(ĐSPL) - Khi mọi đầu mối thông tin từ các trường học trở nên khó khăn, PV đã lần tới hệ thống các nhà phân phối sách giáo khoa vào nhà trường. Khác hẳn với sự im ỉm của cánh cửa trường học, các nhà sách có phần dễ tiếp cận hơn. Họ cũng không ngần ngại nói ra mức hoa hồng hậu hĩnh cho mỗi hạng mục sách mà khách hàng muốn nhập.
Cuộc đối thoại với những “nhân vật đặc biệt”
Trong quá trình khai thác thông tin về việc đưa sách giáo khoa vào trường học, PV gặp không ít khó khăn khi tiếp cận với các nhà trường. Riêng việc bước qua được cửa bảo vệ của mỗi trường đã là vô cùng nan giải. Và nếu có may mắn gặp được lãnh đạo của trường nào hoặc liên hệ được qua điện thoại thì cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối vì “nhà trường không có nhu cầu” đã “nhập từ các mối quen” hoặc “đi theo đường của phòng giáo dục”. Thế mới biết, để có được chân cung ứng sách vào các trường học khó thế nào. Và chắc hẳn, công ty mới nào chỉ kiên trì đi gõ cửa từng trường và mang sách đến rao bán như chúng tôi chắc sẽ khó mà có được “diễm phúc” ấy. Chính vì thế, PV đành tìm đến một số nhà sách lớn ở Hà Nội với tư cách là nhân viên hành chính của trường, đi tìm mối nhập sách cho năm học tới.
PV đang tham khảo giá của một số loại sách (Ảnh: T.T). |
Khi PV có mặt tại cửa hàng Sách giáo dục (thuộc công ty Cổ phần sách Giáo dục thuộc TP. Hà Nội trên phố Giảng Võ), H. - quản lý nhà sách đang tất bật với việc quyết toán các hợp đồng bán sách cho một số trường trên địa bàn Thủ đô. Tay vừa thoăn thoắt in và ký các giấy tờ liên quan, H. tranh thủ nói: “Mùng 1/6 học sinh nghỉ hè là bắt đầu mùa vụ và đến giữa tháng Tám đã là cuối vụ rồi. Đây, anh cho em xem luôn phiếu thanh toán với trường cấp II Đ.Đ. Đây là mức chiết khấu 7\%. Khi viết hóa đơn cho các trường, bắt buộc phải ghi 7\% trên hóa đơn. Còn mức chênh lệch ngoài, bên anh sẽ trả tiền mặt tùy theo từng loại sách. Khi giao sách, có tiền mặt thì trả bằng tiền mặt luôn, còn nếu chuyển khoản thì phải ký hợp đồng”.
Nói về mức chiết khấu ở đơn vị mình, H. tự tin khẳng định đó là mức chiết khấu tốt nhất và cạnh tranh nhất. Với mức chiết khấu này, H. cho biết, công ty H. đã duy trì quan hệ mua bán nhiều năm với không ít trường học trên địa bàn thành phố. H. cho hay: “Có nhiều loại sách, mỗi loại lại có mức chiết khấu khác nhau. Cụ thể theo đơn giá của cửa hàng Sách giáo dục mà H. đưa ra thì sách giáo khoa có mức chiết khấu 15\%; sách tham khảo từ 20-32\%. Thủ tục rất đơn giản. Nếu nhà trường lấy thì đem giấy giới thiệu lên để ký hợp đồng hoặc chuyển khoản. Nếu muốn cho thêm sách tham khảo các loại, ngoài những loại sách giáo khoa mà bộ GD&ĐT yêu cầu, nhà trường chỉ việc đưa ra các danh sách cần mua, các nhà sách sẽ nhập đầy đủ để đóng theo đúng bộ như đơn đặt hàng”.
Khi chúng tôi vờ kỳ kèo xin tăng mức chiết khấu, H. cho hay đó đã là mức chung rồi nên không thể tăng thêm được nữa. H. khẳng định không có ở đâu có mức chiết khấu cao như ở đơn vị mình, thế nên không phải băn khoăn về con số này nữa.
Tại nhà sách Trí Tuệ (số 187, Giảng Võ), PV may mắn gặp được “nhân vật đặc biệt”, người được giới thiệu là chuyên trách phần cung ứng sách cho các trường học, T. nhiệt tình giới thiệu về dịch vụ của mình. Theo lời T., bất cứ loại sách nào, cấp học nào T. cũng có thể cung ứng được. Nguồn hàng ổn định. Mức chiết khấu của sách giáo khoa là 8\%, còn các loại sách khác đổ đồng mức 20\%. Mức chiết khấu sẽ cao hơn nếu trường nhập số lượng lớn”, T. nói.
Bảng giá sách bổ trợ tiểu học năm 2014-2015 của một nhà sách. (Ảnh: T.T). |
Ngậm bồ hòn làm ngọt
Theo tìm hiểu của PV, T. là người đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc cung ứng sách cho các trường học. Nếu không mua, T. cũng sẵn sàng tư vấn giúp chúng tôi có được một bộ sách đính thêm hợp lý mà không gặp phải sự phản đối của phụ huynh. T. chia sẻ: “Là cha mẹ học sinh thì luôn nghe theo lời cô giáo vì mua theo lời cô giáo hướng dẫn là chuẩn. Khỏi phải lăn tăn điều gì. Vì vậy, nhà trường có thể thêm một cuốn hay năm cuốn cho mỗi bộ sách. Nếu chỉ đính thêm 1 hay 2 cuốn là quá ít. Thậm chí có trường còn đính thêm tới 10 cuốn sách tham khảo (những loại này đương nhiên không phải là sách bắt buộc của bộ GD&ĐT) để nhận thêm được nhiều tiền chiết khấu. Đây chẳng khác gì trò “bán bia kèm lạc” mà nhiều người thấy ngao ngán, bức xúc nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Điều quan trọng, để “hợp lý hóa” những cuốn sách đó, thì bí quyết được nhiều người áp dụng đó là trong năm học, cuốn sách đó phải được đưa ra sử dụng, dù nhiều hay ít. Lý giải vì sao mức chiết khấu sách giáo khoa thấp, T. cho hay, sách giáo khoa chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục được phép phát hành. Còn sách tham khảo mới cho tư nhân liên kết xã hội hóa phát hành. Thế nên có “biến hóa” để nâng mức tiền thì dựa vào sách tham khảo là chính. “Sách giáo khoa đáng bao nhiêu, rẻ lắm. Sách tham khảo luôn có mức giá gấp ba lần trở lên. Một bộ sách cơ bản bao gồm sách giáo khoa và sách bài tập của cấp I có giá trên dưới 100.000 đồng; của cấp II là khoảng 200.000 đồng. Tuy nhiên trên thực tế, các bậc phụ huynh luôn phải mua các bộ sách từ nhà trường với giá từ 300.000 đến 400.000 đồng.
Như vậy, với mức chiết khấu cao, các nhà trường sẵn lòng làm dịch vụ cho công ty sách. Để có nhiều học sinh mua sách giáo khoa, sách tham khảo, nhà trường, giáo viên có nhiều cách khéo léo để vận động, tư vấn, khuyến khích học sinh mua sách.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ kiếm lời từ việc mua sách đầu năm học cho học sinh, các trường còn được hưởng lợi không ít từ công tác bổ sung sách cho thư viện. Thường trường sẽ sử dụng kinh phí đầu tư trang thiết bị dạy học và khoản hỗ trợ từ quỹ phụ huynh để xây dựng tủ sách thư viện. Riêng các sản phẩm khác như băng đĩa, phần mềm, bút viết... cũng sẽ được bổ sung thêm... ở hạng mục này, mức chiết khấu mà các nhà sách đưa ra dao động từ 10-20\% tùy theo từng sản phẩm. Chính nhân viên của nhà sách T.N đã thừa nhận với PV rằng, nhà sách anh làm không trông chờ nhiều vào việc cung ứng sách cho các trường học vì khó cạnh tranh được với các đối thủ khác, lại không có quan hệ với các lãnh đạo từ sở, phòng. Thế nên chỉ còn trông chờ vào việc bán sách, thiết bị cho các thư viện thôi.
Để có được hợp đồng cung ứng sách cho các nhà trường, ngoài mức chiết khấu tốt, các nhà sách cũng cần phải có quan hệ khéo léo với lãnh đạo các phòng giáo dục. Nhiều trường muốn tách ra tìm lối đi riêng nhưng cũng khó mà trái ý của cấp trên. Họ buộc phải đi theo “hệ thống mà phòng giáo dục” của đơn vị mình cung cấp. Hẳn dư luận vẫn chưa quên, trước đây, đã từng có loại văn bản gọi là “công văn chiết khấu” mà một nhà sách ở Hà Nội gửi các trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng trường học, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên tại Hà Nội.
Công văn này đã không ngần ngại nói về mối quan hệ khăng khít với các phòng GD-ĐT quận, huyện, các nhà trường, trung tâm giáo dục thường xuyên để phát hành sách. Mức chiết khấu cũng được nêu rõ ràng không hề giấu giếm. Giờ đây, có lẽ không cần đến những công văn như vậy nhưng trong mỗi hợp đồng, các nhà trường đều được nhận mức chiết khấu hậu hĩnh đến hàng chục phần trăm. Các bậc phụ huynh dù biết hay không biết mối quan hệ đó, cũng tặc lưỡi cho qua vì mọi sự hanh thông của con cái mình ở lớp mới là điều quan trọng.
Thủ thuật “ẩn” phần trăm chiết khấu Theo chia sẻ của nhân viên một nhà sách, trong nhiều trường hợp, mức chiết khấu các loại sách dù là sách giáo khoa hay tham khảo thì cũng là dưới 10\%. Số tiền chênh lệch ở từng loại sách sẽ được trả ở ngoài. Với cách này, những người đứng ra đi mua sách cho mỗi trường sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. |