CNN dẫn thông tin từ tuyên bố của Lực lượng Không quân Mỹ ngày 12/12 (giờ địa phương), đơn vị này đã thực hiện cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên đối với tên lửa siêu thanh hoàn chỉnh phóng từ trên không.
Cụ thể, Không quân Mỹ đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm AGM-183 ngoài khơi bờ biển California, loại vũ khí có thể tấn công mục tiêu sau khi đạt tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh.
Thông báo của Không quân Mỹ có đoạn: "Máy bay ném bom B-52H đã phóng thành công tên lửa AGM-183A ở ngoài khơi bờ biển California vào cuối tuần trước. Đây là lần thử nghiệm đầu tiên mà nguyên mẫu đầy đủ tính năng của tên lửa được khai hỏa".
AGM-183 hay Vũ khí Phản ứng nhanh Phóng từ Máy bay (ARRW), là tên lửa tăng tốc, đồng nghĩa với việc sử dụng tên lửa đẩy để tăng tốc đầu đạn lên tốc độ siêu âm. Sau đó, một phương tiện trượt sẽ tách khỏi bộ tăng áp và sử dụng quán tính để di chuyển đến mục tiêu với tốc độ siêu âm.
Đây là thử nghiệm đầu tiên của Không quân Mỹ, được gọi là thử nghiệm "Toàn diện". Khác với hai cuộc thử nghiệm trên không trước đây khi chỉ hệ thống đẩy của tên lửa đạt tốc độ siêu vượt âm, cuộc thử nghiệm mới nhất được tiến hành với một nguyên mẫu đầy đủ có đầu đạn tấn công mục tiêu sau khi đạt tốc độ siêu vượt âm.
Theo CNN, Lầu Năm Góc đã tăng cường chú trọng vào việc thử nghiệm và phát triển vũ khí siêu thanh, đặc biệt khi Trung Quốc và Nga đã cho thấy những tiến bộ trong các chương trình vũ khí của riêng họ.
Nga đã triển khai tên lửa siêu vượt âm Kinzhal ở Ukraine, đánh dấu lần đầu tiên loại vũ khí này được sử dụng trong chiến tranh. Trong cuộc thử nghiệm năm 2021, một tên lửa siêu vượt âm của Trung Quốc đã bay vòng quanh thế giới trước khi bắn trúng mục tiêu.
Vũ khí siêu vượt âm di chuyển với tốc độ lớn hơn gấp 5 lần tốc độ âm thanh, khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn kịp thời. Các tên lửa cũng có thể cơ động và thay đổi độ cao, cho phép chúng tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại.
Khi các siêu cường khác trên thế giới đẩy mạnh phát triển vũ khí siêu vượt âm của họ, Mỹ nhận thấy mình ngày càng tụt lại phía sau do thất bại trong các cuộc thử nghiệm.
Bích Thảo(Theo CNN)