Theo báo Tiền Phong, tối ngày 21/6, liên quan vụ sai phạm 32 ha đất ở Phước Kiển, Cơ quan ANĐT Công an TPHCM vừa có quyết định khởi tố thêm 4 bị can, gồm ông Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM), ông Phạm Văn Thông (cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy), ông Huỳnh Phước Long (cựu Trưởng phòng quản lý đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy), ông Phan Thanh Tân (cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy).
Cả 4 bị can cùng bị khởi tố tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo Điều 219 BLHS.
Liên quan đến vụ án này, ngày 6/1/2020, Cơ quan ANĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Cty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận), ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV Cty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận) về cùng tội danh "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Đến ngày 8/12/2020, thêm 4 bị can bị khởi tố là ông Trần Tấn Hải (cựu Phó tổng giám đốc công ty), Nguyễn Thị Ngọc Bích (cựu kế toán trưởng), Nguyễn Hoàng Việt (cựu kiểm soát viên) và Nguyễn Xuân Tùng (cựu Trưởng phòng Kinh doanh tổng hợp Cty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận).
Như vậy, cùng với 4 bị can mới khởi tố, tổng cộng đã có 10 bị can bị khởi tố liên quan sai phạm chuyển nhượng 32 ha ở xã Phước.
Theo báo Lao động, Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp có 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM, thành lập năm 2004, trụ sở đặt tại quận 7, TP.HCM. Tính đến cuối năm 2016, Công ty Tân Thuận quản lý, đầu tư nhiều dự án như khu dân cư (KDC) Tân Quy Đông, KDC ven sông Tân Phong, KDC Bình Hòa, KDC Đường 10 Long An…
Tháng 8/2019, UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư dự án KDC Phước Kiển. Ngày 26/4/2017, ông Trần Công Thiện đã ký công văn gửi Văn phòng Thành ủy TP HCM đề nghị được hợp tác cùng Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Công ty Quốc Cường Gia Lai) đầu tư dự án KDC Phước Kiển, huyện Nhà Bè.
Theo đó, dự án KDC Phước Kiển có mức đầu tư hơn 6.500 tỉ đồng. Sau khi ông Trần Công Thiện có tờ trình, HĐTV Công ty Tân Thuận đã chấp thuận đề xuất hợp tác với Công ty Quốc Cường Gia Lai đầu tư dự án KDC Phước Kiển, Công ty Tân Thuận sẽ góp 30% vốn, còn 70% do Công ty Quốc Cường Gia Lai góp vào.
Đến ngày 5/6/2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng hơn 32 ha đất tại dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Đây là khu đất có vị trí đẹp cạnh sông Sài Gòn nhưng Công ty Tân Thuận bán chỉ 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỉ đồng. Giá này được cho là rẻ bất thường, nếu bán theo thị trường có thể thu cho ngân sách hơn 2.000 tỉ đồng.
Sau khi khu đất đã được bán, ngày 5/12/2017, Văn phòng Thành ủy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP đánh giá lại giá trị khu đất. Kết quả xác định khu đất phần lớn là đất nông nghiệp, chỉ hơn 480 m2 là đất ở. Trong trường hợp nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị toàn khu đất hơn 574 tỉ đồng. Theo cách tính này, Công ty Tân Thuận gây thất thoát hơn 150 tỉ đồng.
Ngày 27/12/2017, Thường trực Thành ủy TPHCM chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng, yêu cầu đàm phán lại và báo cáo chi tiết. Đến ngày 18/4/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM yêu cầu Công ty Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng khu đất cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, không đồng ý bán chỉ định, bởi lẽ đây là tài sản kinh tế Đảng nhưng tập thể Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM không biết việc ký chuyển nhượng vào thời điểm giao dịch.
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đánh giá việc ký kết hợp đồng không đúng Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH MTV thuộc sở hữu của Đảng bộ TP (Quyết định 1087/2009). Việc hủy hợp đồng chuyển nhượng trên, qua đàm phán chưa gây thiệt hại về kinh tế cho Công ty Tân Thuận, tuy nhiên đã gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng uy tín của Đảng bộ TPHCM và công ty.
Hoàng Yên (T/h)