+Aa-
    Zalo

    Kinh hoàng rượu bia đoạt hồn người dịp Tết Nguyên đán 2015

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chỉ trong 9 ngày Tết Nguyên đán 2015 có đến hàng chục ngàn người bị tai nạn giao thông, đánh nhau phải nhập viện khiến hàng trăm người thiệt mạng có liên quan đến bia rượu.

    (ĐSPL) - Chỉ trong 9 ngày Tết Nguyên đán 2015 có đến hàng chục ngàn người bị tai nạn giao thông, đánh nhau phải nhập viện khiến hàng trăm người thiệt mạng có liên quan đến bia rượu. 

    Lạm dụng rượu bia, nhiều người phải trả giá bằng tính mạng (ảnh minh họa).

    Mặc dù thu nhập bình quân ở mức thấp, tuy nhiên, với hơn 3 tỉ lít bia được tiêu thụ mỗi năm, Việt Nam đang trở thành nước đứng đầu ở Đông Nam Á và xếp thứ 3 Châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Theo thống kê của Bộ Công Thương, dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, thị trường bia rượu của Việt Nam có mức tăng đột biến.

    Nhìn vào những con số trên có thể lý giải vì sao chỉ trong 9 ngày Tết có đến hàng chục ngàn người bị tai nạn, đánh nhau phải nhập viện khiến hàng trăm người thiệt mạng có liên quan đến bia rượu. Nhiều chuyên gia y tế và văn hóa cho rằng, văn hóa uống rượu bia ở nước ta đang bị biến tướng và trở thành một thực trạng đáng báo động.

    Trách nhiệm thuộc về ai?

    Chiều ngày mùng 5 Tết, Bộ Y tế báo cáo về tình hình khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, số bệnh nhân khám cấp cứu tai nạn giao thông (bao gồm nhiều mức độ khác nhau) là 40.008 lượt (giảm so với 2014 có 43.569 trường hợp), trong số đó có 317 người tử vong. Con số người chết này tăng 35 người so với kỳ nghỉ Tết năm 2014. Số bệnh nhân khám cấp cứu do tai nạn, đánh nhau là hơn 6.200 trường hợp, trong đó có 15 người tử vong.

    Cao điểm là ngày mùng 1 Tết ghi nhận 800 ca chấn thương vì đánh nhau, 9 người trong số đó đã tử vong. Trong đó, tại Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... là những địa phương có số người phải vào viện do... đánh nhau vì uống rượu bia cao nhất nước.

    Trao đổi với PV Báo Đời sống & Pháp luật, PGS - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hùng, Bệnh viện Việt - Đức cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đến khám bệnh. Trong số đó, có 500 người bị tai nạn giao thông và hơn 200 trường hợp là tai nạn trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, đánh nhau. Trong số bệnh nhân bị tai nạn ngày tết vừa qua, hơn 1/3 số người không đội mũ bảo hiểm và có sử dụng rượu bia.

    Cũng theo PGS - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hùng, năm nay tình hình tai nạn giao thông ít hơn nhưng nặng hơn nhiều, chủ yếu do ý thức của người dân, phóng nhanh vượt ẩu, chở ba, kẹp bốn và có nồng độ cồn trong máu, nhiều vụ không kiềm chế được, dẫn đến đánh nhau.

    Điều khiến hầu hết các y, bác sỹ cảm thấy đau lòng chính là việc, số ca tử vong từ tai nạn, đánh nhau dịp Tết Nguyên đán năm nay tăng mạnh.

    Một thực tế cho thấy, bất chấp những cảnh báo của các chuyên gia, hàng ngày, hàng giờ, nhiều người vẫn lạm dụng rượu, bia trong đời sống. Từ dân thường đến cán bộ, công nhân, viên chức đều có thể uống rượu, bia mọi lúc, mọi nơi để rồi dẫn đến nhiều hệ lụy. Thậm chí, người ta còn lấy việc uống rượu để phân chia đẳng cấp, so sự tài giỏi. Nhà ai có nhiều loại rượu, bia thì được coi là giàu có và... bản lĩnh.

    Theo thông tin từ Công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, vào ngày 20/2 (tức mùng 2 Tết), trong khi ngồi vừa uống rượu, vừa đánh bài, Nguyễn Quang Đạt (SN 1991, ngụ huyện Yên Thủy) và Lê Anh D. (SN 1979, ngụ thị trấn Quốc Oai, Hà Nội) xảy ra mâu thuẫn. Đạt đã dùng dao chém vào đầu anh D. gây thương tích. Không dừng lại, gã trai 9X này còn chạy về nhà bố vợ lấy khẩu súng, dọa bắn nạn nhân và công an xã. Anh D. được đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị thương nặng.

    Hay trước đó, tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra một vụ ẩu đả, gây chết người trong đêm 19/2 (mùng 1 Tết) tại quán bar Zen Club. Trong trạng thái phê rượu, hung thủ Nguyễn Văn Hải Tuệ (20 tuổi, trú xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) đã đâm chết thanh niên 23 tuổi chỉ vì lỡ chạm vào vai gây khó chịu.

    Quá đà ra... nghĩa địa

    Nói về tác hại của bia, rượu đối với việc cấp cứu khi xảy ra tai nạn, trả lời PV Báo Đời sống & Pháp luật, PGS-Thầy thuốc nhân dân, bác sỹ Nguyễn Xuân Hùng cho biết, người uống rượu bị tai nạn giao thông hoặc xích mích, đánh nhau thì vô cùng nguy hiểm. Bởi khi đó, họ không có khả năng phản kháng và chống đỡ lại tác động từ bên ngoài.

    Không những thế, có nồng độ men trong người, các bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng hôn mê sâu, khiến các bác sỹ rất khó kiểm soát được hơi thở của họ. Trong quá trình cấp cứu hoặc sơ cứu, nạn nhân do bị tác động từ rượu, thường nôn ọe dẫn đến thức ăn tràn vào đường thở, có thể dẫn đến chết người.

    Cùng quan điểm, bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần nam và Nghiện chất, viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia khẳng định: Uống nhiều rượu, bia sẽ khiến thần kinh bị kích thích và con người khó có thể làm chủ được suy nghĩ và hành động của bản thân. Thực tế cho thấy, khi bị “ma men” sai khiến, người ta có thể làm những việc mà khi tỉnh, họ không bao giờ dám nghĩ đến. Và từ đó, những vụ tai nạn giao thông, đánh nhau, giết người dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

    “Hiện nay, người Việt đang lạm dụng một cách quá đà văn hóa uống rượu. Nhiều người có thói quen, vui uống, buồn cũng uống. Đám cưới uống để chúc phúc đã đành, người ta còn uống rượu ở đám ma để chia buồn với gia chủ. Thậm chí, có những người uống rượu, bia để giải tỏa và rồi nghiện. Không ít những vụ ngộ độc, đâm chém nhau ngay trên bàn nhậu nhưng cũng không ngăn được người ta uống rượu.

    Từ trước đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều người nghiện rượu. Do bị kích thích thần kinh trong một thời gian dài, không những cơ thể họ bị phá hủy với những chứng bệnh liên quan đến gan, thận, dạ dày... mà còn có triệu chứng ảo giác của bệnh tâm thần. Việc chữa trị cho những trường hợp này rất khó khăn và có thể tồn tại nhiều di chứng”, bác sỹ Dũng dẫn lời.

    Chiều ngày 25/2, Văn phòng Chính phủ đã gửi đến PV Báo Đời sống & Pháp luật bản thông cáo về cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán Ất Mùi. Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Một đất nước hơn 30 người chết mỗi ngày, chúng ta không thể coi đây là chuyện bình thường được”.

    Thủ tướng cho biết, sẽ biểu dương các địa phương trong thời gian qua đã không để xảy ra tai nạn giao thông hoặc giảm mạnh số vụ tai nạn. Đồng thời Chính phủ yêu cầu các địa phương để tai nạn giao thông gia tăng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, với số liệu lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu ngành y tế công bố thì trong dịp Tết đã xảy ra hàng ngàn vụ bạo lực, đánh lộn, gây thương tích trong nhân dân, làm hơn 6.000 người phải nhập viện, trong đó nhiều người đã tử vong, Thủ tướng chỉ đạo phải có giải pháp tổng hợp về vấn đề này. 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kinh-hoang-ruou-bia-doat-hon-nguoi-dip-tet-nguyen-dan-2015-a85457.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan