+Aa-
    Zalo

    Không phải lãi suất, đây mới là yếu tố giúp Capitaland Tower phát hành thành công 12.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp

    (ĐS&PL) - Mặc dù lãi suất chỉ 1%/năm, Capitaland Tower vẫn huy động thành công 12.000 tỷ đồng từ trái phiếu doanh nghiệp.

    Lãi suất trái phiếu chỉ 1%/năm

    Thông tin từ tạp chí Doanh nhân Việt Nam, ngày 1/8, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin từ Capitaland Tower về việc phát hành thành công toàn bộ 25.000 trái phiếu doanh nghiệp thuộc lô mã CPLCB2328001, kỳ hạn 60 tháng.

    Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng. Như vậy, Capitaland Tower huy động vốn thành công 2.500 tỷ đồng.

    vi sao 12000 ty dong trai phieu doanh nghiep cua capitaland tower van thu hut nha dau tu du lai suat thap1
    4 lô trái phiếu mà Capitaland Tower vừa huy động chỉ có lãi suất cố định 1%/năm. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

    Ngày 3/8, Capitaland Tower tiếp tục thông báo phát hành thành công 25.000 trái phiếu thuộc lô mã CPLCB2328002, mệnh giá 100 triệu đồng/ trái phiếu tương ứng giá trị phát hành 2.500 tỷ đồng. 

    Đến ngày 14/8, Capitaland Tower thông báo tiếp tục phát hành thành công toàn bộ 48.305 trái phiếu thuộc lô mã CPLCB2328003 và 24.093 trái phiếu thuộc lô mã CPLCB2328004, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu tương đương giá trị phát hành cả 2 lô gần 7.240 tỷ đồng.

    Cả 4 lô trái phiếu Capitaland Tower vừa phát hành thành công trong nửa tháng qua đều được bắt đầu phát hành ngày 25/7/2023, có kỳ hạn 60 tháng (tương ứng đáo hạn vào ngày 25/7/2028). Tổ chức lưu ký là Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương Việt Nam (TCBS). Tổng giá trị 4 lô trái phiếu lên tới gần 12.240 tỷ đồng.

    Đáng chú ý, lãi suất các lô trái phiếu này rất thấp. Cụ thể lãi suất cố định chỉ 1%/năm. Nguyên nhân lãi suất thấp là do nội dung về quyền góp vốn theo điều khoản phát hành.

    Theo đó, ngoài phần lãi suất được hưởng, người sở hữu trái phiếu có quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ số tiền tương ứng với gốc và lãi chưa được thanh toán liên quan đến trái phiếu thuộc sở hữu của người sở hữu trái phiếu để góp vào vốn điều lệ của tổ chức phát hành (quyền góp vốn). Sau khi thực hiện quyền góp vốn, người sở hữu trái phiếu sẽ trở thành thành viên góp vốn của tổ chức phát hành.

    Theo tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, trước đó, ngày 21/7, TCBS đã công bố nghị quyết HĐQT, phê duyệt việc đầu tư kinh doanh trái phiếu kèm quyền góp vốn vào tổ chức phát hành do Công ty TNHH Capitaland Tower dự kiến phát hành trong quý III/2023, với hạn mức kinh doanh thường xuyên tối đa là 7.300 tỷ đồng, trong đó hạn mức đầu tư đối với mỗi mã trái phiếu không vượt quá 2.500 tỷ đồng.

    TCBS sẽ phải đảm bảo các nguyên tắc đầu tư trái phiếu, trong đó tại mọi thời điểm tổng quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp của công ty chứng khoán này không vượt quá 70% vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

    Tuy nhiên, lãi suất của 2 lô trái phiếu Capitaland Tower phát hành không phải là mức lãi suất phát hành thấp nhất trong năm 2023. Trước đó, ngày 16/3/2023, 1 pháp nhân cùng nhóm của Capitaland Tower là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên đã phát hành thành thành công 2 mã trái phiếu HIDCB2324001 và HIDCB2324002 với giá trị lần lượt là 4.450 tỷ đồng và 2.750 tỷ đồng. Theo thông tin trên HNX, cả 2 lô trái phiếu đều có lãi suất 0%/năm, đáo hạn vào ngày 16/3/2024.

    Tiềm lực Capitaland Tower ra sao?

    Theo tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, Công ty TNHH Capitaland Tower (Capitaland Tower) được thành lập ngày 4/4/2016, tiền thân là Công ty TNHH Tư vấn và quản lý bất động sản Capitaland Việt Nam.

    Ban đầu, doanh nghiệp này có quy mô vốn điều lệ ở mức 4,48 tỷ đồng (tương đương 200.000 USD) do CVH Cayman Holdings Limited sở hữu 100% vốn. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Lim Hua Tiong (SN 1975) – khi đó là Tổng giám đốc Capitaland Việt Nam.

    Sau 1 năm hoạt động, ngày 27/3/2017, Capitaland Tower đã tăng vốn ban đầu lên 2.070 tỷ đồng (tương đương 90 triệu USD).

    Ngày 6/10/2017, Capitaland Tower cũng được UBND TP.HCM cấp quyết định chủ trương đầu tư số 5281/QĐ-UBND chấp thuận đầu tư dự án công trình tòa nhà văn phòng, thương mại - dịch vụ Khu phức hợp Sài Gòn-Ba Son, quy mô 6.042,0 m2.

    Song sau đó, tháng 2/2018, Capitaland Tower có sự thay đổi người đại diện phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài từ Chen Liang Pang sang Chiu Bing Keung Kenneth (SN 1967) và vị trí Tổng Giám đốc cũng được giao cho ông Lê Đức Phong (SN 1972) và công ty đó cũng chuyển địa chỉ kinh doanh chính về 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

    vi sao 12000 ty dong trai phieu doanh nghiep cua capitaland tower van thu hut nha dau tu du lai suat thap2
    Dự án The Sun Tower Bason.

    Đầu năm 2019, chủ sở hữu mới chính thức được công bố trên giấy tờ của Capitaland Tower là CLV Investment 6 Limited với 98% cổ phần. Chủ tịch HĐQT được xác định là ông Chiu Bing Keung Kenneth. Ông Chiu Bing Keung Kenneth cũng là Thành viên HĐQT của CTCP Phát triển Bất động sản Alpha King (Alpha King).

    Được biết, Capitaland Tower là chủ đầu tư dự án công trình tòa nhà văn phòng, thương mại - dịch vụ Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son (được biết với tên thương mại The Sun Tower Bason hay Landmark 60) với quy mô 6.042,0 m2.

    The Sun Tower Bason tọa lạc tại 2 góc mặt tiền đẹp nhất khu đô thị Ba Son, vị trí kết nối với nhà ga Ba Son của tuyến Metro Số 1. Được mệnh danh là khu đất kim cương duy nhất của quận 1 giáp sông Sài Gòn dài hơn 1 km và 2 mặt tiền đường lớn là Tôn Đức Thắng cùng Nguyễn Hữu Cảnh.

    Dự án The Sun Tower Bason với kết cấu 5 tầng hầm và 55 tầng cao với điểm nhấn là 1 khối vườn treo từ tầng 35 đến tầng 43.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-phai-lai-suat-day-moi-la-yeu-to-giup-capitaland-tower-phat-hanh-thanh-cong-12000-ty-dong-trai-phieu-doanh-nghiep-a587304.html
    172.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán: Vì đâu nên nỗi?

    172.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán: Vì đâu nên nỗi?

    Tính đến ngày 26/7, có khoảng 65 doanh nghiệp chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp, ước tính khoảng 172.000 tỷ đồng. Điểm qua báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp trong danh sách này có thể thấy nhiều điểm chung như đòn bẩy nợ rất cao, trong khi dòng tiền không được tập trung đầu tư vào tài sản sinh lời.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    172.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán: Vì đâu nên nỗi?

    172.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán: Vì đâu nên nỗi?

    Tính đến ngày 26/7, có khoảng 65 doanh nghiệp chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp, ước tính khoảng 172.000 tỷ đồng. Điểm qua báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp trong danh sách này có thể thấy nhiều điểm chung như đòn bẩy nợ rất cao, trong khi dòng tiền không được tập trung đầu tư vào tài sản sinh lời.