+Aa-
    Zalo

    Kỳ cuối: Mất cả "chì lẫn chài" vì mơ đổi đời nhờ du học Nhật Bản

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo chuyên gia pháp lý, các công ty tư vấn đang lạm dụng quảng cáo, thổi phồng sự thật khiến người dân lầm tưởng về giấc mơ sau cánh cửa du học Nhật Bản.

    (ĐSPL) - Theo chuyên gia pháp lý, các công ty tư vấn đang lạm dụng quảng cáo, thổi phồng sự thật khiến người dân lầm tưởng về giấc mơ sau cánh cửa du học Nhật Bản.

    Trước tình trạng không ít các công ty tư vấn du học thổi phồng thu nhập của du học sinh tại Nhật, vừa qua, Đại sứ quán Nhật Bản đã thông tin về việc các công ty tư vấn du học nhấn mạnh “việc vừa học, vừa làm” tại đất nước này. Theo đó, những người nước ngoài đang cư trú tại Nhật Bản với tư cách lưu học về nguyên tắc là không được đi làm.

    Những trường hợp muốn đi làm các công việc không thuộc phạm vi quy định trong tư cách lưu trú như là đi làm thêm cần giấy phép được tham gia các hoạt động không nằm trong tư cách lưu trú. Những người đã được cấp phép cũng chỉ được đi làm thêm trong một khoảng thời gian quy định (không quá 28 tiếng/tuần) và cũng không được đảm bảo rằng sẽ có nơi làm thêm. 

    Các trường học tại Nhật cảnh báo sinh viên Việt Nam về tình trạng lừa xin việc làm thêm.

    Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thu Thảo, đang sinh sống tại Kawaguchi (Nhật Bản) thì: “Thực tế là trước khi trình độ tiếng Nhật của bạn tốt, bạn rất khó có thể tìm được việc làm thêm. Đất nước Nhật phát triển, người dân Nhật thân thiện. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, ngay cả ở nước Nhật, người dân bản xứ để tìm kiếm được một công việc cũng không phải dễ. Chính vì vậy, các du học sinh cần tỉnh táo, đừng ảo vọng về việc kiếm tiền dễ dàng ở đây mà đổ xô đi du học, không cần biết khả năng mình có theo học được không?”.

    Bản thân chị Thảo dù có chồng đang làm việc cho một công ty lớn tại Nhật nhưng chị vẫn phải kiếm thêm bằng việc gửi hàng hoá về Việt Nam cho người thân bán để trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt tại Nhật.

    “Tôi biết, có lưu học sinh Việt Nam ở đây thu nhập có tháng lên đến 70 triệu đồng/tháng. Nhưng đó là tổng thu, còn mức chi thì không thấy thống kê. Để có được mức thu nhập như vậy, họ phải “cày” từ 12 -16 tiếng/ngày. Tuy nhiên, cơ hội về nước là rất cao, chưa nói là việc làm không ổn định trong cả năm, vì là du học sinh nên không thể có việc làm thêm quanh năm. Chính vì thế, nhiều trường hợp du học sinh sang được một thời gian đã tìm cách trốn ra ngoài làm chui, hoặc làm những việc bất hợp pháp mong kiếm tiền gửi về nhà. Nhiều người rơi vào cảnh tù tội, người phải ôm cả đống tiền vay nợ lãi về nước. Đó là thực tế! Chuyện, họ ăn không đúng bữa, ngủ không có giờ là rất bình thường."

    Theo chị Thảo, nếu thật sự có nhu cầu, các gia đình nên tìm hiểu kỹ thông tin trên chính trang web của JASSO, tổ chức phụ trách tất cả các dịch vụ cho sinh viên Nhật Bản và sinh viên quốc tế.

    Theo tìm hiểu của PV, dù du học sinh có vừa đi học, vừa đi làm thì việc làm thêm cũng không thể có được một mức thu nhập hơn 170 nghìn Yên (30 triệu đồng)/tháng, kể cả làm việc thêm ở những thành phố trả mức lương cao như Tokyo. Chỉ những kỳ nghỉ dài hạn, họ mới được cho phép làm việc đến 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên, kỳ nghỉ trong một năm không phải nhiều. Đặc biệt, các gia đình có ý định cho con du học tại đây phải hiểu rằng, mức phí sinh hoạt ở Nhật không hề rẻ.

    Đặc biệt là Tokyo, một trong những thành phố được liệt kê vào danh sách những thành phố có mức sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới. Mức sinh hoạt phí trung bình của một sinh viên đại học bao gồm cả tiền nhà, tại Tokyo là 150 nghìn Yên, xấp xỉ khoảng 30 triệu đồng/tháng. Tại các vùng khác là 110 nghìn Yên, khoảng 22 triệu đồng/tháng. Vì vậy, tất cả những người có nguyện vọng đi du học Nhật Bản không nên bị mê hoặc bởi các thông tin sai lệch mà một bộ phận các công ty tư vấn du học đã đưa ra.

    Khả năng ngăn chặn từ xa bị... vô hiệu?

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty TNHH Fanci thẳng thắn cho rằng, cá nhân nào có nhu cầu đi du học cần phải xác định là họ đi học thay vì chỉ quan tâm đến thu nhập ở đất nước du học. Thực tế, người có nhu cầu phải căn cứ theo giấy trắng, mực đen mà công ty đưa đi ký kết với học sinh để xem xét thay vì tin vào lời quảng cáo, cam kết mồm. Các cơ quan pháp luật khi xảy ra vấn đề gì cũng chỉ có thể xem xét trên các giấy tờ ký kết của học sinh với công ty tư vấn.

    Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, du học sinh thường không có hợp đồng tư vấn với các công ty ngoài việc gửi các hồ sơ du học phó thác cho các công ty môi giới. Các công ty này thu được khoảng 40-45 triệu đồng phí làm các dịch vụ từ A đến Z cho một học sinh đi du học Nhật.

    Cùng quan điểm, luật sư Hà Đăng, Trưởng văn phòng Luật sư Hà Đăng thẳng thắn nhận định, việc quản lý các thông tin đăng tải trên các website thuộc trách nhiệm của các nhà quản lý. Việc nhận thức thông tin đúng hay sai lại là của người tiếp nhận thông tin. Câu chuyện này không mới nhưng chúng ta vẫn chưa giải quyết dứt điểm được.

    Mọi người cần nhận thức rõ một điều, với một người có chuyên môn lao động 24/24h để đạt mức lương 60 triệu đồng còn khó, huống hồ du học sinh không có chuyên môn sâu, chỉ được đi làm 4 tiếng/ngày. Không những vậy, du học sinh còn chưa hòa nhập được cuộc sống nơi đất khách, ai đảm bảo họ sẽ hoà nhập tốt?”.

    Luật sư Hà Đăng cho rằng, có một kẽ hở khiến các công ty tư vấn dễ lách, đó là du học sinh chỉ có hồ sơ du học chứ không có hợp đồng tư vấn với công ty du học. “Không có một điều khoản nào quy định chi tiết việc quảng bá thông tin đào tạo, thành ra có tình trạng đầu voi, đuôi chuột. Thực tế, việc quảng cáo rất rầm rộ nhưng có khi du học sinh chẳng được gì!

    Nhiều vụ án lừa đảo mà chúng tôi biết đến cũng bắt đầu từ việc họ đưa ra miếng “bánh vẽ” ngon quá, cơ quan quản lý bảo vệ pháp luật không ngăn chặn. Thậm chí, nhiều nơi họ đưa công khai lên nhưng chẳng ai xử lý. Đến khi các đối tác nộp tiền nhưng năng lực của các đơn vị quảng cáo không làm được, cơ quan công an mới vào cuộc. Khả năng ngăn chặn từ xa của cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta còn kém. Quảng cáo của chúng ta đang bị lạm dụng. Chính vì thế, người dân vẫn cần chủ động phân tích và lựa chọn thông tin chuẩn xác cho mình”, ông Đăng chia sẻ.

    Tháng 4/2014, 24 du học sinh Việt Nam độ tuổi từ 20 đến 30 theo học tại các trường dạy tiếng Nhật thuộc thành phố Chikuzen, tỉnh Fukuoka đã bị phát hiện lao động quá số giờ quy định. Theo báo chí Nhật, cảnh sát tỉnh Fukuoka đã có quyết định trục xuất 24 du học sinh Việt Nam làm quá 28 tiếng/ tuần tại một công ty hải sản tươi sống. Các du học sinh này đã làm quá số giờ từ 30 đến 70 tiếng/tuần trong các công xưởng sản xuất bao bì đóng gói rau sạch và công ty buôn bán các sản phẩm hải sản tươi sống.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-cuoi-mat-ca-chi-lan-chai-vi-mo-doi-doi-nho-du-hoc-nhat-ban-a86527.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan