(ĐSPL) – Xoay quanh đề xuất hình sự hoá đối với hành vi chở hàng quá tải, bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng có ý kiến cho rằng đề xuất này quá nặng.
Theo tin tức trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị hình sự hóa đối với hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150\% đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm.
Hành vi phá hoại tài sản quốc gia
Theo số liệu từ phần mềm kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính từ 1/4 đến hết năm 2014, các trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động của 63 địa phương và 2 trạm kiểm soát tải trọng xe cố định (Dầu Giây, Quảng Ninh) đã kiểm tra hơn 430.000 lượt xe, phát hiện hơn 57.000 xe vi phạm, chiếm 13,3\% tổng số xe được kiểm tra.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, việc thực hiện kiểm soát tải trọng xe của một số tỉnh, thành phố chưa quyết liệt, còn mang tính hình thức và chưa có biện pháp xử lý triệt để đối với xe quá tải vượt trạm.Ý thức của các DN vận tải, chủ hàng, chủ xe và lái xe còn kém, chạy theo lợi nhuận, thậm chí khoán khối lượng vận chuyển cho lái xe dẫn đến vi phạm.
Đại diện Sở GTVT Hải Dương cũng cho biết, tình trạng các phương tiện né tránh trạm cân đã làm hư hỏng một số đoạn tuyến trên Quốc lộ 5 đoạn đi qua Hải Dương.
“Có tình trạng phương tiện tập trung thành tốp 3-5 xe đan xen giữa xe đúng tải và xe quá tải chạy tốc độ cao, khi lực lượng CSGT dừng xe thì không chấp hành. Chưa kể đến tình trạng chây ỳ, chống đối, không xuất trình giấy tờ, khoá cửa xe bỏ đi của nhiều lái xe, gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra", đại diện Sở GTVT Hải Dương cho hay.
Ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng, có đề xuất này là do hiện nay tình trạng xe chở hàng quá tải trọng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Trên thực tế, nhiều xe chở quá tải 100-200\% tải trọng cho phép, nhiều nhà xe bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm, dẫn đến tình trạng các tuyến đường có nhiều xe quá tải đi qua bị hư hỏng nặng nề.
“Đường sá là tài sản quốc gia, là tiền của nhân dân. Với hành vi chở quá tải trên 150\% sẽ phá vỡ kết cấu đường, nên đây sẽ quy là hành vi phá hoại tài sản. Con người cũng vậy, anh chỉ gánh được 50kg mà anh gánh đến 100kg sẽ gãy xương đòn”, ông Nguyễn Văn Huyện nói.
Một lý do nữa mà Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ đưa ra vì thấy rằng trong thời gian qua việc nâng mức phạt, hạ tải, cắt thùng xe hay thu bằng lái tuy đã đạt nhiều kết quả khả quan nhưng chưa triệt để. Trong khi đó, đề xuất tịch thu phương tiện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia mới đưa ra cũng đang gặp nhiều ý kiến trái chiều, vướng nhiều cơ sở pháp lý, khó thực thi.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm soát tải trọng xe. |
|
Hình sự hoá là quá nặng
Theo TTXVN, là doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Bắc-Nam cũng không đồng tình việc chuyển từ xử lý vi phạm chở quá tải trọng sang xử lý hình sự.
“Chuyển sang xử lý hình sự thì quá nặng với lái xe trong khi đó hành vi chở hàng quá tải trọng không phụ thuộc nhiều vào lái xe mà còn phụ thuộc vào người xếp hàng, chủ hàng…,” ông Việt Anh đưa ra chính kiến.
Với tư cách đại diện tiếng nói cho doanh nghiệp vận tải, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, kiến nghị hình sự hóa hành vi chở hàng quá tải của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là mong muốn chấm dứt tình trạng xe chở quá tải trong năm 2015 như ý chí của Bộ Giao thông Vận tải đưa ra.
“Mong muốn của Tổng cục Đường bộ cũng phù hợp với mong muốn của nhân dân vì không ai muốn đồng tiền mình bỏ ra làm một con đường bị xe quá tải phá hoại, song chúng ta phải tuân thủ theo pháp luật. Nếu bất kỳ hành vi vi phạm không ngăn chặn được cũng chuyển sang hình sự thì vô tình làm tăng gánh nặng cho cơ quan thực thi pháp luật. Vì xử lý hình sự cần phải lập án, lập hồ sơ, điều tra….,” ông Liên cho hay.
Bởi vây, ông Liên đưa ra quan điểm, xe quá tải phá hoại công trình giao thông thì nên tăng nặng mức xử phạt vi phạm, có thể xử lý ở mức cao nhất nếu cố tình tái phạm để có tính răn đe và giáo dục nhận thức.
“Cơ quan Nhà nước nên áp dụng hình thức xử phạt nặng, xử phạt lũy tiến theo lượng hàng quá tải và theo số kilomet mà xe đó đã lưu thông như một xe chở hàng quá tải trọng chạy từ Thành phố Hồ Chí Minhra Đồng Nai bị xử phạt 1 triệu đồng, nhưng nếu xe này đã chở hàng ra đến Hà Nội thì mức phạt phải tăng lên gấp 5 hay 10 lần,” lãnh đạo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói.
Dưới góc độ cơ quan giúp cho Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp các Bộ, ngành và các địa phương về vấn đề an toàn giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, xe chở hàng quá tải, uy hiếp trực tiếp đến các công trình có giá trị hàng nghìn tỷ đồng và đặc biệt là ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng. Đây là hành vi phá hoại và hành vi uy hiếp đến kinh tế quốc gia thì việc đề nghị xử lý hình sự là hợp lý.
“Việc xử phạt phải đưa ra một lời cảnh báo có sức mạnh để người dân không vi phạm để bị phạt. Nếu người dân đã quan tâm đến việc xử phạt nặng như vậy thì họ sẽ không vi phạm,” ông Khuất Việt Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng cũng nhìn nhận, đây là kiến nghị của cơ quan quản lý Nhà nước để ngăn ngừa, răn đe phá hoại đến kết cấu đường bộ. Khi tiếp nhận đề xuất này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để xin ý kiến các Bộ Tư pháp, Công an… và đặc biệt là ý kiến của người dân.
“Quy định pháp luật không dành cho các chuyên gia mà là cho người dân. Do vậy là phải tạo được dư luận, kể cả ủng hộ và không ủng hộ để cơ quan quản lý Nhà nước nghe và nhìn để bổ sung các vấn đề cần thiết, nhất là lợi ích và quyền lợi hợp pháp của người dân. Quy định của pháp luật đưa ra những quan điểm rất sắc bén về pháp lý để bảo vệ người dân, nhưng cũng cần phải tuyên truyền để người dân hiểu được điều này. Do vậy, phải xin ý kiến chuyên gia và người dân vì đã là dự thảo là rất gần với việc phát hành,” vị Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh.
Cần truy cứu “chủ mưu”
Chia sẻ trên báo Người Lao Động, luật sư Thái Văn Chung - Giám đốc Công ty Luật Nguyên Giáp, đồng thời là Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM - tình trạng xe chở hàng quá tải trọng cho phép đã để lại hậu quả nặng nề về mặt kinh tế - xã hội, làm méo mó thị trường vận tải hàng hóa, làm gia tăng sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Vì thế, đề xuất truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng cố ý tổ chức cho xe chở hàng quá tải của Tổng cục Đường bộ là cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Chung, ngoài tài xế, cần truy cứu trách nhiệm hình sự cả chủ hàng, người xếp hàng và chủ phương tiện khi có hành vi cố ý thuê xe chở hàng quá tải trọng.
Một cán bộ thanh tra giao thông thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho rằng cần xem xét lại tỉ lệ quá tải trọng vì xe tải được phép chở 1 tấn, nếu quá tải 200\% cũng chỉ 3 tấn. Mức vi phạm này không ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông bởi hầu hết cầu, đường hiện cho phép tải trọng lên đến vài chục tấn. Còn nếu xử lý hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm của chủ xe, chủ hàng trước vì họ là người “chủ mưu”.
Hà Tĩnh, Kiên quyết xử lý xe quá khổ, quá tải vi phạm
Gia Huy(Tổng hợp)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khoi-to-tai-xe-xe-qua-tai-muc-phat-du-nghiem-hay-qua-nang-a89097.html