+Aa-
    Zalo

    Kỳ bí ngôi miếu nơi xuất quân của hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tương truyền, hùng binh Hoàng Sa của làng An Vĩnh ra dải Cát Vàng (tức quần đảo Hoàng Sa) thấy Cá Ông "lụy" ở đó, với lòng thành kính, họ đã làm lễ rồi xin rước Ông về đất liền để chôn cất.

    (ĐSPL) - Trong miếu thờ xương đầu của một con Cá Ông (hay còn gọi là cá voi - PV) rất lớn. Tương truyền, hùng binh Hoàng Sa của làng An Vĩnh ra dải Cát Vàng (tức quần đảo Hoàng Sa) thấy Cá Ông "lụy" ở đó, với lòng thành kính, họ đã làm lễ rồi xin rước Ông về đất liền để chôn cất. Sau ba năm, họ đào lên lấy bộ xương của Cá Ông đặt vào miếu để thờ cúng, và gọi miếu này là miếu Ông Hoàng Sa.

    Rước “Ông” từ Hoàng Sa

    Theo chân cụ Nguyễn Luân (73 tuổi, ngụ xóm Vĩnh Long, thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi), người được xem là pho sử của làng biển Tịnh Kỳ, chúng tôi đi bộ men theo bờ biển để đến miếu Ông ở thôn An Vĩnh (xã Tịnh Kỳ).

    Miếu Ông Hoàng Sa - thần hộ mệnh của làng biển Sa Kỳ.

    Trong không gian trầm tích vắng lặng, những phế tích của miếu Ông vẫn còn tồn tại, với bức tường được xây bằng đá cuội rêu phong, cho thấy miếu này đã có từ lâu. Cụ Luân cho biết, lúc trước, miếu Ông nằm xa vị trí hiện nay, nhưng bị biển xâm thực và qua thời gian xuống cấp chỉ còn lại phế tích. Năm 2005, Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Quảng Ngãi nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng lại trên diện tích thu nhỏ hơn so với nền cũ.

    Sau khi thắp nén hương, cụ Luân kéo lá cờ ngũ sắc ở gian chính điện, lộ ra mảng xương đầu màu trắng đục của một con cá voi lớn. Giọng của cụ trang nghiêm: “Người vùng biển miền Trung và cả miền Nam gọi Ông là ông Nam Hải, nhưng người làng mình gọi là Ông Hoàng Sa”. Để giải thích về tên gọi Ông Hoàng Sa, cụ Luân kể, nhiều thế kỷ trước, cha ông của họ - những hùng binh, theo lệnh vua truyền, đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa. Hồi đó phương tiện và trang bị quá thô sơ, chỉ là chiếc thuyền buồm, chiếu vua ban và thẻ bài bằng tre, trong khi đó, bão tố rình rập. Nhiều chiếc thuyền của lính Hoàng Sa thuở ấy ra đi gặp sóng gió không trở lại. Dân làng và cả những người lính Hoàng Sa đều luôn nghĩ về Ông, mong được sự phù hộ độ trì.

    Bộ xương Cá Ông được thờ trong miếu.

    Trong một chuyến hải trình mà theo sách sử là cách ngày nay hơn ba thế kỷ, khi cập quần đảo Hoàng Sa, những hùng binh thấy Ông "lụy" (bị chết - PV). Với lòng thành kính, họ làm lễ rồi xin rước Ông về, nhưng Ông thì quá lớn, mà thuyền buồm ghe nan lại nhỏ bé. Họ lại bàn bạc rồi cùng nhau cúng vái và xin rước phần đầu của Ông về khu vườn Đồn, xã An Vĩnh. Chuyến trở về năm đó tưởng như sẽ khó khăn nhưng kỳ lạ thay, thuyền no gió thẳng hướng về đất liền. Bà con kính cẩn nghênh đón Ông rồi đóng góp tiền của, công sức lập miếu thờ và gọi đó là miếu thờ Ông Hoàng Sa (hay thần Hoàng Sa).

    Những ngư dân trong vùng cho hay, từ ngày xây miếu thờ Ông Hoàng Sa, ngư dân trong làng đi biển thoát hiểm trước nhiều bão tố. Cụ Huỳnh Dẻ (85 tuổi, ngụ xóm Vĩnh Hiệp, thôn An Vĩnh) đưa tay chỉ vào vết sẹo ở chân, xúc động: "Cũng nhờ Cá Ông cứu mạng mà tôi mới sống được đến ngày nay. Cá Ông chính là thần hộ mệnh của ngư dân chúng tôi". Cụ Dẻ kể, nửa đầu thế kỷ trước, vùng biển An Vĩnh cá nhiều vô kể. Cá mập đi thành đàn vào tận bờ nên dân chài làm lao, sắm lưới săn cá mập. Trong một chuyến ra khơi, cụ Dẻ bị trượt chân ngã xuống biển. Bầy cá dữ vội lao tới tấn công. Cụ xoay người tránh né nhưng hàm của một con cá mập đã ngoạm vào chân cụ, máu loang ra... Trong cơn nguy khốn, bỗng cụ Dẻ thấy cách chỗ mình bị bầy cá dữ tấn công chừng mười mét vọt lên cột nước cao. Biết Ông về, bầy cá mập thoáng chốc mất dạng... Thế là cụ Dẻ được cứu thoát.

    Cụ Nguyễn Chuẩn (ngụ xóm Vĩnh Long) giờ đã bước sang tuổi bát tuần cũng từng được Ông cứu trong một lần thuyền bị lốc xé toạc. Nhưng lạ nhất vẫn là trường hợp ông Nguyễn Mua (đã qua đời năm 2011). Trong một lần ra khơi đánh cá, gặp bão những người đi trên thuyền đều nằm lại biển khơi. Người nhà ông đã ra đảo Lý Sơn xin tạc hình nhân làm mộ gió. Nhưng rồi ông Mua đột ngột trở về, ra miếu Ông Hoàng Sa thắp nhang xong, ông kể với mọi người: "Lúc con thuyền bể nát, tui rớt xuống biển, cầm chắc là hết đời. Nhưng rồi tui thấy chân mình cứ chạm một vật gì trơn trơn và người được đẩy lên khỏi mặt nước...". Sau một đêm trên biển, ông Mua được Ông đưa vào sát bờ biển Tam Quan (Bình Định). Bà con địa phương đã cứu và giúp tiền để ông đón xe về Quảng Ngãi.

    Vì thế, mỗi chuyến ra khơi, dân chài đều vào miếu Hoàng Sa thắp nhang khấn cầu, mong được độ trì và cuối vụ đánh bắt họ lại bày lễ tạ ơn trời đất, tạ ơn Ông.

    Ngày mùng ba tết hàng năm, người dân làng An Vĩnh lại tề tựu tại miếu Ông Hoàng Sa để tổ chức cúng Cá Ông. Những con cá thu, cá ngừ tươi ngon nhất được họ dâng lên Cá Ông để tỏ lòng biết ơn. Cúng bái, tiệc tùng xong là dân làng cùng nhau hát bả trạo theo điệu hát hầu Ông, họ múa hát tái diễn cảnh thuyền ra khơi gặp sóng dữ, may nhờ Ông phù hộ nên vượt qua sóng cả để trở về cập bến bình yên.

    Video tham khảo:

    Clip tuyệt đẹp của bạn trẻ về di tích Văn Miếu Huế bị lãng quên

    Nơi xuất quân hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa

    Tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, người bỏ nhiều công sức nghiên cứu về đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi cho biết, nhiều thế kỷ đi qua, tại thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ vẫn còn ba di tích của đội Hoàng Sa: Vườn Đồn - nơi lính Hoàng Sa đóng doanh trại; Đình làng An Vĩnh - nơi xuất hành và cũng là nơi trở về của lính Hoàng Sa; Miếu thờ thần Hoàng Sa - nơi các hùng binh làm lễ tế trước khi lên đường làm nhiệm vụ.

    Theo những tài liệu cổ và gia phả cổ của các họ tộc ở Lý Sơn, ngày trước, các hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được tuyển chọn gồm các trai tráng ở hai làng An Vĩnh, An Hải (huyện Bình Sơn) thường chọn mũi Ba Làng An (nơi miếu thờ ông Hoàng Sa) làm điểm xuất quân. Sở dĩ trai tráng ở hai làng An Vĩnh, An Hải được chọn vào hải đội Hoàng Sa vì họ có truyền thống đi biển rất thạo. Ngoài ra, từ đây cũng là nơi có hải trình ngắn nhất để ra quần đảo Hoàng Sa.

    Cụ Luân đã được nghe cha mình kể lại rằng: Di tích Vườn Đồn ở khu vực đóng quân của đồn biên phòng Sa Kỳ là địa điểm tập kết, huấn luyện, trang bị tàu thuyền, chuẩn bị hậu cần cho các chuyến đi ra Hoàng Sa, Trường Sa. Miếu Ông Hoàng Sa là nơi hải đội Hoàng Sa gồm trai tráng ở hai làng An Vĩnh, An Hải bên cửa Sa Kỳ thường làm lễ tế trước khi dong buồm xuất quân.

    Cụ Luân tự hào khoe với chúng tôi: "Người dân ở thôn An Vĩnh (xã Tịnh Kỳ) và thôn An Hải (xã Bình Châu) chính là những người khai sinh lập địa ở đảo Lý Sơn ngày nay". Xưa, vùng dọc biển Sa Kỳ bao gồm xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) và vùng Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), ngày nay được gọi là vùng Ba Làng An, gồm các xã An Vĩnh, An Hải và An Kỳ. Từ nơi này, người dân An Vĩnh, An Hải vượt biển ra đảo Lý Sơn lập nghiệp. Người dân ở ngoài đảo và trong đất liền đều được chọn để sung vào đội hùng binh đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa. Đến năm Gia Long thứ ba (1804), địa giới hành chính xã An Vĩnh, An Hải riêng biệt trên đảo Lý Sơn được hình thành. Cũng từ đó, triều Nguyễn chủ yếu lấy người dân ngoài đảo Lý Sơn bổ sung vào đội hùng binh.

    Miếu Ông Hoàng Sa cần được trùng tu, tôn tạo

    Ông Nguyễn Xí, Phó Chủ tịch xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết, hiện nay miếu Ông Hoàng Sa xuống cấp trầm trọng. Nền của miếu bị sóng biển xâm thực, sạt lở, đặc biệt là do không bảo quản nên bộ xương Cá Ông rệu rã theo thời gian. Nhiều ngư dân có nguyện vọng góp của, góp công để cùng với Nhà nước trùng tu, tôn tạo di tích, bởi nơi đây không chỉ là nơi tín ngưỡng của ngư dân mà còn gắn liền với Đội hùng binh Hoàng Sa, kiêm quản Bắc Hải hàng trăm năm trước đi bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-bi-ngoi-mieu-noi-xuat-quan-cua-hung-binh-hoang-sa-truong-sa-a78691.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan