(ĐSPL) – “Mục tiêu của chúng ta vì học sinh, vì chất lượng giáo dục, còn sự bình đẳng của các nhà xuất bản phải là thứ yếu. Không thể tôn trọng mục tiêu kinh doanh hơn là mục tiêu chất lượng giáo dục”.
Ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khi trao đổi với báo chí tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sáng 28/8.
GS Đào Trọng Thi. |
Về chủ trương của Bộ Giáo dục khuyến khích biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa GS Thi bày tỏ, “Có nhiều bộ sách là tốt. Cần phải huy động trí tuệ xã hội, kết hợp trách nhiệm nhà nước để đạt thành quả cao nhất trong việc làm sách giáo khoa (SGK) cho học sinh. Về chương trình: vẫn chủ trương 1 chương trình quốc gia thống nhất, nhưng mềm dẻo hơn, gồm một số nội dung bắt buộc, bên cạnh đó dành thời lượng cho nội dung từng địa phương.
Mục tiêu của chúng ta là vì học sinh, vì chất lượng giáo dục, còn sự bình đẳng của các nhà xuất bản phải là thứ yếu. Không thể tôn trọng mục tiêu kinh doanh hơn là mục tiêu chất lượng giáo dục”.
“Theo tôi biết Chính phủ đã có thống nhất. Tinh thần là chúng ta phải chuẩn bị nguồn lực chủ yếu để đảm bảo các điều kiện cho chương trình đổi mới SGK phổ thông. Mà hai nguồn lực quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, hiện nay phải đầu tư mạnh cho các cơ sở giáo dục sư phạm để họ chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên, không những đáp ứng bình thường yêu cầu triển khai theo chương trình SGK mới mà phải đi trước một bước. Hiện nay, nếu thay đẩy mạnh chương trình nội dung thì rất có thể đội ngũ giáo viên sẽ thay đổi mạnh về cơ cấu, không còn giáo viên môn học như bây giờ mà là giáo viên tích hợp các môn. Ít nhất, phải có 4 năm giảng dạy trong nhà trưởng cộng tích lũy kinh nghiệm mới có thể thực hiện được”. – GS Đào Trọng Thi chia sẻ thêm về nguồn lực cho việc đổi mới SGK.
Cùng quan điểm như trên, tuy nhiên GS Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu thêm ý kiến của mình về việc biên soạn SGK cần chú ý thêm tới khu vực nông thôn, “Tôi muốn lưu ý là theo các nghiên cứu gần đây về phát triển giáo dục khu vực nông thôn, có một khuyến nghị là rất cần bộ sách giáo khoa cho khu vực nông thôn với một định hướng rõ ràng là khuyến khích các em theo đuổi và phát triển nghề nông, nuôi tham vọng đổi mới nông thôn, tự tin lập nghiệp và có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên mảnh đất quê hương. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào quy định trên như sau: khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác, nhất là sách giáo khoa cho khu vực nông thôn, các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số”.
GS Nguyễn Thám – trường ĐH Sư phạm Huế thì đề nghị mời các chuyên gia, các nhà giáo dục, nhà quản lí, giáo viên giỏi ở các bậc học, giảng viên ở các trường sư phạm, nhất là huy động các giảng viên học ở nước ngoài chuyên về phát triển chương trình tập trung trong một thời gian dài để thiết kế chương trình sau đó góp ý thẩm định, dịch sang tiếng Anh và mời chuyên gia nước ngoài góp ý.
PGS.TS Trần Diên Hiển, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội cho biết, cách tổ chức biên soạn sách giáo khoa như hiện nay còn nhiều hạn chế. Số tác giả tham gia vào biên soạn sách giáo khoa ít, vì vậy bỏ phí một số lượng đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo có trình độ tham gia biên soạn sách giáo khoa nhưng không có cơ hội.
Bộ GD-ĐT ban hành một bộ sách giáo khoa dùng chung cho tất cả các đối tượng học sinh, các vùng miền trên cả nước đã dẫn đến bất cập. Cùng một cuốn sách đó, nhiều nơi cho là vừa sức, có nơi cho là quá tải, nơi lại cho còn thấp. Đặc biệt, hạn chế khả năng sáng tạo, chủ động của giáo viên, vì vậy gặp khó khăn khi triển khai đổi mới giáo dục phổ thông. Gây tốn kém một khoản tiền không nhỏ cho các dự án biên soạn sách giáo khoa phổ thông trong khi hiệu quả mang lại chưa như mong đợi.
PGS.TS Hiển cho rằng, để giải quyết vấn đề này, Bộ GD-ĐT nên chỉ đạo xây dựng một chương trình chuẩn, chi tiết cho từng môn học ở mỗi cấp học, đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, liên thông, kết hợp giữa các môn học trong một cấp học và giữa các cấp học đối với một môn học. Đồng thời, kèm theo chương trình chuẩn đầu ra cho mỗi môn học, đối với từng lớp, từng cấp học và bậc phổ thông.
Thành lập hội đồng thẩm định sách giáo khoa từng môn học ở mỗi cấp học gồm những nhà khoa học có công tâm, có trình độ hiểu biết về môn học và có hiểu biết về nghiệp vụ sư phạm, công tác giảng dạy học ở phổ thông. Sau khi có chương trình và chuẩn đầu ra cho mỗi môn học. Bộ GD-ĐT kêu gọi, vận động các nhà khoa học, giáo viên, nhiệt huyết tham gia biên soạn sách giáo khoa cho mỗi cấp học. Công khai danh sách hội đồng thẩm định của mỗi cuốn sách giáo khoa để gắn trách nhiệm của hội đồng thẩm định với tập thể tác giả về chất lượng của cuốn sách.
Trong khi đó, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên Quốc hội chỉ ra lợi ích của việc biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa “sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng sách có lợi cho người đọc và người dạy” tuy nhiên cũng đồng thời chỉ ra những khó khăn như cần phải xem xét khả năng hạn chế sai sót, nhất là trong SGK các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GDCD.
"Cơ chế lựa chọn, sử dụng SGK, nhất là trong tình hình quyết định của những người có thẩm quyền dễ bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Cần có giải pháp để lựa chọn được những bộ sách tốt và tương đổi ổn định để phù hợp với điều kiện tài chính có hạn của các gia đình Việt Nam".