(ĐSPL) - Trước thông tin kinh tế Nhật lại rơi vào suy thoái, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lo ngại hoạt động xuất khẩu sang thị trường Nhật sẽ bị ảnh hưởng...
Báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 16/11, Chính phủ Nhật thông báo nền kinh tế nước này suy giảm 0,8\% trong quý 3-2015. Đây là một đòn nặng giáng vào chính sách kinh tế “Abenomics” của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Theo báo Wall Street Journal, GDP của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới giảm 0,8\%, cao hơn hẳn mức dự báo 0,2\% của giới chuyên gia kinh tế quốc tế. Trước đó, GDP Nhật quý 2 cũng giảm 0,7\%. Như vậy nền kinh tế Nhật chính thức rơi vào suy thoái.
Chính phủ Nhật vẫn lạc quan tuyên bố dù còn nhiều điểm yếu, nền kinh tế vẫn đang phục hồi một cách từ từ với các tiến bộ rõ rệt trên thị trường lao động và mức thu nhập.
“Chúng tôi trông đợi nền kinh tế phục hồi nhẹ nhờ hàng loạt biện pháp đã thực hiện thời gian qua” - Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari nhấn mạnh.
Dù vậy giới quan sát nhận định đây vẫn là cú đòn mạnh giáng vào uy tín của Thủ tướng Abe, làm dấy lên những nghi ngờ về hiệu của của chính sách kinh tế Abenomics. Ông Abe lên nắm quyền gần ba năm trước với cam kết đưa Nhật trở lại với tăng trưởng bền vững và năng động.
Ông thực hiện hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế, cải tổ chi tiêu tài khóa và thay đổi cơ cấu nền kinh tế. Nhưng nền kinh tế Nhật vẫn tiếp tục ì ạch.
Trong các chỉ số kinh tế mới công bố, chỉ số đầu tư kinh doanh giảm 5\%. Tiêu dùng cá nhân tăng 2,1\% sau khi giảm 2,3\% trong quý trước, nhưng không nhiều nhà kinh tế đánh giá đây là dấu hiệu lạc quan, bởi tăng trưởng yếu ớt sẽ ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin tiêu dùng.
Hồi tháng 9, Thủ tướng Abe công bố kế hoạch đẩy nền kinh tế đạt mức tăng trưởng bình quân 3\% mỗi năm. Nhưng ông không đưa ra những biện pháp chi tiết và cụ thể. Nhiều nhà kinh tế cho rằng mục tiêu này là bất khả thi.
Nhật Bản là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp dệt may. (Ảnh minh họa). |
Doanh nghiệp Việt "ngồi trên đống lửa"
Tin tức trên báo Người lao động, tăng trưởng kinh tế của Nhật giảm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức khi các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại, trong đó có Trung Quốc. Trước thông tin này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lo ngại hoạt động xuất khẩu sang thị trường Nhật sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết Nhật, Mỹ và EU là 3 thị trường xuất khẩu dệt may hàng đầu của Việt Nam. Việc kinh tế Nhật suy thoái chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước dù đến thời điểm này, đơn hàng vẫn ổn định do hợp đồng đã ký từ trước.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Sài Gòn Food, cũng cho biết đang lên kế hoạch kinh doanh của năm 2016 nhưng nếu kinh tế Nhật suy thoái thì phải tính toán lại hoạt động xuất khẩu qua thị trường này. Hiện Sài Gòn Food chủ yếu làm gia công cho các đơn hàng xuất khẩu thủy sản sang Nhật nên chưa bị ảnh hưởng nhưng với tình hình kinh tế Nhật khó khăn hơn, việc gia công xuất khẩu có thể gặp khó.
AN NHIÊN (Tổng hợp)