Hiện tại, bàn chải đánh răng là một trong những vật dụng vệ sinh cá nhân không thể thiếu của mỗi người, giúp làm sạch răng miệng, ngăn ngừa sâu răng. Thế nhưng có bao giờ bạn thắc mắc rằng người Trung Quốc xưa sẽ làm sạch răng miệng thế nào khi mà thời đó không hề có bàn chải cũng như kem đánh răng?
Theo phân tích của các nhà khảo cổ, trước kia chưa có kem đánh răng, người xưa vẫn có nhiều phương pháp để chăm sóc răng miệng. Trong thời kỳ cổ đại và phong kiến tại Trung Quốc, họ thường dùng ngón tay để chà xát lên răng hoặc sử dụng cành cây như công cụ.
Ở triều đại nhà Tùy và nhà Đường cho thấy, người xưa thường dùng cành liễu thay cho bàn chải đánh răng. Họ sẽ lấy một cành liễu thẳng, tạo thành hình dạng bàn chải, ngâm nước trong miệng, sau đó chà sát từ trong ra ngoài. Đôi khi, họ cũng kết hợp với bột răng để tăng hiệu quả làm sạch.
Thân liễu có tác dụng trừ gió, tiêu sưng, giảm đau... nên vào thời Đường, thời Tống, người ta thường dùng cành liễu dập dẹt sao cho giống như bàn chải để đánh răng. Người xưa cũng hay dùng một ít bột đánh răng để vệ sinh răng miệng tương tự bây giờ.
Ngoài ra, họ cũng dùng vải sạch để lau răng. Khi khai quật một ngôi mộ được khai quật vào thời nhà Đường có phát hiện ghi chép về "một trăm tấm vải lau răng", điều này có nghĩa là vải vóc cũng được người Trung Hoa cổ đại sử dụng để làm sạch răng.
Vào thời nhà Tần và nhà Hán, người dân luôn chú trọng đến việc vệ sinh răng miệng. Thời điểm đó, mọi người thường coi việc súc miệng là một việc làm cần thiết để bảo vệ răng lợi. Tất nhiên, nước súc miệng vào thời này không chỉ đơn giản là nước không mà là nước muối, nước trà hay nước thuốc,…
Một cách thức khác là làm sạch răng bằng dược cao. Người xưa rang các vị thuốc trư nha, tạo giác, gừng, khai ma, thục địa hoàng, mộc luật, tảo liên lá sen và một số vị thuốc khác cùng với thanh diêm (muối viên). Sau đó xoay nhuyễn rồi nấu lên và đắp lên răng.
Tất nhiên, người xưa không chỉ dừng ở việc đánh răng, mà còn sử dụng các loại sản phẩm tự nhiên khác để đảm bảo hơi thở được thơm tho. Vào thời kỳ nhà Minh, tư liệu lịch sử đã ghi chép về việc người xưa sử dụng bột đánh răng. Loại bột này có vai trò kép là làm sạch răng và điều trị các vấn đề liên quan đến răng miệng.
Thành phần chính của loại bột làm sạch răng là tạo giác, sinh khương (gừng tươi), thăng ma, địa hoàng, hạn liên, hòe giác, tế tân, hà diệp và thanh diêm đã được nghiền nhỏ và sử dụng để làm sạch răng.
Các loại thảo dược này mang đến tác dụng hiệu quả hạn chế gây mùi, làm dịu cảm giác nóng trong miệng, loại bỏ vết ố trên răng và bảo vệ răng khỏe mạnh. Tùy từng thời kỳ thì thành phần của bột đánh răng cũng có thay đổi.
Thêm vào đó, thời xưa không có quá nhiều đồ ăn chứa polysacarit như hiện tại, không có nước ngọt có gas, đồ ngọt cũng rất hạn chế, vì vậy người dân rất ít khi bị sâu răng.
Có ý kiến lại cho rằng, tuổi thọ người xưa rất thấp, trung bình chỉ khoảng 40-50 tuổi, răng chưa kịp sâu thì người đã về với cát bụi, vì vậy họ cũng không quá lo lắng đến vấn đề này.
Như Quỳnh(T/h)