ở nhiều nước, trong thi cử, họ không cần tới công nghệ ca-mê-ra nhưng kỳ thi vẫn nghiêm túc, có độ tin cậy cao vì cách xử lý của họ rất chặt chẽ, nghiêm khắc và đặc biệt con người của họ làm việc hết sức kỷ luật, trách nhiệm, hiếm có chuyện nhờ vả, tiêu cực, A,B,C….nhiều như ở ta.
Thứ sáu, về lực lượng coi thi, thanh tra coi thi, chấm thi nên có sự phối hợp, tham gia đồng bộ giữa cán bộ, giảng viên, giáo viên các trường Đại học, Cao đẳng và các trường THPT theo tỉ lệ 50/50. Địa phương nào cũng có các trường ĐH, CĐ nên lấy lực lượng cán bộ, giám thị tại địa phương đó, không cần thiết chuyển đổi, đi xa vừa thuận tiện đi lại vừa đỡ tốn kém kinh phí nhà nước chi trả.
Thứ bảy, về học sinh lớp 12, các nhà trường cần dành thời gian nhất định để đề cập, chỉ dẫn những thay đổi, cải tiến, điểm mới của Bộ GD & ĐT trong thời gian tới, đặc biệt tác động đến ý thức, trách nhiệm của từng em trong học tập và thi cử.