Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh-nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Báo Thanh niên đưa tin, sau 3 ngày xét xử, chiều nay 15/3, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án vụ án lừa đảo xảy ra tại Dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land. Diễn biến đáng chú ý nhất tại phiên tòa này là Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà Nguyễn Văn Sơn đã công bố Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Nguyễn Ngọc Sinh - nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land), Đào Duy Phong - nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (lao động tự do), Lê Hoà Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5, Nguyễn Thị Kim Thoa - Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5, Thái Kiều Hương - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vietsan về tội Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.
“Có căn cứ xác định Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh và Đào Duy Phong - đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty cổ phần dịch vụ xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng của các cổ đông theo Hợp đồng đặt cọc ngày 27.3.2010 để hưởng khoản tiền chênh lệch giá 18 triệu đồng/m2”, Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn nêu rõ.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: báo VietnamNet) |
Bên cạnh đó, căn cứ đề nghị của đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy hành vi của Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại số 10 lô C4, khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng với Nguyễn Ngọc Sinh, Đào Duy Phong, Huỳnh Nguyễn Quốc Huy, Lê Hoà Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa, Thái Kiều Hương có dấu hiệu phạm tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự. Quyết định khởi tố vụ án này sẽ được gửi tới VKSND Cấp cao tại Hà Nội.
Theo báo Dân trí, theo hồ sơ vụ án, PVP Land có 4 cổ đông sáng lập gồm: PVC, Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phong Phú và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO).
Trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land với giá thấp hơn nêu trên, Đào Duy Phong khai nhận, Phong nhận được chỉ đạo từ Trịnh Xuân Thanh (cấp trên) bán giá 40 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza, nhưng chỉ thể hiện trong hợp đồng là 35 triệu đồng/m2; phần chênh lệch 5 triệu đồng/m2 để chia nhau và Phong đã thông báo lại với Nguyễn Ngọc Sinh để triển khai thực hiện. Sau đó Sinh đề nghị rút bớt thêm 1 triệu đồng/m2 để lấy tiền chi phí và Phong đã đồng ý.
Trên cơ sở đó, khi Nguyễn Ngọc Sinh ký tờ trình xin phê duyệt phương án bán cổ phần với giá chuyển nhượng không thấp hơn 13.500 đồng/cổ phần chưa thanh toán, tương đương với giá 34 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza, Đào Duy Phong đã ký phiếu gửi các thành viên HĐQT của PVP Land xin ý kiến. Sau khi nhận được đa số ý kiến đồng ý của các thành viên HĐQT, Phong đã ký nghị quyết thành viên HĐQT và Quyết định của HĐQT về việc đồng ý cho PVP Land chuyển nhượng toàn bộ 12.120.000 cổ phần sở hữu với giá 34 triệu đồng/m2.
Khoảng 2 ngày trước khi vụ án được khởi tố, Đào Duy Phong nhận được điện thoại của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy nói sang văn phòng của Duy để nhận tiền. Tại đây lái xe của PVP Land là Trần Ngọc Long - người chở Phong sang văn phòng của Duy, đã nhận 10 tỷ đồng chuyển lại cho Phong. Phong đã sử dụng 8 tỷ đồng để trả nợ các khoản vay và chi tiêu cá nhân hết, 2 tỷ đồng bảo lái xe Long chuyển cho Sinh. Phong khai không biết về hợp đồng đặt cọc ngày 27/3/2010 và về giá chuyển nhượng mà các cổ đông đã thống nhất là tương đương 52 triệu đồng/m2.
Điều 278 Bộ luật Hình sự về Tội tham ô tài sản 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Gây hậu quả nghiêm trọng; b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) Phạm tội nhiều lần; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(tổng hợp)