(ĐSPL) - Mỗi khi vào bệnh viện ngoài sự lo lắng về tiền bạc, người nhà bệnh nhân còn phải đối diện với muôn vàn khó khăn chiêu trò của những kẻ ăn bám xã hội sống bằng nghề lừa đảo.
Để kiếm được những đồng tiền bẩn bọn lừa đảo không từ một thủ đoạn nào, kể cả ăn chặn tiền chở tử thi.
Ăn chặn cả tiền chở tử thi
Như chúng tôi đã đưa tin ở những số báo trước, bọn lừa đảo bệnh viện không từ bất kỳ thủ đoạn nào để vét sạch những đồng tiền cuối cùng kéo dài sự sống của những bệnh nhân đáng thương nhưng cũng đáng giận khi chỉ vì nóng lòng muốn đi lối tắt, muốn người nhà khỏi bệnh nhanh để rồi bị bọn lừa đảo lợi dụng.
Không những chúng tìm mọi cách ăn chặn tiền kéo dài sự sống mà theo tìm hiểu của chúng tôi, bọn lừa đảo bệnh viện còn sử dụng nhiều thủ đoạn bỉ ổi và nhẫn tâm hơn ngay cả với những người không may bị mất người thân sau căn bệnh hiểm nghèo.
Để người thân mau khỏi bệnh, người nhà cần tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ. |
Như trước đây chúng tôi đã đưa tin, thủ đoạn ăn chặn tiền chở xác tử thi về nhà từ nhà xác của bệnh viện cũng được bọn táng tận lương tâm này sử dụng triệt để. Sự việc đau lòng đã xảy ra vào hồi 0h ngày 23/3/2015 tại khu vực cổng ra vào của bệnh viện Việt Đức (số 8 phố Phủ Doãn, phường Hàng Bông, Hà Nội), đã gây ra phẫn nộ cho dư luận. Theo đó, nhóm người này đã nhẫn tâm đòi lái xe phải trả tiền mới cho xe chở thi thể cháu Trần Cao Sang (5 tuổi – bị tai nạn giao thông) cùng người nhà từ bệnh viện Việt Đức về Nghệ An xuất viện.
Khi lái xe là anh N.V.D. – (23 tuổi, Đô Lương, Nghệ An) không chịu trả tiền, ngay lập tức nhóm côn đồ này đã nhảy vào đánh đập, chỉ khi sự việc thu hút sự chú ý của nhiều người, nhóm côn đồ mới bỏ đi khỏi bệnh viện.
Anh D. cho biết, lúc đó khoảng 17h, chiếc xe cứu thương từ bệnh viện Nhi (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) lên tới bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Sau khi được các bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi nên đến hơn 19h cháu Trần Cao Sang đã tử vong. Gia đình cháu Sang đã lập tức lo các thủ tục để đưa cháu về quê chôn cất. Nhưng xe cứu thương vừa ra khỏi cổng bệnh viện thì gặp sự việc phẫn nộ trên.
Ngay sau sự việc xảy ra, các đối tượng liên quan đến vụ hành hung anh D. được làm rõ là: Trần Quốc Hiệp (SN 1979, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội); Nguyễn Văn Tùng (1981, Thủy Nguyên, Hải Phòng); Cù Chí Quang (tức Tuấn, SN 1977, Đống Đa, Hà Nội). Cơ quan đã vào cuộc làm rõ hành vi của các đối tượng trên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sự việc ngày 23/3 chỉ là một sự việc điển hình cho thủ đoạn ăn chặn tiền chở tử thi của các đối tượng côn đồ sống ngoài bệnh viện Việt Đức. Theo một số người dân xung quanh và một số người nhà bệnh nhân cho biết, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là móc ngoặc với một số đối tượng xấu cho xe chở tử thi ra khỏi bệnh viện, sau đó vờ chết máy để bắt người nhà bệnh nhân phải chuyển xe, khi đó chúng sẽ hét giá trên trời và nếu không đồng ý, bọn chúng sẵn sàng nhẫn tâm vứt tử thi ven đường mặc cho người nhà người tử nạn khóc than van xin đủ đường. Chính vì thủ đoạn này đã tái diễn quá nhiều lần nên sự phản kháng của tài xế người Nghệ An đã bị chúng đánh dằn mặt vì không hiểu “luật rừng” do chúng đặt ra.
Trao đổi với chúng tôi, một bảo vệ tại bệnh viện Việt Đức đã thừa nhận thủ đoạn mà bọn chúng sử dụng để ăn chặn tiền thuê xe chở tử thi là có thật, tuy nhiên việc này xảy ra ngoài phạm vi bệnh viện nên lực lượng làm bảo vệ ở khu vực này không thể can thiệp và cũng khó có biện pháp nào có thể ngăn chặn được.
Không nghe lời kẻ xấu
Mỗi người dân quê ra Hà Nội về các bệnh viện Trung ương ngoài nỗi lo về bệnh tình là nỗi lo về tiền bạc. Khi đưa người nhà vào viện là phải vay giật, vay nóng, anh em họ hàng, bán lợn, bán thóc gom góp được mấy đồng dồn cả để đưa người đi viện nhưng mới chân ướt chân ráo, còn chưa lo xong thủ tục để người nhà nhập viện lại phải canh cánh lo bọn lừa đảo lấy mất tiền.
Bọn lừa đảo thì không từ bất kỳ một thủ đoạn nào, không cần biết những người ốm đã khánh kiệt vì bệnh tật, chúng chỉ cần có tiền. Bất kể ban đêm hay ban ngày, bất kể trong phòng bệnh hay ở cầu thang máy, kiểu gì bọn tội phạm cũng tìm cách móc được tiền của người bệnh. Đã thế lại còn đám cò mồi lại vây ve chèo kéo khiến người bệnh nhiều khi toát cả mồ hôi không biết đường nào mà lần.
Bọn tội phạm thường lợi dụng đêm tối để lừa đảo (Ảnh minh họa). |
Thấu hiểu sự vất vả đó, quy chế phối hợp đảm bảo ANTT giữa CATP. Hà Nội, sở Y tế Hà Nội và các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô và đặc biệt là từ khi triển khai các chốt Cảnh sát Bảo vệ (CSBV) tại 9 bệnh viện lớn trên địa bàn TP. Hà Nội, đã được triển khai. Sự phối hợp này đã dẹp đáng kể những hành vi “chướng tai gai mắt”.
Có thể thấy, cùng với lực lượng Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát trật tự và công an các quận, huyện, việc tăng cường các chốt trực của phòng Cảnh sát Bảo vệ cũng như phòng Cảnh sát Giao thông tại 9 bệnh viện đã đem lại hiệu quả thiết thực, được người dân ghi nhận và đánh giá cao.
Bọn lừa đảo đã không dám công khai chèo kéo, bọn trộm cắp móc túi được dẹp loạn. Tuy nhiên, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng lừa đảo lại ngày càng tinh vi hơn, chúng tìm cách len lỏi vào đám đông, giả làm người nhà bệnh viện, giả đồng cảm với hoàn cảnh gia đình và chúng “đóng vai” “thiên thần áo trắng” để lừa đảo.
Xem thêm video: Côn đồ chặn xác chết tại bệnh viện: Lời kể nhân chứng.
Sự nhẹ dạ, cả tin và tâm lý muốn đi “lối tắt” đã làm cho bọn tội phạm tiếp tục lợi dụng để hoạt động phạm pháp. Và để đảm bảo an toàn cho chính bản thân, hơn hết người dân phải tự ý thức bảo quản tài sản và kiên trì, tin tưởng vào trình độ, y đức của các bác sĩ để không bị những kẻ gian lợi dụng kẻo tiền mất tật mang.
Để tránh bị các đối tượng lợi dụng người dân cần nhận thức rõ ràng rằng không một cơ quan bệnh viện nào cho phép các bác sỹ, nhân viên y tế của mình làm những việc như vậy cả. Đối với các bác sỹ tại bệnh viện không có bác sỹ nào lại làm tiền một cách trắng trợn như vậy. Nếu gặp các đối tượng có dấu hiệu khả nghi và gợi ý làm tiền, người nhà bệnh nhân có thể phối hợp cùng lực lượng bảo vệ sở tại để kết hợp tóm gọn đối tượng.
Bằng các phương tiện sẵn có trong tay như điện thoại có chức năng ghi âm, chụp ảnh dùng để lưu lại hình ảnh đối tượng đồng thời hỏi rõ nguồn gốc lý lịch của đối tượng gợi ý làm tiền, lấy đó làm cơ sở để kết hợp các cơ quan chức năng tiến hành tóm gọn đối tượng. Người nhà bệnh nhân nên hợp tác bởi nếu đối tượng không lừa được người này chúng sẽ lừa người khác.
Và cũng từ những cảnh báo của chúng tôi trên những số báo trước, nhiều người nhà bệnh nhân đã có ý thức nâng cao cảnh giác hơn. Anh Nguyễn Văn Long (Yên Bình, Yên Bái) - người nhà bệnh nhân cho đã cho chúng tôi biết: “Từ khi vào đây tôi cũng rất cảnh giác việc giả danh bác sỹ, y tá vào cò mồi, lấy tiền để làm thủ tục viện nhanh. Nhưng tôi đề phòng và làm việc với các bác sỹ tại phòng khám của bệnh viện, không nghe những người tìm vào phòng bệnh để trao đổi, cò mồi. Chúng tôi cảnh giác và không làm việc với những người như thế”.
Cần tự bảo vệ mình và tuân thủ theo quy định của bệnh viện
Trung tá Nguyễn Văn Đình - Đại đội trưởng đại đội 1, phòng Cảnh sát bảo vệ Công an TP.Hà Nội cho rằng: Trước tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp như hiện nay thì chúng tôi cũng khuyến cáo người nhà bệnh nhân nên vào phòng xếp sổ lấy số để đi làm thủ tục, nên có ý thức bảo quản đồ của mình, không để kẻ gian lợi dụng và nên cảnh giác đối với những trường hợp bảo khám nhanh, mổ nhanh mà nên làm theo hướng dẫn của bác sỹ để đảm bảo an toàn cho mình.
TRẦN PHƯƠNG
Xem thêm video:
[mecloud]dtO10tPD0H[/mecloud]