(ĐSPL) - Các hoạt động khủng bố không chỉ gây thiệt hại về người mà các chuyên gia còn lo ngại nguy cơ khủng bố khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao.
Những tác động từ vụ tấn công khủng bố lên nền kinh tế Pháp
Báo Tuổi trẻ dẫn tin từ Eturbonews, du lịch Pháp, Mỹ và một số nước châu Âu bị ảnh hưởng sau vụ tấn công đẫm máu ở Paris đêm 13/11. Các chuyên gia lo ngại nguy cơ khủng bố khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao.
Sau vụ tấn công 13/11 tỷ lệ đặt phòng khách sạn và tour du lịch đến Paris sụt giảm tới 101\% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng du khách hủy đi Paris chủ yếu đến từ các nước Mỹ, Tây Ban Nha và đặc biệt là Trung Quốc.
Ước tính doanh số của các khách sạn tại Paris sụt 50\% trong tuần lễ sau vụ khủng bố 13-11. Phòng Thương mại và công nghiệp Paris cho biết các khách sạn hạng sang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cuộc sống về đêm của Paris cũng trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.
Doanh số bán vé của 20 điểm du lịch lớn nhất trong thành phố giảm tới 80\%, theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất Pháp Prodiss. Doanh số bán lẻ cũng sa sút trầm trọng. Tập đoàn siêu thị Galaries Lafayette cho biết số khách hàn đến cửa hàng trung tâm của hãng ở Paris giảm 50\%.
Lượng khách đến các siêu thị ở ngoại ô Paris cũng giảm 10-15\%. Tình trạng ảm đạm tương tự cũng xảy ra ở các nhà hàng khắp Paris. “Nền kinh tế Pháp trước đó đã lao đao rồi. Và các vụ tấn công khủng bố đang đánh mạnh vào ngành dịch vụ” - báo Wall Street Journal dẫn lời nhà kinh tế Jack Kennedy của hãng nghiên cứu Markit.
Du lịch chiếm tới 7\% GDP Pháp. Mỗi năm nước Pháp thu hút 83 triệu du khách, và các du khách này tiêu 45,3 tỷ USD tại Pháp năm 2013, theo ước tính của Bộ Ngoại giao Pháp. Các nhà phân tích dự báo ảnh hưởng từ vụ 13-11 có thể khiến nền kinh tế Pháp thiệt hại hàng trăm tỷ USD.
Không chỉ có ngành du lịch Pháp lao đao. Ở Brussels lượng du khách cũng giảm đi đáng kể do nhà chức trách ban bố tình trạng báo động an ninh cấp cao nhất. Ngành du lịch ở London, thủ đô Anh, cũng bị ảnh hưởng mạnh.
Tuy nhiên các chuyên gia cho biết việc Bộ Ngoại giao Mỹ ra cảnh báo đi lại toàn cầu vì nguy cơ tấn công khủng bố là cú đòn mạnh nhất giáng vào ngành du lịch toàn cầu.
CNN cho biết việc Bộ Ngoại giao Mỹ ra quyết định này đúng vào thời điểm hàng triệu người dân Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch du lịch dịp lễ Tạ ơn và sắp tới là lễ Giáng sinh đã khiến nhiều người quyết định ở nhà.
Các chuyên gia lo ngại nguy cơ khủng bố khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao. (Nguồn: AFP) |
Kinh tế thế giới thiệt hại 53 tỷ USD vì khủng bố trong năm 2014
Báo Dân trí cũng dẫn tin, theo báo cáo mới nhất về Chỉ số Khủng bố Toàn cầu do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) vừa công bố: Trong năm 2014, các hoạt động khủng bố đã gây thiệt hại 52,9 tỷ USD cho toàn thế giới – gần bằng tổng thu nhập GDP hàng năm của Bungary. Riêng vụ khủng bố 11/9/2001 đã để lại thiệt hại 51,51 tỷ USD.
Viện IEP bắt đầu thu thập dữ liệu về khủng bố toàn cầu từ năm 1997.
Để tính thiệt hại do khủng bố gây ra, IEP sử dụng dữ liệu về thiệt hại tài sản và thiệt hại về thương vong đối với con người như chi phí chăm sóc y tế và tổn thất về thu nhập. Chi phí này chưa bao gồm nguồn chi cho các lực lượng an ninh tăng cường, phí bảo hiểm hay tắc nghẽn giao thông đô thị do ảnh hưởng sau một vụ tấn công.
Theo nhận định, vụ tấn công khủng bố hàng loạt hôm 13/11 vừa qua tại thủ đô Paris của Pháp được coi là vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất châu Âu trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, báo cáo này chưa bao gồm thiệt hại từ vụ khủng bố này và con số thống kê sẽ được bổ sung vào báo cáo năm tới.
Cơ quan này dự báo, những hậu quả kinh tế từ cuộc tấn công khủng bố này sẽ tác động đến cả Liên minh châu Âu.
“Sẽ có báo cáo thiệt hại trong quý này đối với GDP của nước pháp vì sẽ là không đầy đủ nếu thống kê thiệt hại chỉ trong vào 48 giờ, mà cần theo dõi những ảnh hưởng sau này của vụ tấn công khủng bố,” ông Steve Killelea, Chủ tịch IEP nói.
Nhà nước Hồi giáo IS đã nhận trách nhiệm trong các vụ tấn công khủng bố từ đầu năm 2015 đến nay bao gồm vụ việc ở Paris, Beirut và vụ rơi máy bay Nga ở Ai Cập. IS đã vượt qua Taliban ở Afghanistan và trở thành nhóm khủng bố làm chết nhiều người nhất – cướp đi hơn 20.000 mạng người vào năm 2014, báo cáo cho biết. Tổng thống Pháp Francois Hollande gọi IS là “nhóm khủng bố lớn nhất trong lịch sử thế giới”.
Khủng bố gây ra thiệt hại về người và tài sản nhiều nhất ở các thị trường mới nổi vì ở những nơi này các nhóm người cực đoan có thể tận dụng các kẽ hở luật pháp do sự thất bại hoặc yếu kém của lực lượng cầm quyền. Trên bình diện khu vực, Trung Đông và Bắc Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất với tổng số 13.426 người chết vì khủng bố trong năm 2014.
AN NHIÊN (Tổng hợp)