(ĐSPL) - Việc tử tù Hồ Duy Hải được tạm hoãn thi hành án tử vào "phút 89"; Hàn Đức Long - người từng 4 lần nhận bản án cao nhất được tuyên hủy án và điều tra lại từ đầu làm không ít người ái ngại.
Lúc này chưa thể khẳng định Hải, Long có bị oan hay không. Nhưng, dư luận đặt giả thuyết, nếu giả sử Hồ Duy Hải và Hàn Đức Long bị oan, trách nhiệm bồi thường của những cán bộ vi phạm sẽ xử lý ra sao? Trong bối cảnh ông Nguyễn Thanh Chấn - người từng bị gần 4.000 ngày hàm oan, vẫn đang phải dai dẳng đấu tranh để đòi quyền bồi thường chính đáng mà chưa có kết quả cuối cùng.
Lâu nay câu chuyện bồi thường, hay trách nhiệm cá nhân trong những vụ án oan sai vẫn là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. PV báo Đời sống và Pháp luật đã trao đổi với nhiều chuyên gia pháp lý để nhận diện vai trò cá nhân và trách nhiệm cá nhân trong vấn đề này.
Ông Nguyễn Thanh Chấn bị đi tù oan. |
Ai sẽ phân định lỗi cố ý hay vô ý?
Cách đây ít lâu, dư luận cả nước xôn xao trước sự việc công an tỉnh Hải Dương bắt giữ 2 tấn bạch tuộc của bà con ngư dân huyện Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh) và để lô hàng này bị hư hại. Ngư dân Cần Giờ đã kiện đòi bồi thường 2 tấn bạch tuộc. Cuối cùng, Công an tỉnh Hải Dương nhận ra việc bắt sai, đã phải bồi thường cho ngư dân Cần Giờ 650 triệu đồng.
Lần đó, đại diện Công an tỉnh Hải Dương cho biết, trước mắt công an tỉnh sẽ tạm ứng số tiền này. Sau khi làm rõ trách nhiệm của các cán bộ công an ở Phòng Cảnh sát môi trường tham gia bắt giữ lô hàng nói trên, sẽ quy trách nhiệm cụ thể từng cá nhân và những người làm sai phải bỏ tiền túi hoàn trả số tiền này. "Chắc chắn sẽ không có chuyện, chúng tôi bỏ ngân sách ra để đền bù. Trong các Nghị định, Thông tư về việc đền bù thì trường hợp này sẽ không trích ngân sách. Cán bộ công an ăn lương của Nhà nước, làm sai thì phải chịu, gây thiệt hại cho dân thì phải đền bù. Sau khi làm rõ, cán bộ nào làm sai đến đâu sẽ bị xử lý đến đấy, ai làm sai phải tự bỏ tiền túi đền bù cho người dân", đại diện Công an tỉnh Hải Dương cho biết.
Việc làm của Công an tỉnh Hải Dương khi đó được dư luận đặc biệt hoan nghênh về cách hành xử quyết liệt của cơ quan công quyền. Nó không chỉ là tin vui cho bà con ở Cần Giờ, mà còn là tin vui cho nhân dân nói chung, đặc biệt là cho ngân sách Nhà nước. Từ lâu nay ở các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án... đã để xảy ra không ít vụ án oan. Có người dân phải đội đơn đi kêu oan hàng hai ba chục năm mới được xem xét. Khi xét thấy oan rồi, việc lấy tiền đâu để bồi thường cho dân cũng là vấn đề nảy sinh nhiều mắc mớ. Có người đòi bồi thường đến hàng trăm tỉ đồng nhưng đa số tiền bồi thường lại do ngân sách Nhà nước chi trả. Vậy thì trách nhiệm của cá nhân để xảy ra oan, sai ở đâu?
Đại diện Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) từng cho biết, nếu cơ quan chức năng không xác định được lỗi cố ý thì công chức gây thiệt hại không phải hoàn trả. Luật quy định là thế nhưng trên thực tế, việc chứng minh lỗi cố ý hay vô ý trong vụ án nói chung, đặc biệt trong khi công chức thi hành công vụ nói riêng là khó phân định rạch ròi. Câu chuyện đặt ra, tiền bồi thường sẽ do Nhà nước bỏ ra nhưng trách nhiệm cá nhân thì sao? Không loại trừ khả năng, chính những cá nhân vi phạm đang cố tình "núp bóng" tập thể để "phủi" trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường(?!).
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về thực tế này, ông Ngụy Thế Hùng (cán bộ Văn phòng VKSND Tối cao) cho rằng, lỗi trong trách nhiệm dân sự đã được quy định tại Điều 308, Bộ luật Dân sự 2005. Theo đó, người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, cần phải phân biệt giữa lỗi vô ý trong hành chính và lỗi vô ý của người tiến hành tố tụng trong khi thực thi công vụ.
Theo ông Hùng, lỗi khách quan, theo quy định của luật, do Nhà nước chi trả 100\%. Còn lỗi do chủ quan của người tiến hành tố tụng, phải xác định rõ. Cơ quan bồi thường Nhà nước phải tính toán trên cơ sở lỗi của từng người theo quy định nghĩa vụ bồi thường của công chức, viên chức. Chính vì khó phân định rạch ròi giữa lỗi vô ý và cố ý, do đó, cơ quan bồi thường Nhà nước cần phải hướng dẫn rõ hơn nếu là lỗi chủ quan. "Mặc dù việc này là khó khăn và phức tạp, nhưng khó cũng phải làm, phải quy trách nhiệm cho từng cá nhân cụ thể. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, người gây ra lỗi cố ý phải chịu thêm hình thức kỷ luật khác", ông Hùng nói.
Vị cán bộ thuộc VKSND Tối cao đánh giá, trên thực tế một số vụ án khó phân định trách nhiệm, phải tranh luận nhiều trong cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến việc bồi thường bị kéo dài. Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Bộ Tài chính cấp kinh phí ngay. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, thiệt hại về vật chất dễ tính còn thiệt hại về tinh thần không thể tính được. Điều này, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, cân nhắc và là trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân. Về kinh phí, ai cũng hiểu, trích từ ngân sách mà ngân sách là tiền nhân dân đóng thuế.
Ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp): Cần sửa luật theo hướng tăng mức tiền hoàn trả cao hơn
Nhận định về hiện tượng trên, ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) khẳng định: "Trách nhiệm bồi thường Nhà nước là một sự tiến bộ của Nhà nước pháp quyền. Vấn đề đặt ra là cá nhân gây ra hậu quả (có lỗi) thì trách nhiệm bồi thường sẽ như thế nào?".
Ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước. |
Theo ông Hưng, khoản 2, Điều 56, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) quy định: "Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại quy định tại Điều 26 của luật này không phải chịu trách nhiệm hoàn trả". Như vậy, chỉ những điều tra viên, kiểm sát viên được giao nhiệm vụ điều tra, truy tố và thẩm phán chủ tọa phiên toà trong hoạt động tố tụng hình sự, nếu có hành vi cố ý gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì phải thực hiện trách nhiệm hoàn trả.
Luật quy định việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của công chức chỉ được thực hiện sau khi đã thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại. Tuy nhiên, theo ông Hưng, thực tiễn những năm qua cho thấy, thời gian từ sau khi vụ việc bồi thường giải quyết xong, làm hồ sơ đề nghị và được cấp kinh phí, để chi trả cho người bị thiệt hại thường kéo dài hơn so với quy định.
Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước dẫn chứng ví dụ về trường hợp của ông Lương Ngọc Phi ở tỉnh Thái Bình. Ông Phi yêu cầu TAND tỉnh Thái Bình bồi thường 21,4 tỉ đồng, bản án đã có hiệu lực pháp luật từ tháng 9/2013. Tuy nhiên, đến nay, ông Phi chưa nhận được tiền bồi thường, đồng nghĩa với việc chưa thể xem xét trách nhiệm hoàn trả của các công chức liên quan đến việc điều tra, truy tố, xét xử oan cho ông Phi từ năm 1999. "Ở đây, cần phân biệt lỗi vô ý trong hành chính và lỗi vô ý trong hình sự, nếu là lỗi vô ý trong hành chính thì người thực thi vẫn phải bồi thường. Nhưng lỗi vô ý trong hoạt động tố tụng hình sự thì không phải bồi thường", ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, Luật TNBTCNN quy định, cơ quan quản lý công chức có hành vi trái pháp luật có trách nhiệm xem xét và xác định lỗi của công chức và xác định mức hoàn trả. Tuy nhiên, điều này cũng là một lý do làm cho việc xem xét trách nhiệm hoàn trả chưa thật sự "chuẩn chỉ" theo quy định. Bên cạnh đó, cũng có thể do nể nang vì là cấp dưới, cùng cơ quan và nhiều lý do khác... "Theo tôi, luật còn nhiều bất cập, bất cập về mức hoàn trả, về hoàn tất hồ sơ. Do đó, để bù đắp một phần kinh phí Nhà nước đã chi trả tiền bồi thường, cũng như mang tính răn đe đối với người thi hành công vụ là cần sửa Luật theo hướng tăng mức tiền hoàn trả cao hơn so với quy định hiện nay bởi nó đang được cho là quá thấp so với số tiền Nhà nước đã chi trả bồi thường", đại diện cục Bồi thường Nhà nước nhấn mạnh.
Bồi thường hơn 1 tỉ đồng, công chức hoàn trả... hơn 6 triệu đồng Năm 1996, bà Lê Thị Kim Thanh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) bị TAND tỉnh Ninh Thuận xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời điểm đó, chấp hành viên của Phòng Thi hành án Dân sự tỉnh Ninh Thuận (nay là Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận) đã tổ chức cưỡng chế, kê biên tài sản của bà Thanh để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, quá trình cưỡng chế kê biên tài sản có một số sai sót về mặt thủ tục. Sau khi ra tù, bà Thanh tiếp tục làm đơn khiếu nại. Năm 2011, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Ninh Thuận đã bồi thường cho bà Thanh số tiền 1,071 tỉ đồng. Thế nhưng, khi xem xét trách nhiệm của chấp hành viên, do người này đã về hưu, vợ bệnh tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... nên hội đồng quyết định chấp hành viên phải hoàn trả một tháng lương là hơn 6 triệu đồng. TAND Tối cao là cơ quan "ngốn" tiền bồi thường lớn nhất Cũng theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là 8,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới chỉ tiếp nhận, giải quyết 20 hồ sơ đề nghị cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường với tổng số tiền cấp phát là 6,9 tỉ đồng. TAND Tối cao là cơ quan "ngốn" tiền bồi thường lớn nhất, với con số 3,4 tỉ đồng. Vụ việc được giải quyết với số tiền bồi thường lớn nhất thuộc cơ quan thi hành án dân sự (xấp xỉ 1,2 tỉ đồng). Tuy nhiên, vụ việc này, cơ quan thi hành án chưa thực hiện chi trả do bản án có kháng nghị, phải tạm đình chỉ thi hành án để chờ kết quả xét xử. |