(ĐSPL) - Hiện tại, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) quy định, trong hoạt động tố tụng hình sự, nếu người thi hành công vụ có lỗi vô ý thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa qua, ĐBQH Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng: Luật TNBTCNN được ban hành để xác định rõ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại, góp phần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho người bị thiệt hại thực hiện quyền công dân về yêu cầu được bồi thường.
Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phát biểu tại nghị trường, từ khi Luật TNBTCNN có hiệu lực (tháng1/2010) đến nay, số tiền hoàn trả từ người thi hành công vụ có hành vi sai trái tương đối "nhỏ giọt".
Bà Bùi Thị An. |
Theo Đại biểu Bùi Thị An, thực tế đó cho thấy, sự "nhờn luật" của một số người thi hành công vụ và chế tài không đủ sức răn đe. "Khi cá nhân, tổ chức làm sai phải quy rõ trách nhiệm người đứng đầu. Người đứng đầu phải hiểu rõ luật và làm sai thì phải nhận trách nhiệm, từ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý", bà An nói.
Hiện tại, Luật TNBTCNN quy định, trong hoạt động tố tụng hình sự, nếu người thi hành công vụ có lỗi vô ý thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.
Nhận định về điều này, Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, người thi hành công vụ làm sai và gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm dù đó là lỗi cố ý hay vô ý. Ví dụ như việc gây ra tai nạn giao thông, là lỗi vô ý nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự là bồi thường cho người thiệt hại. Lỗi vô ý là do anh cẩu thả, làm không hết trách nhiệm của mình để xảy ra thiệt hại khiến Nhà nước phải bồi thường.
Cần có quy định, dù là lỗi vô ý hay cố ý thì người thi hành công vụ vẫn phải chịu trách nhiệm, như vậy mới nâng cao được tinh thần trách nhiệm đối với người thi hành công vụ. Tuy nhiên, lỗi cố ý hay vô ý sẽ có chế tài, mức độ xử lý khác nhau.
Việc xác định lỗi vô ý không phải hoàn trả, Nhà nước gánh chịu thì việc ban hành luật đó chỉ mang tính hình thức. Đại biểu An thẳng thắn: "Tôi thấy quy định nêu trên là chưa phù hợp, luật chưa sát thực tế, là kẽ hở để bao che cho công chức làm sai, chỉ cần xác định lỗi vô ý... là xong. Đã làm sai phải bồi thường, luật không nên quy định lỗi vô ý không phải chịu trách nhiệm hoàn trả mà công chức gây thiệt hại, oan phải bồi thường tùy theo mức độ sai phạm của mình. Có như vậy mới nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức, tránh lạm quyền, ỷ lại làm qua loa gây thiệt hại, sẽ giảm được nhiều vụ án oan và hạn chế được việc cố ý làm oan cho người khác mà chỉ nhận là... vô ý".