+Aa-
    Zalo

    Người xưa kỳ công vận chuyển đá xây Tử Cấm Thành thế nào?

    (ĐS&PL) - Tử Cấm Thành là quần thể kiến trúc cung điện đồ sộ được xây dựng bằng gỗ và những phiến đá cẩm thạch lớn hàng trăm tấn. Với khối óc tài tình, những người xây dựng Cố cung đã nghĩ ra một phương pháp “vi diệu” để di chuyển những khối đá này.

    Tử Cấm Thành còn có tên gọi khác là Cố Cung tọa lạc ngay giữa lòng trung tâm thủ đô Bắc Kinh, bên cạnh quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc. Đây từng là cung điện của các triều đại từ thời nhà Minh đến cuối đời nhà Thanh.

    Được công nhận là Di sản Thế giới, Tử Cấm Thành ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh là nơi ngự trị quyền lực của triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Tử Cấm Thành hay Cố cung được xây dựng trong hơn một thập kỷ bằng gỗ quý từ các khu từng phía tây nam Trung Quốc và đá cẩm thạch lớn từ những mỏ đá gần Bắc Kinh.

    nguoi xua ky cong van chuyen da xay tu cam thanh the nao anh 4
    Việc sử dụng những phiến đá cẩm thạch có kích thước "khủng" như vậy khiến nhiều người tò mò về cách người xưa vận chuyển chúng từ địa điểm khai thác tới nơi xây dựng cung điện.

    Để xây dựng Tử Cấm Thành, người xưa đã mất nhiều năm để chuẩn bị các vật liệu khác nhau. Việc vận chuyển vật liệu quý về Bắc Kinh xây dựng cũng được tính toán và giám sát cẩn thận. Điều đó đặt ra những câu hỏi hóc búa về cách họ vận chuyển những vật liệu nặng như những phiến đá cẩm thạch nguyên khối hàng trăm tấn.

    Trước bí ẩn này, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm các sử liệu, ghi chép về quá trình xây dựng Tử Cấm Thành.

    Bí ẩn các phiến đá trong Tử Cấm Thành được tiết lộ

    Sau khi tìm kiếm các tài liệu lưu trữ, nhà nghiên cứu Jiang Li thuộc Đại học Thanh Hoa đã tìm thấy hồ sơ 500 năm tuổi của Trung Quốc khẳng định rằng năm 1557, một tảng đá nặng 123 tấn được vận chuyển trong 28 ngày từ một mỏ đá đến Tử Cấm Thành bằng xe trượt băng bằng gỗ.

    Một tài liệu tương tự ghi lại những tranh cãi của quan chức triều đình năm 1596 về việc làm thế nào để chuyển thêm đá vào Tử Cấm Thành. Một số người cho rằng sức kéo của những người đàn ông và xe trượt tuyết là cách an toàn để vận chuyển những khối đá quý.

    nguoi xua ky cong van chuyen da xay tu cam thanh the nao anh 1
    Các chuyên gia tính toán rằng nếu không đổ nước trên băng thì cần tới 338 người kéo tảng đá nặng 123 tấn. Nhưng khi đổ thêm nước để bôi trơn, chỉ cần 46 người đàn ông di chuyển khối đá.

    Trên thực tế, phân tích của nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng xe của Trung Quốc vào thế kỷ 16 không thể chở được đá nặng hơn 96 tấn. Những phương pháp vận chuyển giả thiết như con lăn, ván gỗ cho thấy chúng vẫn tạo ra quá nhiều ma sát để có thể di chuyển dễ dàng. Hơn nữa, việc lăn đá trên những khúc gỗ không khả thi vì con đường dài không bằng phẳng.

    Thay vào đó, các chuyên gia từ hai trường đại học ở Bắc Kinh và Đại học Princeton ở Mỹ tin rằng các công nhân đã làm một "con đường băng nhân tạo" trong mùa đông.

    Các "xa lộ băng" kéo dài 70km từ mỏ đá đến Tử Cấm Thành và đi qua một số con sông. Một đội khoảng gần 50 người sẽ kéo những phiến đá. Họ múc nước từ những chiếc giếng đào cách nhau 500 mét dọc theo con đường để tạo đường băng và "bôi trơn" con đường. Băng khi ướt sẽ giảm ma sát hơn rất nhiều so với bình thường.

    nguoi xua ky cong van chuyen da xay tu cam thanh the nao anh 3
    Nghiên cứu của các chuyên gia cũng chỉ ra người xưa đã tạo ra "con đường băng nhân tạo" vào mùa Đông để vận chuyển các khối đá khủng.

    Bằng cách này, những phiến đá khổng lồ sẽ trượt với tốc độ 0,29 km/h. Đó là một vận tốc đủ nhanh để đường băng còn ướt khi phiến đá trượt qua, trước khi nước đóng băng trở lại. Phân tích cũng cho thấy nhiệt độ trung bình ở Bắc Kinh vào tháng Giêng đủ lạnh để tạo ra băng chịu đựng được sức nặng của những tảng đá.

    Nhà khảo cổ học Charles Faulkner của Đại học Tennessee, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: "Tôi không ngạc nhiên. Nếu bạn có đủ người, đủ dây và đủ thời gian, bạn có thể di chuyển bất cứ thứ gì. Và họ đã có rất nhiều thời gian và rất nhiều người".

    Nhóm nghiên cứu cho biết việc đi tìm câu trả lời làm sáng tỏ kỹ thuật tinh vi của người Trung Quốc xưa. Họ nắm được các đặc tính của băng để tận dụng nó một cách hiệu quả. Có thể nói rằng những con đường băng đại diện cho trí tuệ tuyệt vời của người xưa trong việc xây dựng những công trình vĩ đại ở Trung Quốc.

    Phương Linh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-xua-ky-cong-van-chuyen-da-xay-tu-cam-thanh-the-nao-a559472.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan